Mong những “đóa hồng” luôn được nâng niu

08/03/2017 - 15:42

PNO - Nếu không thể được nâng niu, trân trọng bởi người khác, thì chí ít cũng nên tự yêu lấy thân mình.

Sáng, tôi đi làm, tại một cua quẹo đông đúc, một chiếc xe hơi sang trọng bất ngờ bẻ ngoặt khiến cô gái đang chạy bên hông xe không kịp trở tay nên va vào hông chiếc xe hơi. Ngay lập tức, gã đàn ông lái xe trạc tứ tuần ăn bận lịch sự lao xuống mắng cô gái xối xả, không chỉ “mày-tao”, gã còn vận dụng hết những lời lẽ thô tục nhất mà tôi từng nghe, thiếu điều còn muốn hành hung cô gái nhỏ nhắn đang so vai vì sợ hãi kia.

Mong nhung “doa hong” luon duoc nang niu
 

Thái độ hung hãn, côn đồ trái ngược với bộ trang phục gã kia đang bận trên người khiến cô gái (có lẽ đang uất ức tột độ) thốt lên: “Làm gì dữ vậy?”. Ai nỡ đánh phụ nữ dù chỉ bằng một nhành hoa, thế mà có kẻ lại tấn công một cô gái yếu đuối giữa chốn đông người bằng thái độ cùng những lời lẽ khó có thể xuất phát từ một kẻ được gọi là “người”, lại là người-đàn-ông!

Chợt thấy buồn vì đã lỡ thấy cảnh ấy, vào một ngày như thế này, khi khắp nơi vinh danh người phụ nữ. Tôi đến công ty, chưa hết bần thần vì chuyện vừa thấy trên đường thì đập vào mắt trong lúc điểm báo trên điện thoại đầu ngày là tin một cô gái khỏe mạnh, chưa từng có bệnh sử trước đó, lại đang mang trong mình mầm sống được 22 tuần tuổi, đi khám phụ khoa tại một phòng khám Đa khoa tại Hà nội bỗng chuyển sang hôn mê sâu do chấn thương vùng não.

Chuyến đi khám bệnh đơn thuần bỗng chốc trở thành chuyến đi một chiều vĩnh viễn không có ngày trở lại khi người phụ nữ chẳng bao lâu nữa thôi sẽ trở thành một người mẹ ấy được chẩn đoán đã chết não. Đàn bà đi biển mồ côi, người mẹ mới 29 tuổi ấy hóa ra lại mồ côi thật trên cuộc hành trình về miền miên viễn dù nguyên nhân sự việc vẫn còn đang được các cơ quan chức năng làm rõ.

Tôi có chị bạn làm hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở một vùng quê. Học trò của chị đa số là con những gia đình nghèo, ít chữ, không ít bé có cha mẹ bỏ nhau hoặc có khi chưa kịp biết mặt cha từ lúc mới chào đời. Một lần, ghé thăm chị gặp lúc một phụ nữ trạc bốn mươi tuổi dắt theo một cô bé và một đứa trẻ đến xin bạn tôi cho đứa trẻ nhập học. Hỏi ai là mẹ của đứa trẻ lên ba, chị chỉ cô bé đi theo khiến ai cũng ngỡ ngàng vì cô bé chỉ trạc 17-18 tuổi, còn chị là… bà ngoại của đứa bé.

Chừng như hiểu được sự thắc mắc của mọi người, “bà ngoại” của đứa bé kể một lèo: “Tụi nó ở với nhau có đứa con (chỉ đứa bé) xong ba nó bỏ đi đâu mất tiêu, nó (chỉ mẹ đứa bé) bỏ học luôn, giờ đâu làm ăn gì, có biết nuôi con gì đâu, một tay tui lo không đó chớ!”.

Nhìn người mẹ trẻ đang lấm lét nhìn mẹ mình rồi nhìn đứa bé con đang nghịch, không dưng tôi liên tưởng đến hình ảnh người mẹ của cô bé ngày còn trẻ, liệu có chút gì đó giông giống nhau giữa hai mẹ con, nếu không phải là sự lỡ lầm, thơ dại của một thời thiếu nữ?

Những câu chuyện rời rạc, không mấy liên quan với nhau nhưng lại gợi cho tôi ít nhiều ngẫm ngợi, về sự sống mong manh nói chung cũng như về sự yếu đuối của thân phận phụ nữ nói riêng, những người phụ nữ trong những câu chuyện ảm đạm mà tôi, dẫu muốn dẫu không vẫn được (hay phải) nghe, đọc, thấy mỗi ngày. Chẳng dám mong một xã hội bình đẳng khi mọi nỗ lực có thể mới chỉ dừng lại ở những lời hô hào, trên những băng-rôn sặc sỡ, hay những lời tôn vinh hào hùng trên những dòng… quảng cáo.

Chỉ mong họ, những phụ nữ như những đóa hồng mong manh, ngoài những gánh nặng trên đôi vai yếu mềm bởi những điều thuộc về “thiên chức”, nếu không thể được nâng niu, trân trọng bởi người khác, thì chí ít cũng nên tự yêu lấy bản thân, để thấy mình được bình đẳng, ít nhất là về khoản “được yêu thương”.

Lê Thị Ngọc Vi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI