Người lớn hay bàn luận về con của họ, truyền tai nhau cách dạy dỗ trẻ sao cho đúng? Dạy con làm điều tốt, điều hay như thế nào? Đó không phải là việc mà đám nhóc chúng con có thể can dự vào.
Cha mẹ luôn muốn điều tốt cho con cái, nhưng đôi khi, cách răn đe, dạy dỗ của người lớn lại khiến chúng con “dị ứng”, gây tác dụng ngược. Có lẽ, cha mẹ nên cân nhắc về những điều chúng con không muốn nghe, nhất là khi bị mắng.
|
Ảnh minh họa |
So sánh là hạ thấp giá trị bản thân con
Với những đứa trẻ đang lớn, thường xuyên mắc sai lầm, việc bị mắng là không thể tránh khỏi. Cha mẹ mắng để con trẻ thấy được cái sai, nhưng so sánh con với bạn bè cùng trang lứa; tâng bốc, khen ngợi họ khiến chúng con thấy bị hạ thấp, uất ức. Từ chuyện điểm số, thành tích ở trường đến cách hành xử đều bị cha mẹ đem ra so sánh, tạo thêm áp lực cho chúng con, từ đó nảy sinh tính đố kị, đề phòng.
Con chứng kiến một người bạn, vì bị mẹ lấy điểm số ra so sánh với cô bạn cùng lớp nên đã ghét bỏ cô bạn ấy; mỗi lần kiểm tra, thi cử bạn dò hỏi từng người được mấy điểm, rồi tỏ vẻ khó chịu với những người cao điểm hơn. Thậm chí có bạn, vì sự so sánh ấy mà thiếu trung thực trong thi cử.
Có chuyện gì xảy ra ở trường lớp cũng không muốn kể với gia đình, không dám đưa bạn bè về nhà chơi vì sợ lại bị lôi ra so sánh. Từ đó tạo nên khoảng cách giữa bố mẹ và con cái, giữa trẻ và bạn bè, khiến chúng con thấy giá trị bản thân bị hạ thấp. Vừa sợ vừa chán ghét sự so sánh ấy, nhiều bạn lại càng bướng bỉnh.
Những lời nói “sát thương”
Nhiều bậc cha mẹ khi tức giận sẽ phủ nhận mọi việc trẻ làm được, kể cả tình cảm yêu thương, tôn trọng: “Có thương ba/mẹ đâu”, “coi ba mẹ chẳng ra gì”, “chẳng làm được cái gì trong nhà”, “chưa bao giờ làm cái gì cho ba mẹ vui”… Bị mắng, bị dạy dỗ giữa chốn đông người, chúng con càng xấu hổ, tự ti.
Thêm đó, ba mẹ không bao giờ thừa nhận mình sai, cứ mắng át đi, không cho trẻ nói, hoặc phủ định điều con bảo vệ, thanh minh, khiến lòng tự tôn của chúng con bị tổn thương. Trẻ không có quyền lên tiếng, từ đó dễ dàng bị người khác bắt nạt, luôn im lặng vì nghĩ mình không bao giờ đúng, hoặc hung hăng độc đoán với người khác vì cha mẹ không lắng nghe.
Những lời nói cay nghiệt “con là gánh nặng”, “là địa ngục”, “sinh tụi bay ra thật mất công vô ích”… khiến chúng con bàng hoàng, khắc sâu trong đầu như vết sẹo, nhớ đến là thấy nặng nề.
Lúc còn nhỏ không biết gì, nhưng khi đủ lớn để phân biệt đúng sai, chúng con cũng muốn cha mẹ lắng nghe điều mình nói, không áp đặt quan điểm của người lớn và tôn trọng điều riêng tư của con trẻ. Việc tra hỏi quá mức khiến chúng con mệt mỏi, khép lòng.
Nếu không bị gây quá nhiều áp lực, chắc chắn chúng con sẽ dễ dàng thổ lộ điều cần nói. Được chia sẻ với cha mẹ về những điều xảy ra hằng ngày sẽ cho chúng con cảm giác an toàn, tin tưởng. Thật tốt nếu cha mẹ đặt mình vào hoàn cảnh của chúng con để tránh nói ra những điều gây “sát thương”. Việc người lớn giải thích rõ ràng hành động của mình cũng khiến chúng con thấy thuyết phục hơn.
