PNO - Cổ động viên đội tuyển bóng đá Việt Nam đổ xô ra đường “đi bão” sau chiến thắng 2-1 trước Thái Lan trên sân nhà và đang mong chờ tin vui từ sân vận động Rajamangala (Thái Lan) vào tối nay, 5/1.
Rõ ràng thắng Thái Lan trên sân nhà sau 27 năm là một sự kiện đáng để ăn mừng. Nhưng với mục tiêu vô địch giải đấu ASEAN Cup 2024 chúng ta còn trước mắt một trận đấu ngay trên sân Rajamagala 51 ngàn chỗ ngồi đã bán sạch vé. Đó là thật sự là “một đỉnh núi” mà thầy trò huấn luyện viên Kim Sang-sik phải trèo lên để giương cao chiếc cúp vô địch.
Trận chung kết lượt đi, đội tuyển Việt Nam ghi được 2 bàn. Bàn đầu tiên nhờ pha phối hợp xuất sắc từ đường lật cánh của Quang Hải cho Văn Thanh, bất ngờ chuyển sang cánh trái, đánh đầu đưa bóng vào trong để Xuân Son dũng mãnh đánh đầu vào lưới Khammai. Bàn thứ hai thể hiện rõ tài năng của Xuân Son khi cướp bóng giữa sân, vượt qua được sự truy cản của 2 hậu vệ và tung cú sút sấm sét vào lưới Thái Lan. Bàn thắng rút ngắn tỉ số khi Suphanat được đưa vào sân, anh thực hiện cú sút phạt treo bóng vào vòng cấm để Aukkee đánh đầu ghi bàn, giúp Thái Lan hạn chế ưu thế của Việt Nam trong trận lượt về.
Người dân Hà Nội "đi bão" mừng tuyển Việt Nam thắng Thái Lan tại chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024 tối 2/1
Các số liệu thống kê cho thấy rõ sự vượt trội của Thái Lan khi chỉ với đội hình 2, họ đã có 64% thời gian kiểm soát bóng, với 472 lượt chuyền bóng chính xác 82%. Gần như Thái Lan kiểm soát khu trung tuyến khi các đường chuyền lên sau khi cướp bóng của hậu vệ Việt Nam đều trở lại chân của họ. Số liệu thống kê cũng thể hiện được chiến thuật hiệu quả của HLV Kim Sang-sik khi Việt Nam chỉ kiểm soát bóng 36% thời gian, với 262 đường chuyền tỉ lệ chính xác 72% nhưng tung được 21 cú sút, trúng đích 9 lần, và quan trọng là ghi được 2 bàn.
Lượt về trên sân nhà Thái Lan có nhiều ưu thế khi có các cầu thủ trụ cột như Supachok Sarachat, Suphanat Mueanta, Peeradon Chamratsamee, Jonathan Khamdee, Weerathep Pomphan… đã được nghỉ hoặc dùng ít sức trong trận chung kết lượt đi. Xem các cầu thủ Thái Lan tràn lên, khi có bóng tấn công, ban bật cho nhau mới thấy sức mạnh của họ. Sức mạnh còn hơn thế nữa, khi mà HLV người Nhật Ishii Masatada sẽ đưa ra sân các cầu thủ đã cất giữ để giải quyết bằng trận quyết chiến dưới sự cổ vũ của hàng chục ngàn khán giả nhà. Điều đó cho thấy thắng Việt Nam 2 bàn trở lên không chỉ là một ước muốn viễn vông.
Đội tuyển Việt Nam mạnh lên nhờ có Xuân Son, cầu thủ có kỹ năng bắt dính bóng, giỏi tì đè giữ bóng, giỏi kiến tạo và giỏi ghi bàn, một tiền đạo mà tất cả HLV đội tuyển Việt Nam ao ước bao nhiêu năm qua. Nhưng chính Xuân Son cũng đã bỏ qua nhiều cơ hội trong trận lượt đi vì nôn nóng sút bóng (có lẽ vì bị kèm quá sát nên phải đá bóng ngay). Các hậu vệ Thái Lan bị Xuân Son thu hút tạo cơ hội cho cầu thủ đá kèm với anh có cơ hội ghi bàn mà tất cả đều không tận dụng thành công. Tuyến giữa của Việt Nam chỉ có Ngọc Tân và Hoàng Đức không đủ sức tranh chấp với các trung vệ Thái Lan mà nổi bật nhất trong trận vừa qua là Ben Davis. Khi Quang Hải vào sân áp lực được giảm phần nào nhưng họ vẫn tranh chấp tốt. Trận đấu sắp đến khi đầy đủ các hảo thủ phần giữa sân thật sự là bãi chiến trường mà Việt Nam có phần thua thiệt. Trong trận đấu vừa rồi HLV Kim Sang-sik giải quyết bài toán giữa sân bằng các đường chuyền vượt tuyến, bằng các pha lật cánh và nhất là tập trung bóng cho Xuân Son. Ông Ishii Masatada chắc chắn đã thấy điều đó. Vậy HLV Việt Nam còn có bài nào khác?
Hệ thống phòng ngự Việt Nam được đánh giá cao do có ít bàn thua sau các trận đấu vừa qua, nhưng cũng đã lộ những sơ hở khi Đình Triệu và các trung vệ chống bóng bỗng khó khăn. Suphanat bấm bóng bỗng vào trước khung thành là pha phối hợp đá phạt kinh điển, Việt Nam lại để Aukkee ghi bàn. Lẽ ra thủ môn và các hậu vệ Việt Nam đã có phương án ngăn chặn hiệu quả. Như là tận dụng lợi thế được chơi tay, Đình Triệu có thể băng ra can thiệp. Hoặc là Thành Chung, Tiến Dũng không cho đối thủ thuận lợi để có cú đánh đầu chính xác. Không biết Việt Nam đã rút kinh nghiệm ra sao, khi chắc chắn sẽ có những tình huống đá phạt trực tiếp như vậy ở trận lượt về.
Qua 7 trận vừa qua khán giả không nhận thấy triết lý bóng đá hay mảng miếng chiến thuật nào rõ rệt của HLV Kim Sang-sik, ngoại trừ bàn thắng chỉ được ghi vào hiệp 2 (bàn thắng từ chấm penalty ở phút 45+1 trong trận bán kết lượt về với Singapore là ngoại lệ duy nhất). Đáng chú ý là có đến 6 bàn được ghi từ phút 90 trở đi. Như vậy, phải chăng tuyệt chiêu của HLV Kim Sang-Sik là kiên nhẫn chờ đối thủ suy kiệt rồi mới “tung đòn đoạt mệnh”. Nếu thật vậy, cổ động viên Việt Nam sẵn sàng chờ đợi đòn thế đó được tung ra một lần nữa để lại “đi bão” ăn mừng.