Nhiều người nhận định rằng, nếu ứng cử viên gốc Triều Tiên Moon Jae-in thắng trong cuộc bầu cử ngày 9/5, nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ ngả theo hướng đối thoại với Triều Tiên, giúp tháo ngòi nổ ở bán đảo Triều Tiên.
|
Theo kết quả thăm dò do hãng Real-meter công bố ngày 3/5, ông Moon Jae-in vẫn dẫn trước các đối thủ và là ứng cử viên sáng giá nhất tỏng cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc hôm 9/5. |
Buổi sáng hôm 18/8/1976, một nhóm gồm 11 binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc hộ tống 2 công nhân tỉa cành của một cây bạch dương trong địa phận an ninh chung thuộc Khu vực phi quân sự liên Triều (DMZ).
Cây bạch dương che khuất tầm nhìn giữa các tháp canh của binh sĩ Liên Hợp Quốc và Triều Tiên trên dải đất hẹp ngăn cách Triều Tiên với Hàn Quốc từ khi thỏa thuận đình chiến chấm dứt cuộc chiến giữa hai nước vào năm 1953.
Cả hai bên đều chấp thuận việc chặt cây, song đột nhiên Triều Tiên phái 15 binh sĩ tới để yêu cầu nhóm binh sĩ Mỹ - Hàn ngừng tỉa cành, do đây là cây do chủ tịch Kim Nhật Thành trồng.
Nhóm binh sĩ Mỹ và Hàn từ chối yêu cầu. Ngay lập tức, nhóm binh sĩ Triều Tiên giật rìu của các công nhân rồi chém đại úy Arthur Bonifas và trung úy Mark Barrett, hai sĩ quan trong nhóm binh sĩ, khiến họ tử vong.
Tướng Richard G. Stilwell, người chỉ huy lực lượng Liên Hợp Quốc tại Hàn Quốc hồi đó, ra lệnh chặt cây bạch dương để thể hiện thái độ cứng rắn. Một trong số những binh sĩ Hàn Quốc tham gia nhiệm vụ chặt cây là Moon Jae-in.
“Vào thời điểm ấy, căng thẳng giữa hai bên leo thang một cách nguy hiểm. Nếu Triều Tiên cản trở việc chặt cây, hành động của họ có thể gây nên chiến tranh”, ông Moon kể lại.
Bóng ma chiến tranh lại một lần nữa hiện ra trên bán đảo Triều Tiên và rất có thể Moon sẽ phải ra tiền tuyến một lần nữa. May mắn thay, thảm họa đó không xảy ra.
Giờ đây, vị luật sư nhân quyền 64 tuổi trở thành ứng cử viên sáng giá trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào ngày 9/5. Cuộc bầu cử diễn ra sau khi Tòa án Hiến pháp phế truất tổng thống Park Geun-hye vì bê bối tham nhũng.
Cương vị lãnh đạo gian khó nhất thế giới
|
Một người Hàn Quốc theo dõi thông tin Triều Tiên thử tên lửa qua truyền hình công công. Ảnh: Seattle Times |
Hàn Quốc đang đối mặt nhiều vấn đề - như mức chênh lệch thu nhập cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng dần và kinh tế phát triển chậm.
Nhưng tâm trí của cử tri lại hướng về những biện pháp đối phó với Kim Jong-un, nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, trong bối cảnh Bình Nhưỡng đối đầu với chính quyền Tổng thống Donald Trump do chương trình hạt nhân.
Triều Tiên phô trương những tên lửa đạn đạo thế hệ mới trong một cuộc diễu binh hoành tráng hôm 15/4, thực hiện hàng loạt vụ thử tên lửa vào ngày 29/4, chỉ vài giờ trước khi một nhóm chiến hạm Mỹ tới bán đảo Triều Tiên.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị, từng cảnh báo hai nước rằng xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Vì thế, tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc sẽ thừa hưởng một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Nhưng ông Moon, ứng cử viên của đảng Dân chủ theo đường lối trung tả và từng thất bại sít sao trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, tin rằng định mệnh của ông là đưa hai miền Triều Tiên xích lại gần nhau sau 7 thập kỷ chia cắt.