Chúng con không cho rằng cha mẹ mắng con cái là chuyện xấu. Con rất biết ơn vì vẫn còn bị mắng, để có cơ hội sửa sai. Nhưng đừng để chúng con hiểu sai mục đích cuối cùng của việc la mắng ấy. Hãy giải thích cho chúng con về cái sai, vì sao sai, nhưng đừng áp đặt, so sánh, nặng lời đe dọa. Chúng con muốn được cha mẹ tôn trọng, lắng nghe.
Hồ Công Khánh Vân
(lớp 11, Trường quốc tế Á Châu)
Con không đồng ý với mẹ việc chi tiêu
Con là một cô bé rất thích sự an toàn, nhưng mọi người trong nhà lại cười con về chuyện này. Chẳng hạn nếu đi đâu xa, không khi nào con xài hết tiền, vì sợ lỡ có việc khẩn cấp xảy ra, hoặc trễ chuyến bay, con còn có tiền để chi dùng.
|
Bé Phương Nhiên |
Mẹ con lại hay nói tính toán chi nhiều vậy, tiết kiệm làm gì, mẹ và ông bà cho tiền tiêu vặt thì cứ xài đi. Con không thích như vậy, có 100.000 đồng thì con chỉ xài chừng 30.000 đồng, như vậy cũng đâu có gì đáng cười?
Vừa rồi cả gia đình đi Pháp, ông ngoại cho con một ít tiền. Khi đi mua sắm cùng mẹ, con không mua gì mà để dành tiền, thực ra con sợ biết đâu mẹ bị móc túi thì còn có tiền phòng thân. Mẹ nói cứ mua đi, đừng lo, con không chịu nên hai mẹ con không thống nhất được với nhau.Mẹ con rất chăm dạy dỗ, uốn nắn con từng chút một. Nhưng con không đồng ý với mẹ việc chi tiêu, dù mẹ làm ra nhiều tiền. Con nói phải lo xa chứ, mẹ lại bảo không cần. Con không biết đúng sai thế nào, giá như mẹ phân tích cho con hiểu, biết sử dụng tiền hợp lý hơn, thay vì nói “không cần phải tiết kiệm”.
Bé Phương Nhiên
(lớp Năm, Trường tiểu học Việt Anh, Vũng Tàu)
Không phải lúc nào mẹ cũng đúng
Con không phải là một đứa bé cứng đầu như mẹ con hay nói đâu. Con cũng rất nghe lời người lớn, thầy cô. Nhưng còn mẹ con thì… mẹ không đúng làm sao con nghe được.
Như vừa rồi ăn phở, con thích ăn với tương cà, nhưng mới cầm chai tương lên, mẹ con đã gào la inh ỏi, nói con phá hoại, ăn không được mà phá. Con có phá gì đâu, chỉ thích ăn thôi mà. Mẹ con nhất định không chịu, bảo rằng phở không được ăn chung với tương cà. Con dùng dằng làm đổ ra bàn, vậy là mẹ la.
|
Bé Thiên An |
Con thấy mẹ như vậy là chưa đúng. Con nít cũng có ý kiến, sở thích của mình, sao mẹ lại cương quyết bắt con làm mọi việc theo ý mình. Con không đồng ý, nên không nghe theo.
Cũng như việc con thần tượng diễn viên. Mẹ con cứ chê bai các anh chị ấy, nói là do quảng cáo chứ không hẳn họ như thế. Con không cần biết, thấy họ giỏi, đẹp thì thích thôi. Hình như mẹ con cũng không biết, việc thích thần tượng của con thay đổi nhanh lắm, vài bữa lại thích người khác, con thay đổi vài thần tượng rồi.
Mà sao mẹ con không tìm hiểu mấy diễn viên đó, thích cùng con, không phải sẽ vui hơn sao? Mẹ giả bộ thích cũng được, đừng lúc nào con mở miệng nói về thần tượng là mẹ chê, con khen họ thì mẹ cười. Hiện giờ con đang thích thần tượng là diễn viên Hàn Quốc, mẹ lại cấm con. Con buồn lắm, mẹ không phải lúc nào cũng hoàn toàn đúng.
Bé Thiên An
(lớp Bốn, Trường tiểu học Hồng Hà, Q. Bình Thạnh, TP.HCM)