|
Clip: Những ngôi nhà "ổ chuột" ven rạch Xuyên Tâm |
Đoạn rạch Xuyên Tâm chảy qua địa bàn phường 2 và phường 15, quận Bình Thạnh, TPHCM đã bị bồi đắp, cạn dòng nước. Thế nhưng, mùi hôi từ nước thải sinh hoạt, rác bẩn vứt không đúng quy định vẫn theo hướng gió mà xộc vào những căn nhà ven rạch.
Anh Lê Văn Hiền, 41 tuổi, trú tại ngôi nhà không số ở phường 2, quận Bình Thạnh, TPHCM, cho biết: “Trước đây, ngôi nhà này vốn là nhà vệ sinh công cộng. Thấy tôi không chỗ ở, nhà vệ sinh không ai sử dụng nữa, chính quyền cho cất nhà sàn ở tạm. Nói đến hôi thối thì chắc chỗ này hôi nhất, tôi sống gần 20 năm nên cũng thấy quen”.
|
Ngôi nhà sàn tạm bợ của anh Hiền trên rạch Xuyên Tâm |
Mỗi ngày, anh Hiền ra khỏi nhà từ sớm. Đến chiều tối, anh trở về và nhắm mắt ngủ cho hết đêm. Với nghề thợ hồ, anh Hiền không dám mơ đến ngày có ngôi nhà khác.
“Chính quyền cho ở tạm, giải tỏa thì mình phải đi. Nhưng mà, làm bao nhiêu năm, tôi cũng chẳng tích góp được gì, đi thì không biết đi đâu, chắc đi ở trọ”, anh Hiền thở dài.
Nhà của ông Ngô Đình Phương (sinh năm 1965, ngụ phường 2, quận Bình Thạnh, TPHCM) có thể nói tươm tất hơn hàng xóm nhưng cũng chỉ ngang 2,1m, dài 16m. Ông Phương chia sẻ: “Nhà chật nhưng có ở là được, đòi hỏi hơn cũng không có. Tôi về đây sống từ năm 1983, nhà cửa có thổ trạch, cất nhà có giấy phép đàng hoàng”.
Trong ngôi nhà nhỏ này, 2 ngày qua, ông Phương và vợ trò chuyện với nhau về dự án cải tạo con rạch sau nhà. Ông Phương vừa mừng vừa lo, còn vợ ông thì sợ phải xa con xa cháu.
“Cháu tôi học hành ổn định, nếu đi tái định cư chỗ khác không biết sẽ thế nào. Sống đâu quen đó, đi chỗ khác biết làm ăn ra sao. Tôi xem tivi, nghe tin cải tạo, dự kiến làm từ năm 2021-2025. Chúng tôi vô cùng hoan nghênh nhưng liệu khi giải tỏa, tái định cư như thế nào, có ổn định như hiện tại”, ông Phương chia sẻ.
Hiện tại, ông Phương chạy xe ôm, rồi làm thuê một số việc tự do. Nếu tái định cư nơi khác, ông lo sẽ không còn việc để làm.
"Cải tạo rạch này, tôi ủng hộ hết mình. Hồi trước, con rạch rộng khoảng 30m, nước trong đến mức buổi tối rọi đèn xuống nhìn thấy cá, lươn bơi. Sau này, người ta lấn riết, không còn thấy con rạch đâu nữa".
|
Bà Liên sống hơn 40 năm trong ngôi nhà nhỏ chỉ khoảng 19 mét vuông |
Cũng tại phường 2, quận Bình Thạnh, TPHCM, bà Dương Thúy Liên, 66 tuổi, sống hơn 40 năm trong căn nhà ven rạch Xuyên Tâm, cho biết: “Nhà của tôi chỉ khoảng 19m² mà tới 5 người ở. Trước nước sạch lắm nhưng khoảng từ năm 2000, con rạch ô nhiễm nặng, nước đen và hôi thối. Thời điểm đó, tôi phải nâng nền nhà 8-9 lần để chống ngập. Nâng riết, không gian trong nhà tôi thấp lè tè, nhìn như cái hang chui ra chui vào. Con kênh bị bịt lại, khô cạn, rác rến, cây cỏ um tùm. Hôm trước, hàng xóm của tôi còn thấy cả rắn lục”.
Cũng theo bà Liên, những ngôi nhà ven rạch Xuyên Tâm đều nhỏ và thấp do nhiều lần nâng nền chống ngập. Tuy nhiên, giá trị của những ngôi nhà “ổ chuột” này cũng tính bằng tiền tỷ. Cho nên, bà cũng nuôi hy vọng, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm sẽ thay đổi diện mạo của phố phường, cũng như tạo điều kiện cho gia đình bà có nơi ở đàng hoàng hơn.
|
Qua 8-9 lần nâng nền chống ngập, nhà của bà Liên thấp và tối om đang dù giữa trưa |
Với xe hàng rong bán đủ thứ linh tinh và mức lương công nhân của các con, bà Liên cũng khá lo lắng trước những thay đổi có thể diễn ra trong thời gian tới.
Trước đây, phường 2 và phường 15, quận Bình Thạnh cách nhau con rạch rộng gần 30m. Thế nhưng, hiện nay, con rạch bị người dân lấn chiếm, xây cất nhà nhiều đến mức nhà ở phường 15 đụng tường nhà phường 2.