“Hàn Quốc và Triều Tiên là một dân tộc có chung một ngôn ngữ và một nền văn hóa trong khoảng 5.000 năm. Chắc chắn một ngày nào đó chúng tôi sẽ đoàn tụ”, ông nhận định.
Là con trai của một người trốn khỏi Triều Tiên, ông Moon quyết tâm thống nhất hai miền theo cách riêng của ông - đối thoại thận trọng thay vì đối đầu. Ông nghĩ sự đối đầu hiện nay không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào, đặc biệt là với những người dân vốn đã phải chịu đựng nỗi thống khổ quá lâu.
Ông Moon chào đời trong bóng tối của chiến tranh. Cha, mẹ ông rời khỏi Triều Tiên và bước lên một tàu tiếp vận của Liên Hợp Quốc vào tháng 12/1950 cùng hàng nghìn đồng bào khác. Hai năm sau mẹ của Moon sinh ông trên đảo Geoje của Hàn Quốc. Sau chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc không có nền công nghiệp nặng hay đất đai màu mỡ như nước láng giềng phía bắc.
“Cái nghèo đã ghi dấu ấn lên tuổi thơ của tôi. Nhưng nó cũng có lợi. Tôi trở nên độc lập hơn, chín chắn hơn so với các bạn cùng lứa tuổi, đồng thời tôi cũng nhận ra rằng tiền không phải là thứ quan trọng nhất trong đời”, ông Moon bình luận.
Khi Moon bắt đầu bước vào cuộc sống, kinh tế ở Hàn Quốc tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu sản phẩm công nghệ, sự bùng nổ của ngành sản xuất xe hơi và đóng tàu từ thập niên 60. Ông trở thành một trong những sinh viên đấu tranh vì dân chủ trước khi trở thành luật sư nhân quyền.
Nhờ sự nghiệp ấn tượng, Moon được mời tham gia chính phủ của tổng thống Roh Moo Hyun. Ngày nay, nền kinh tế Hàn Quốc xếp thứ 12 thế giới về tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngược lại, Triều Tiên vẫn là nền kinh tế kế hoạch tập trung và thuộc nhóm nước nghèo nhất hành tinh.
Giống như mọi chính trị gia, ông Moon hiểu Hàn Quốc sẽ đối mặt với gánh nặng tài chính cực lớn nếu hai miền thống nhất. “Do đó, bước đầu tiên trong nỗ lực đưa hai nước xích lại gần nhau phải là hợp tác kinh tế.
Tôi muốn tạo điều kiện để doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp cận nguồn nhân lực rẻ của Triều Tiên, đồng thời khôi phục trao đổi văn hóa qua khu phi quân sự. Hợp tác kinh tế sẽ không chỉ mang tới lợi ích cho Triều Tiên, mà còn tạo ra động lực tăng trưởng cho Hàn Quốc, giúp chúng tôi khôi phục đà tăng trưởng mạnh”, ông nhận xét.
Tháo ngòi nổ Triều Tiên
|
Triều Tiên phóng tên lửa diễn tập. Ảnh: NBC |
Song thống nhất hai miền thực sự là thách thức về kinh tế và tư tưởng. Khu phi quân sự không chỉ phân tách hai đất nước có trình độ phát triển kinh tế khác biệt, mà còn là ranh giới giữa một quốc gia tôn thờ chủ nghĩa tiêu dùng và một nước vốn đã quen “thắt lưng buộc bụng”. Thách thức lớn nhất của mọi nhà lãnh đạo Hàn Quốc vẫn luôn là cách đối xử với Kim Jong-un.
“Tồi tệ” là từ không lột tả hết quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, bởi thực sự hai nước không thiết lập quan hệ ngoại giao. Cuộc gặp thượng đỉnh gần nhất giữa hai bên diễn ra từ 10 năm trước.
Ngay tại khu phi quân sự, Seoul và Bình Nhưỡng chưa tổ chức cuộc gặp chính thức nào từ năm 2013. Khi binh sĩ Liên Hợp Quốc muốn liên lạc với binh sĩ Triều Tiên, họ dùng một loa phóng thanh để truyền thông điệp qua khoảng đất trống giữa hai nước. Với ông Moon, đây là thực trạng không thể chấp nhận.
