Ngày tôi đi, tóc mẹ con xanh, lưng cha còn thẳng, ba đứa em còn thập thò chảy mũi. Thấm thoắt, tôi cũng đã già, ngày tháng của cha mẹ giờ chỉ còn được tính theo những bữa cơm ăn nhiều hay ít.
Tôi sinh ra trên mảnh đất miền Tây Nam bộ. Tuổi thơ gắn với những mùa bông điên điển. Nhà đông con nên cha mẹ tôi phải vật lộn đủ nghề. Tốt nghiệp hết cấp II, tôi buộc phải nghỉ học để nhường cơ hội tới trường cho các em. Sự trưởng thành về thể chất và suy nghĩ khiến tôi trở nên già trước tuổi.
Tôi không muốn gia đình mình cứ quẩn quanh với những miếng ruộng khai hoang, bữa cơm và sự nghiệp học hành của các em phụ thuộc vào con nước nổi. Tôi quyết định đến thành phố, tìm trung tâm mai mối để đăng ký một suất lấy chồng Tây.
|
Ảnh minh họa |
Rồi điều tôi chờ đợi cũng tới, một người ông cao to, mắt xanh xuất hiện. Qua phiên dịch, tôi biết đó là Jon - 45 tuổi, quốc tịch Mỹ, công việc chính là thợ cơ khí. Cha mẹ tôi trải qua hết bất ngờ này đến bất ngờ khác trước sự xuất hiện của người đàn ông ngoại quốc. Họ càng sốc hơn khi biết Jon đã qua một đời vợ nhưng chưa có con.
Cha tôi thì trầm ngâm, còn mẹ thì phản đối ra mặt. Bà kêu tôi ra ngoài sân giảng giải: “Con biết gì về người ta đâu mà theo họ. Chúng ta nghèo đói một chút nhưng sớm tối có nhau, chứ nước Mỹ gì đó xa tít mù khơi thì xem như mẹ mất luôn một đứa con gái…”. Vừa khóc, bà vừa cầm tay tôi “nghe mẹ, đừng vội lấy ông đó nghe con”.
Tôi chẳng thể nhớ nổi lúc đó mẹ nói những gì, vì lòng tôi cũng rất ngổn ngang. Ôm mộng xuất ngoại nhưng những gì đang diễn ra khiến tôi không thể lường trước được. Tôi hoang mang nói với người mai mối “cho em thêm thời gian”.
Dù tôi đã né tránh nhưng Jon vẫn kiên trì theo đuổi. Qua thông dịch viên, họ nói “Jon thích mái tóc dài và đôi mắt to đen của tôi. Anh nghiêm túc trong mối quan hệ này”. Thực lòng, tôi cũng cảm mến Jon nhưng lời mẹ nói cứ văng vẳng bên tai khiến tôi lo sợ.
Để tôi tin về mình, Jon đưa ra những giấy tờ và hình ảnh về gia đình để minh chứng một điều “anh sang Việt Nam để tìm vợ”. Nếu lấy anh, tôi sẽ xuất ngoại và làm cho một công ty tư nhân thiên về kỹ thuật.
Mẹ vẫn nhất quyết không đồng ý, nhưng thấy các em có nguy cơ nghỉ học, lòng tôi như có lửa đốt. Tôi quyết định gật đầu theo Jon về Mỹ cùng lời hứa để cả nhà yên tâm “con đi rồi con sẽ về”.
|
Ở đây ngày tết chỉ có tiếng cào tuyết. |
Lời hẹn năm xưa thấm thoắt đã 23 năm có lẻ, tôi vẫn chưa một lần trở về. May mắn duy nhất với tôi là những gì Jon nói về mình hoàn toàn đúng sự thật. Nhưng cuộc sống ở xứ người không dễ dàng gì với một đứa nhà quê, ít học như tôi. Trở ngại lớn nhất, trước tiên là bất đồng ngôn ngữ, tôi - anh và mọi người xung quanh chẳng hiểu ai đang nói điều gì. Tôi và họ chủ yếu giao tiếp bằng cử chỉ và ngôn ngữ hình thể. Dần dần, Jon dạy cho tôi tiếng, lái xe, công việc nội trợ, tôi tiếp thu khá nhanh và mày mò tự học.
Những khó khăn dần dà cũng qua, chỉ có nỗi nhớ nhà thì lúc nào cũng cồn cào. Không biết giờ này mẹ nấu cơm chưa, cha giăng lưới có được con cá linh nào không? Thằng Tuấn, thằng Tị, cu Út giờ này đi học đã về?
Ký ức càng ùa về, nước mắt tôi càng tuôn rơi. “Liệu quyết định của mình có vội vàng và sai lầm hay không” - tôi đau đáu mơ hồ về tương lai. Nhưng những lá thư gửi về cho cha mẹ, tôi vẫn vui vẻ khoe: “cả nhà yên tâm, con ổn” cùng với đó là những đồng đô la tôi dồn góp được để mọi người đừng lo lắng.
Những đứa con tôi lần lượt ra đời, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào Jon. Jon sống có trách nhiệm, chăm chỉ nhưng khá trầm lặng và kỹ tính. Dù thương nhau, nhưng giữa tôi và chồng vẫn có một khoảng cách vô hình mà đến giờ tôi vẫn không hiểu nổi. Đồng nghiệp anh thì nửa kín nửa mở “ngày trước, vợ cậu ấy bỏ đi cũng một phần vì Jon”.
|
Bữa tiệc hôm tết Tây của gia đình tôi. |
Giảm sự đơn điệu của cuộc sống, tôi gửi hết vào những câu hò vọng cổ. Nhưng những câu hỏi của các con lại khiến mắt tôi lưng tròng “mẹ của mẹ ở đâu”, “Việt Nam là ai”, “miền Tây nước lớn là sao”… Con hồn nhiên nhưng lòng mẹ thì như bị dao cắt. Con tôi chưa một lần được về quê ngoại, chúng chỉ biết họ qua những bức hình chứ cái không gian mênh mông sông nước và cuộc sống thanh bình, dù có kể, có tả, các con tôi cũng không thể nào hình dung được.
Đã nhiều lần, tôi bàn tính với chồng dự định về thăm quê. Anh không trả lời nhưng tôi biết anh đang nghĩ gì. Nếu để tôi về một mình thì cha con sẽ rối rắm cả lên, nhưng về cả nhà thì tốn cũng kha khá tiền.
Lâu nay tích cóp được một ít thì thỉnh thoảng tôi lại bí mật gửi về quê. Nhà cha mẹ tôi giờ không còn xập xệ như xưa, các em đã khá thành công trên con đường sự nghiệp. Chỉ có tôi là ngày ngày gặm nhấm nỗi buồn “bao giờ mới được về quê”.
|
23 năm tết đau đáu nhớ về quê hương. |
Tôi không ân hận với quá khứ, nhưng lại tự trách mình hiện tại. Tôi đã để mình thèm khát quá nhiều. Tôi thèm được nghe tiếng ai khua chèo trên dòng Hậu hơn là tiếng cào tuyết sột soạt ở bang Nebrska; thèm được cùng các em rộn ràng xay bột để làm bánh tráng quấn gỏi cá linh hơn là ăn bánh mì sandwich; thèm được tận mắt thấy hoa mai bung nở đêm 30 hơn là ánh đèn sáng trưng trong những ngôi nhà chọc trời ở Mỹ.
Và tôi thấy mình lạc lõng nơi xứ người khi quê nhà đang chộn rộn xuân sang.
Thúy Vân (bang Nebrska, Mỹ)