Sống trong cụm 6 nhà tạm bợ, xây sàn hoàn toàn trên mặt nước rạch Xuyên Tâm, ông Nguyễn Văn Vàng (86 tuổi, ngụ phường 15, quận Bình Thạnh) bày tỏ: “Chúng tôi nghèo quá, không có chỗ ở nên xây cất nhà sàn ở tạm. Không thấy ai nhắc nhở nên sống ở đây đã hơn 60 năm”.
|
Cụm 6 ngôi nhà "ổ chuột" xây dựng lấn chiếm trên rạch Xuyên Tâm |
Ông nói tiếp: “Những năm 1959-1960, ở khu vực này trống trơn, không có nhà cửa, tôi đóng cây xuống làm nhà sàn ở tạm. Tôi nghe thông tin giải tỏa cũng gần 30 năm, lo lắng và buồn nhiều. Mình lấn chiếm con rạch xây nhà, nhà nước thu hồi thì mình phải trả, không đền bù thì cũng chịu, nếu có một khoản hỗ trợ thì mình mừng”.
Hướng mắt ra con rạch khô cạn, đầy rác thải, rồi nhìn lại mái nhà tạm bợ, tối om, ông Vàng thở dài: “Nhà nhỏ, chỉ khoảng 20m², có đến 7 người chen chúc. Thế nhưng, chúng tôi cũng còn có chỗ chui ra chui vào, che mưa che nắng, giải tỏa rồi không biết sẽ đi đâu”.
Dẫn chúng tôi len vào hành lang chật hẹp, ông Vàng giới thiệu những ngôi nhà được đóng tạm bợ bằng gỗ và tôn, nhỏ như phòng trọ, bí hơi, ngột ngạt. Một căn nhà cuối dãy có 3 đứa trẻ với những chiếc quạt xoay hết công suất. Bé gái lớn đút bột cho đứa em nhỏ, loay hoay trong căn nhà nhỏ như ổ chuột.
|
Những đứa trẻ loay hoay trong căn nhà nhỏ như phòng trọ, nóng bức |
Nhìn mấy đứa nhỏ, ông Vàng nói: “Ba mẹ đi làm, tụi nhỏ tự chăm nhau. Nóng quá, đứa nhỏ đâu có ngủ được, khóc hoài. Xóm toàn người già, trẻ con. Mùa mưa thì ẩm thấp, mùa nắng thì nóng nực, hôi thối. Tôi toàn phải cởi trần ra ngoài ngồi. Hồi trước còn có cảnh ngập nước nữa, giờ cống bị ngăn lại nước không vào nữa”.
Rời phường 15, chúng tôi đến phường 24, quận Bình Thạnh để tận mắt nhìn thấy cảnh ô nhiễm xuyên xuốt con rạch Xuyên Tâm. Đứng trên cầu Long Vân Tự, nhìn dòng nước đen đầy rác, bất kỳ ai cũng phải ngán ngẩm. “Núi rác” quấn chặt cột của những ngôi nhà sàn, thu hẹp dòng chảy của con rạch.
Cầu Long Vân Tự được rào chắn hai bên bằng lưới B40 nhưng vẫn không ngăn được hành động xấu xí của một số cư dân nơi đây.
|
Rác vẫn bị bỏ bừa bãi ở hai bên hành lang cầu Long Vân Tự dù có camera giám sát, rào chắn |
Anh Hồ Quang Hiếu, ngụ phường 24, quận Bình Thạnh cho biết: “Chính quyền làm hàng rào thì họ vứt rác ngay trên hành lang cầu. Trước đây, cầu không có rào chắn thì ném thẳng xuống. Nhà tôi sát chân cầu phải chịu trận mùi hôi, nước ngập. Có thời điểm, tôi phải tự bỏ tiền thuê người vớt bớt rác, khơi thông dòng chảy”.
Trước khi đạp xe về nhà, anh Hiếu nói: “Tôi thấy “bó tay” với người không có ý thức rồi đó. Tôi mong sớm cải tạo con rạch để chấm dứt nạn vứt rác bừa bãi”.
|
Bên dưới chân cầu, những ngôi nhà sàn, rác ngập ngụa, bẩn thỉu |
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm có tổng mức đầu tư hơn 9.300 tỷ đồng, trong đó phần kinh phí xây dựng ước tính gần 4.500 tỷ đồng; chi phí đền bù giải phóng mặt bằng hơn 4.859 tỷ đồng với 2.196 hộ và 1 tổ chức bị ảnh hưởng. Quận Bình Thạnh có 2.135 hộ giải tỏa với số tiền đền bù hơn 4.390 tỷ đồng, quận Gò Vấp có 61 hộ dân và 1 tổ chức với số tiền đền bù hơn 469 tỷ đồng.
Dự án sẽ bao gồm các hạng mục: nạo vét tuyến rạch Xuyên Tâm dài 6,2km từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật cùng 3 tuyến nhánh dài gần 2km gồm nhánh cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi; làm đường 2 bên; hệ thống thu gom nước thải trên phạm vi 700ha...
|
Ngọc Lài