“Ngay cả khi Kim Jong-un là một nhà lãnh đạo gây khó chịu, chúng ta vẫn phải chấp nhận một thực tế là ông ta đang điều hành Triều Tiên. Vì thế chúng ta phải đối thoại với ông ấy”, ông lập luận.
Vài dấu hiệu cho thấy Kim Jong-un bắt đầu nới lỏng nền kinh tế tập trung. Ông cho phép thị trường tự do phát triển, đồng thời giải tán các cơ quan phân phối hàng hóa của nhà nước.
Hàng loạt tòa nhà mới mọc lên liên tục ở Bình Nhưỡng, nơi tivi màn hình phẳng và máy karaoke trở nên phổ biến hơn. Giờ đây người dân Triều Tiên đã nói về “giờ cao điểm”.
Trong diễn văn đầu năm 2015, Kim Jong-un tuyên bố ông sẵn sàng đối thoại với Hàn Quốc. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc vẫn là chương trình hạt nhân. Ý thức được vị thế mong manh của đất nước, Kim liên tục nhắc lại rằng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là vấn đề ông không bao giờ muốn thương lượng.
|
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vẫy tay chào đám đông trong lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng. Ảnh: NBC |
Quan điểm của ông Moon là các cuộc đối thoại chỉ có giá trị nếu chúng dẫn tới những kết quả nhãn tiền - như ngừng hoặc hủy chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân.
Ông từng chứng kiến những cuộc thương lượng như thế và tin rằng chúng có thể tái diễn. Là chánh văn phòng của cựu tổng thống Roh, ông đã góp phần vào nỗ lực tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Roh và cố lãnh đạo Kim Jong-il của Triều Tiên vào năm 2007, cũng như đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên từ năm 2003 tới năm 2009. Quá trình đàm phán kết thúc bởi một vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên.
Những người chỉ trích “chính sách Ánh Dương” của tổng thống Roh cho rằng khoản tiền 4,5 tỷ USD mà Hàn Quốc viện trợ cho Triều Tiên đã giúp Bình Nhưỡng tăng tốc chương trình vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, ông Moon khẳng định “chính sách Ánh Dương” mang lại hiệu quả tích cực hơn so với chủ trương cấm vận và cô lập Bình Nhưỡng. Bằng chứng mà ông đưa ra là Tuyên bố chung giữa hai miền vào ngày 19/5/2005, trong đó Triều Tiên cam kết tháo dỡ các vũ khí hạt nhân, ký kết hiệp định hòa bình và thậm chí bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
“Thậm chí chính phủ Triều Tiên còn phá các tháp làm mát lò phản ứng hạt nhân của họ. Biện pháp từ thời kỳ chính sách Ánh Dương vẫn có thể phát huy tác dụng”, ông nói.
Giải pháp đối thoại hay quân sự?
|
Tàu sân bay cùng nhóm tàu chiến Mỹ có mặt tại bán đảo Triều Tiên hồi tháng Tư vừa qua, nhằm đối phó với tình hình leo thang và nguy cơ Triều Tiên phóng thử tên lửa hoặc hạt nhân. Ảnh: Timesunion |
Do Tổng thống Donald Trump từng phê phán thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran, không ai nghĩ ông muốn ký một thỏa thuận tương tự với Triều Tiên. Song ông Moon nói ông và Trump đều nhất trí rằng chủ trương “kiên nhẫn chiến thuật” của chính quyền Barack Obama với Triều Tiên đã thất bại.
Có thể các cố vấn của Trump sẽ thuyết phục ông tiếp cận Kim Jong-un theo cách khác. “Tôi nhớ Trump từng nói ông có thể đàm đạo với Kim Jong-un về bánh hamburger. Dẫu sao thì Trump vẫn là một người thực dụng. Nếu vận dụng cách của Trump, tôi tin Hàn Quốc và Triều Tiên có thể chia sẻ nhiều ý tưởng hơn, đối thoại hiệu quả hơn và đạt được sự đồng thuận dễ dàng”, ông Moon thổ lộ.
