Mộng Viễn Đông gìn giữ ký ức đô thị

18/08/2023 - 08:08

PNO - Triển lãm Mộng Viễn Đông cho người thưởng lãm nhìn thấy một diện mạo rất khác của kênh Tàu Hủ (TPHCM) hơn 100 năm trước. Những dòng kênh qua trăm năm nhiều đổi thay đã trở thành một phần di sản quý giá của ký ức đô thị.

Bến bình an, xanh bóng cây

Triển lãm Mộng Viễn Đông (The Faraway East: of Dreams and Pursuits, do Sotheby’s tổ chức, diễn ra từ ngày 14-17/8 tại TPHCM). Trong số 60 tác phẩm tranh, tượng của các họa sĩ và điêu khắc gia Pháp được trưng bày tại triển lãm có bức vẽ ấn tượng: Ngược dòng kênh Tàu Hủ từ cầu Malabars, Chợ Lớn (tranh sơn dầu trên toan, họa sĩ Adolf Obst vẽ vào năm 1898). 

Kênh Tàu Hủ trong bức vẽ của họa sĩ Adolf Obst năm 1898 - ẢNH: THÀNH LÂM
Kênh Tàu Hủ trong bức vẽ của họa sĩ Adolf Obst năm 1898 - ẢNH: THÀNH LÂM

Cầu Malabars từng là cây cầu bắc qua kênh Tàu Hủ vào cuối thế kỷ XIX, có vị trí cách cầu Chà Và hiện nay khoảng 50m, hiện không còn nữa. Nhưng tên gọi đã nhắc nhớ nhiều điều cùng sự tồn tại của cây cầu này qua đôi bờ kênh xưa.

Malabars là một trong những công trình mà Công ty Eiffel Asia - chi nhánh của Công ty Eiffel tại Đông Dương - xây dựng. Cây cầu nối từ đường Marché (nghĩa là đường Chợ hay phố Chợ, nay là đường Mạc Cửu) sang bến Bình Đông. Theo các nhà nghiên cứu, nếu cầu Chà Và được người Việt gọi trại đi từ tên “Java”, thì tên cầu Malabars được người Pháp đặt theo cách gọi người Ấn tại Sài Gòn. 

Bức họa Ngược dòng kênh Tàu Hủ từ cầu Malabars, Chợ Lớn còn cho người thưởng lãm nhìn thấy không gian “trên bến dưới thuyền” lạ lẫm của hơn 100 năm trước. Một vẻ đẹp như thơ, vô cùng bình an với bến nước xanh bóng cây. Trên bến, người đi bộ, xe ngựa thong dong; dưới kênh thuyền neo đậu sầm uất cùng với dãy nhà phố kinh doanh mà nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Sơn Nam từng nhận định là “kết hợp kiến trúc Đông - Tây”. Trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam, nhà văn Sơn Nam miêu tả dòng kênh Tàu Hủ thuở ấy: “Dòng sông sâu rộng, ghe thuyền đậu dài 10 dặm, theo 2 con nước lên, nước ròng, thuyền bè chèo chống ca hát, ngày đêm tấp nập…”.

Bến nước và hàng cây xưa giờ là đại lộ Võ Văn Kiệt thênh thang. Kênh Tàu Hủ vốn là tuyến giao thông đường thủy huyết mạch nối Sài Gòn - Gia Định và Tây Nam Bộ, chỉ còn trong ký ức. Không gian “trên bến dưới thuyền” ở bến Bình Đông chỉ được tái hiện trong những dịp lễ hội (hội hoa xuân, lễ hội sông nước, tuần lễ trái cây…). Đó cũng là cách để thế hệ hôm nay được nhìn thấy, cảm nhận một không gian văn hóa - sinh hoạt đã trở thành ký ức đô thị quý giá, cần được giữ gìn. 

Những dòng kênh trong bản sắc đô thị

Trong buổi làm việc với UBND quận 8 mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã đồng ý bổ sung dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi vào Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021-2025). Dự kiến khoảng 10.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch dọc theo đôi bờ Bắc - Nam kênh Đôi sẽ được bố trí tái định cư. Trong sự phát triển của đô thị, những dòng kênh rồi sẽ đổi thay, xanh hóa cùng diện mạo mới về cơ sở hạ tầng. 

Khung cảnh giao thương được tái hiện trong chương trình Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất năm 2023 tối 4/8 - Ảnh: Quốc Thái
Khung cảnh giao thương được tái hiện trong chương trình Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất năm 2023 tối 4/8 - Ảnh: Quốc Thái

Kênh Đôi (dài khoảng 8,5km, được Pháp cho đào vào thập niên 1910) từ sông chợ Đệm chảy song song với kênh Tàu Hủ, giao với rạch Bến Nghé và kênh Tẻ từ cầu chữ Y. Cũng là dòng kênh gắn với trăm năm đô thị, thuyền bè qua lại nhưng kênh Đôi chừng như không xuất hiện trong những dịp lễ hội văn hóa tái hiện không gian xưa, cũng hiếm khi hiện diện trong tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Trong tập tản văn Bên kia cầu chữ Y (2018), tác giả Huỳnh Ngọc Nga ghi chép từ ký ức về cuộc sống của người dân 2 bên bờ kênh những năm thập niên 1960-1990. Con người đất ấy cơ hàn nhưng giàu tình nghĩa: “Hiền hòa, cục mịch, giận hờn không giấu giếm, thương ghét chẳng đậy che. Cửa không khóa, sân không đóng, tin nhau như tin người thân ruột thịt. Tiền của không nhiều, nhưng tình nghĩa mênh mông…”; còn khu vực quận 8 như “một ốc đảo màu xanh của những dòng kênh, màu xanh của cỏ cây trên mặt đất và màu xanh của lòng người hướng về tương lai…” - trích Bên kia cầu chữ Y

Nhìn trên bản đồ, kênh Đôi chảy qua chùa Từ Phước, cầu Chánh Hưng, cầu Nhị Thiên Đường, rạch Bà Tàng, chùa Long Thọ, nhiều bến đò và đình, miếu... Những dòng kênh góp phần tạo dấu ấn bản sắc văn hóa của đô thị sông nước nhưng vắng mặt trong văn học nghệ thuật, quả là điều tiếc nuối. Thành phố đã có nhiều cuộc vận động sáng tác, nhiều dự án đầu tư cho văn học - nghệ thuật nhưng gần như đã bỏ qua một mảng đề tài cần khắc dấu cho bản sắc đô thị: văn hóa sông nước. Mai này, khi diện mạo những dòng kênh thay đổi, đời sống văn hóa - sinh hoạt xưa sẽ chỉ còn lại trong ký ức.

Lâu nay, suy nghĩ của nhiều thị dân về những dòng kênh thành phố thường là “ô nhiễm”. Điều này không sai, nhưng thành phố đã và đang nỗ lực xanh hóa những dòng kênh. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã có tour chèo thuyền du ngoạn; kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Nước Đen dần được hồi sinh... Hy vọng những dòng kênh khác cũng sẽ lần hồi thay da đổi thịt.

Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất năm 2023 vừa qua đã định vị giá trị bản sắc của một đô thị văn hóa sông nước (với hệ thống kênh rạch dày đặc trên dưới 2.000km). Mong trong tương lai gần, bản sắc ấy sẽ trở thành dấu ấn gắn bó với đời sống thị dân. Đôi bờ kênh sẽ trở thành không gian văn hóa công cộng và có thêm những tuyến tour khai thác du lịch ngắm di sản đô thị từ những dòng kênh thành phố. 

Cầm Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI