PNO - Ly hôn thì dễ, nhưng hậu ly hôn lại không đơn giản chút nào cho cả vợ, chồng lẫn con cái. Hãy cân nhắc kỹ, cần hỏi trái tim mình còn cần nhau không trước khi ký đơn ly hôn.
Trong quá trình làm nghề tư vấn tâm lý, tôi nhận thấy nhiều cặp chưa đáng ly hôn đã vội chia ly để rồi tiếc nuối. Nhiều gia đình sắp ly hôn tìm đến, thấy may mắn vì đã quyết định không ly hôn. Nhưng cũng có người, sau khi gặp chuyên viên, nhận ra “giá em gặp chị sớm hơn, để kiên quyết ly hôn, giải thoát cho em và các con”. Đâu là ngưỡng cần ly hôn và đâu là ngưỡng nên giữ nhau?
Bỏ dễ, giữ khó
Ảnh minh họa
Gia đình chị T., chồng cờ bạc, đề đóm nhiều năm. Chị đã dùng nhiều biện pháp cứng rắn, mềm dẻo cố cảm hóa chồng. Chị quản lý tiền bạc, để lo cho các con ăn học, trả nợ cho chồng. Chị tạo cơ hội cho anh có nhiều việc làm, bớt dần thời gian nhậu và cờ bạc. Chị động viên mỗi ngày để anh quan tâm hơn đến con cái, đưa đón con, làm việc nhà… Anh dần tìm thấy niềm vui trong gia đình nhiều hơn bên bạn nhậu. Dần dần, chị đã tách anh khỏi thói cờ bạc. Đến nay, gia đình chị tuy vẫn còn khó khăn, nhưng ấm êm. Chồng nể vợ, vợ thương chồng. Chị tâm sự, vài năm phải lo “cày” trả nợ cho chồng cũng bực lắm, muốn ly hôn cho xong. Nhưng nghĩ thương anh, vì bình thường anh vẫn là người chồng, người cha tốt; chị thương anh thật lòng, không nỡ để anh sa vào lầm lạc.
Nhiều gia đình có chồng cờ bạc khác rơi vào cảnh người vợ cố gắng chung sống, vì sợ con không có bố, sợ mất sĩ diện, mang tiếng… chứ không phải giữ hôn nhân vì tình yêu. Họ sống cố trong sự coi thường chồng, than thân trách phận mà không giúp chồng thay đổi. Vòng luẩn quẩn vợ chán chồng, chồng chán vợ, con coi thường bố, nợ nần chồng chất… Lỗi do ai? Chồng thiếu bản lĩnh, biết sai không ráng sửa, tự ái với vợ mà ngày càng sa ngã. Vợ thiếu tế nhị, không đủ yêu thương nên khó cảm hóa, giúp chồng thay đổi.
Vợ chồng chị H. đều là tiến sĩ, có địa vị xã hội. Chị phát hiện anh ngoại tình với cô đồng nghiệp trẻ ở cơ quan. Cô ấy kém chị cả về hình thức, bằng cấp, địa vị… nên khi biết chuyện, chị bị tổn thương nặng, thấy xấu hổ vì chồng yêu một người “không ra gì” dưới con mắt của chị. Chị lập tức ly hôn, không cho chồng cơ hội giải thích. Vợ chồng chị chia tay nhanh đến mức gia đình đôi bên, bạn bè không kịp hiểu đầu đuôi, không kịp chia sẻ, phân tích đúng sai. Chị tự hào vì mình đã quyết định đúng, đáng đời người chồng phụ bạc. Nhưng một năm sau, chị biết chuyện chồng với cô đồng nghiệp chỉ là một phút yếu lòng trong lần đi công tác xa. Chồng chị đã rất hối hận nên khi về, anh đã cố gắng cắt đứt liên lạc với cô gái ấy, chăm sóc vợ nhiều hơn. Nhưng cô gái vẫn đeo bám, nhắn tin, gọi điện bày tỏ nhớ thương. Không may chị đọc được đúng giai đoạn đó. Chị đã không tìm hiểu kỹ, không cho chồng cơ hội nói rõ sự việc.