Hôm 1/5, Trump nói với Bloomberg rằng ông cảm thấy “vinh hạnh” nếu gặp Kim Jong-un.
Một số giải pháp khác an toàn hơn nhưng vẫn có thể phát huy tác dụng. Hiện tại ông Trump đang gây sức ép với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên - để buộc Bắc Kinh kiềm chế Bình Nhưỡng. Washington cũng trừng phạt những doanh nghiệp và ngân hàng Trung Quốc hợp tác với Triều Tiên.
Trung Quốc có ảnh hưởng lớn với Triều Tiên. Nhưng ngày nay thái độ hoài nghi phủ bóng quan hệ giữa hai nước. Bắc Kinh từng ủng hộ các nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng của Liên Hợp Quốc, cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên trong năm nay.
Chính phủ Trung Quốc vẫn có thể thực hiện một biện pháp nữa: Ngừng viện trợ 500.000 tấn dầu thô cho Triều Tiên. Biện pháp ấy từng buộc nhà lãnh đạo Kim Jong-il chấp nhận đàm phán 6 bên vào năm 2003.
Nhưng Trung Quốc cũng lo ngại những rủi ro tiềm ẩn. Nếu khủng hoảng nổ ra ở Bình Nhưỡng, hàng triệu người Triều Tiên có thể chạy sang Trung Quốc. 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc và việc hai miền thống nhất sẽ tạo điều kiện để họ hiện diện ngay sát biên giới Trung Quốc. Vì thế Kim Jong-un hiểu Trung Quốc sẽ không bao giờ siết quá chặt.
Tấn công quân sự từ phía Mỹ cũng là một lựa chọn, song phần lớn chuyên gia tin rằng Washington sẽ không dùng vũ lực với Triều Tiên. Ngoài việc Bình Nhưỡng đáp trả, hành động tấn công chắc chắn sẽ phá tan liên minh an ninh của Mỹ ở châu Á, đẩy khu vực ngả vào vòng tay Trung Quốc.
|
Triều Tiên phóng thử tên lửa. Ảnh: BBC |
“Làm sao Mỹ và các nước khác có thể hưởng lợi từ vũ lực? Đó là ý tưởng điên rồ”, Daniel Pinkston, một chuyên gia về Đông Á của Đại học Troy tại Hàn Quốc, bình luận.
Trong bối cảnh ấy, chủ trương hợp tác thận trọng của ông Moon có triển vọng thành công. Tài phiệt công nghệ Ahn Cheol-soo - đối thủ chính của ông Moon trong cuộc bầu cử ngày 9/5 - muốn dùng sức mạnh quân sự để kéo Triều Tiên tới bàn đàm phán.
Vì thế Ahn ủng hộ Mỹ triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), bất chấp sự giận dữ của Trung Quốc. Moon tỏ ra thận trọng hơn với THAAD, cho rằng chính phủ hiện tại nên nhường quyền quyết định triển khai THAAD cho tổng thống tiếp theo.
Hai ứng cử viên có một điểm chung. Họ đều nghĩ Hàn Quốc không thể đứng ngoài khi Mỹ tấn công hay đối thoại với Triều Tiên, bởi 50 triệu dân Hàn Quốc có thể trở thành những nạn nhân đầu tiên của mọi xung đột vũ trang trên bán đảo.
Mặc dù thế hệ trẻ Hàn Quốc cảm thấy xa lạ với Triều Tiên, những thế hệ già hơn vẫn muốn hai miền đoàn tụ. “Mẹ tôi là người duy nhất trong họ ngoại rời khỏi Triều Tiên. Hiện tại bà đã 90 tuổi. Em gái của mẹ vẫn sống ở Triều Tiên. Ước nguyện cuối cùng của mẹ là nhìn thấy dì lần nữa”, Moon nói.
Đó là nguyện vọng trong tâm khảm của vô số người dân Triều Tiên ở cả hai bên giới tuyến, những người luôn khao khát hòa bình và căm ghét chiến tranh.
Thái Dương (theo Time)