Muốn phát triển giáo dục cần đi từ việc đào tạo và chăm lo cho đội ngũ giáo viên
Để TPHCM phát triển theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị là trở thành đô thị trung tâm của khu vực và ngang tầm thế giới, giáo dục đóng vai trò rất lớn, là chìa khoá mở ra mọi cánh cửa. Thế hệ trẻ từ nền giáo dục tiên tiến sẽ là những người kiến tạo, đưa thành phố và đất nước phát triển theo đà đi lên.
Lãnh đạo TPHCM đang tìm các kế sách cho giáo dục qua những hội thảo và lắng nghe ý kiến đóng góp của toàn dân. Con đường đã đi qua cũng cho nhiều bài học nhiều kinh nghiệm. Nhưng không thể đi mãi trên con đường mòn, trong nhiều việc cần nghiên cứu thay đổi. Tôi xin đóng góp một chút ý nhỏ như sau.
Thứ nhất, xây dựng trường thực hành sư phạm cho các cấp học. Đây sẽ là ngôi trường kiểu mẫu hướng đến tương lai về mọi mặt cho giáo dục của TPHCM và của khu vực. Từ khuôn viên, kiến trúc, cây cảnh, nhà đa năng, thư viện sách và kỹ thuật số, khu giáo dục mỹ thuật, các phòng nghiên cứu khoa học, trang thiết bị, cho đến nhà ăn, nhà nghỉ giáo viên, nhà ngủ cho học sinh bán trú... tất cả đều phải đủ cho giảng dạy, thao giảng và hội nghị. Nhân dịp quận Bình Tân đề nghị dùng đất nghĩa trang Bình Hưng Hoà sau di dời để xây dựng trường học, đây là cơ hội vàng để ngành giáo dục thành phố xây trường thực hành sư phạm cho các cấp học.
Trường sẽ là trung tâm trao đổi khoa học giáo dục, học thuật, để giáo dục được cải tiến và tiến bộ liên tục. Nhà quản lý và giáo viên luôn được cập nhật, tiếp cận nền giáo dục thế giới cùng với nhà trường và sinh viên sư phạm. Từ đó, ngành giáo dục có sự điều chỉnh liên tục theo xu hướng phát triển chứ không chờ 10 năm, 20 năm mới đổi mới. Trường thực hành sư phạm cấp thành phố phải là đầu tàu, là mẫu mực đào tạo giáo viên khi còn trong nhà trường. Khi ra trường đi dạy, giáo viên phải được hướng dẫn để tiếp tục tự học, tự bồi dưỡng kiến thức, nâng cao tay nghề. Trường thực hành sư phạm là nơi thực hiện vững chắc chương trình và mục tiêu giáo dục. Giáo trình sư phạm là chuẩn mực để sinh viên học tập, ra trường có thể giảng dạy bất kỳ bộ sách giáo khoa nào một cách tốt nhất.
Thứ hai, cần chăm lo hơn nữa đời sống, sinh hoạt cho người trong ngành giáo dục. Hiện TPHCM đang hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc, cũng đồng nghĩa với những người đang hoạt động trong ngành giáo dục phải được hạnh phúc. Muốn vậy, thành phố cần đặt ra kế hoạch, lộ trình, chỉ tiêu xây trường chuẩn quốc gia các cấp.
Trong đó, xin cơ chế cho TPHCM tính chuẩn theo diện tích xây dựng (thay vì diện tích đất) để phù hợp đặc thù đô thị. Bảo đảm sĩ số học sinh/lớp và bảo đảm quyền lợi giáo viên dạy đúng số tiết quy định/tuần. Nếu tỉ lệ giáo viên/lớp và sĩ số học sinh/lớp vượt theo Điều lệ của cấp học thì giáo viên phải được tính phụ trội, chứ không cần phải tăng tiết mới tính như hiện nay.
Đảm bảo mùa hè giáo viên và học sinh được nghỉ hè đúng thời gian quy định cho trí óc được nghỉ ngơi, đảm bảo dạy và học hiệu quả trong năm học mới. Giáo viên học bồi dưỡng chuyên môn vào ngày nghỉ phải có bồi dưỡng tài chính cho người đi học. Nghiên cứu để có kế hoạch xây nhà, hoặc chung cư giáo dục bán trả góp giá rẻ cho cán bộ - giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, những cặp vợ chồng mới cưới cùng là giáo viên. Xây nhà dưỡng lão cho giáo viên, nhân viên nghỉ hưu độc thân...
Rất mong chính quyền thành phố và ngành giáo dục sẽ có thêm những chính sách cho giáo dục, có kế hoạch đầu tư xây dựng những công trình hữu ích cho việc dạy và học, cho việc đào tạo thế hệ trẻ thành những công dân tốt, những tài năng cho tổ quốc và để lại cho đời sau những tấm gương giáo dục, đúng như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp; thầy ra thầy, trò ra trò; dạy ra dạy, học ra học”.
Lê Ngọc Điệp
(nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM)
Tinh giản và chống phình to biên chế rất cần cơ chế phân cấp, phân quyền, cá nhân chịu trách nhiệm. Cần hệ thống đánh giá công việc công bằng, thiết thực.