Chỉ vì tự ái, sĩ diện của người đàn bà đẹp, giỏi giang mà chị mất một người chồng từng yêu tha thiết. Sau một năm ly hôn, chị biết mình vẫn còn yêu chồng, nhưng không thể cứu vãn. Anh đã chuyển ra nước ngoài làm việc và đã ổn định cuộc sống nơi xứ người. Chị ở lại với day dứt và hối hận, nhưng vẫn tự ái không nói gì với anh, để anh hiểu tâm sự của mình.
Hỏi kỹ trái tim
Ảnh minh họa
“Sức khỏe hôn nhân” không phải do hoàn cảnh mà do tâm thế của người trong cuộc. Vợ chồng chị B., anh H. đã có với nhau một đứa con. Phát hiện anh H. ngoại tình, có con riêng, chị B. đã có nhiều buổi trò chuyện thẳng thắn với chồng, nói rõ quan điểm của chị - nếu anh yêu người kia, anh nên ly hôn để lo cho mẹ con họ, chị không níu kéo, chị có thể tự lo cho mình và con.
Sau vài lần nói chuyện, chị B. biết chồng chỉ ham vui, để lại hậu quả, giờ đã hối hận. Anh không muốn ly hôn, vì vẫn yêu vợ con. Anh tha thiết mong chị cho anh cơ hội. Chị B. đã tự vấn tình cảm và nhận ra chị vẫn còn yêu anh. Dù đau lòng, chị tin có thể tha thứ cho anh. Chị quyết định cùng anh đến gặp cô gái kia, nói rõ quan điểm và xem cô ta muốn tính chuyện đứa con lỡ dại thế nào.
Cô gái kia, thấy gia đình chị hạnh phúc, quyết định không níu kéo anh nữa. Cô chọn sinh con và tự nuôi. Chị B. đã chu cấp cho cô ta một ít tiền và từ đó cô không liên hệ với anh chị nữa. Sau sự việc, anh chuyên tâm làm ăn, lo cho vợ con. Chị B. cũng dần tha thứ cho anh, không nhắc lại chuyện cũ. Hơn mười năm đã qua, chị thấy, nhờ chuyện xảy ra, chị mới hiểu chị yêu anh đến mức nào và anh cũng hiểu anh cần gia đình đến mức nào.
Các câu chuyện cho thấy, trước sóng gió trong hôn nhân, điều cần nhất là bình tâm soi xét, xem lòng mình, lòng người còn yêu thương nhau không rồi hãy quyết định. Kỹ năng ra quyết định quan trọng nhất là thu thập đủ thông tin, hiểu nhu cầu, cảm xúc của các bên liên quan, đưa ra nhiều giải pháp, phân tích thuận lợi - khó khăn rồi mới chọn giải pháp khả thi nhất, phù hợp nhất với nhu cầu, cảm xúc các bên.
Ly hôn thì dễ, nhưng hậu ly hôn lại không đơn giản chút nào cho cả vợ, chồng lẫn con cái. Trước khi ly hôn, hãy cân nhắc kỹ, chứ bát nước hất đi khó lấy lại. Chúng ta cần hỏi trái tim mình còn cần nhau không trước khi ký đơn ly hôn. Để làm được điều này, mỗi người cần hạ cái tôi của mình xuống, học bao dung, tha thứ và yêu thương nhau thật lòng, để giúp nhau thay đổi, cũng là để giúp mình hạnh phúc.
Tình yêu của chồng đã sưởi ấm trái tim tưởng chừng nguội lạnh của chị. Chị viết: “Tôi nhìn mọi thứ trong cuộc sống nhẹ nhàng hơn sau những chuyến đi...".