 |
Hình ảnh tại giải chạy diễn ra ở Huế sáng 6/4 - Ảnh: Ngọc Sơn |
Ngày 6/4 vừa qua, truyền thông đưa tin một runner (vận động viên chạy bộ) tử vong trong giải chạy ở Huế. Chị sinh năm 1972, tham gia cự ly 5km. Ngay sau khi thông tin được lan truyền trên mạng xã hội, đã có những lời bình luận khiếm nhã đến đau lòng: “Chạy làm gì cho khổ rồi chết giữa đường”, “Độ tuổi đó nghỉ ngơi đi là vừa”…
Những lời miệt thị, xúc phạm cá nhân ấy không nên xuất hiện trên mạng xã hội, nhất là đối với người không may qua đời. Đây cũng là thực trạng đáng báo động về cách ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận người dùng mạng xã hội. Trên nhiều diễn đàn, các bài viết theo hướng mỉa mai những người chạy bộ lan nhanh.
Từ bao giờ, một số người định hình suy nghĩ "đã tham gia thể thao để có sức khỏe, thì không được ốm đau bệnh tật?". Không đâu xa, bạn bè của tôi cũng chia làm 2 phần: một nửa tham gia tập luyện thể thao, nửa còn lại thờ ơ với thể thao.
Chỉ cần thành viên nào ở nhóm tham gia thể thao bị bệnh, lập tức những ý nghĩ của nhóm kia bật thành câu hỏi: “Có kiến thức về chăm sóc sức khỏe lắm mà! Sao để đổ bệnh vậy?”. Khi tin tức cho biết có một người tai nạn liên quan đến hoạt động thể thao, lại ồn lên những ý kiến tiêu cực về phương pháp chăm sóc sức khỏe qua tập luyện.
Không ít suy diễn còn cho rằng, tham gia thể thao là để thể hiện, để có những bức ảnh “sống ảo” đẹp khoe mạng xã hội, để "đu trend"....
Khi quen thân với cô giáo yoga ở lớp tập luyện, tôi được cô chia sẻ rằng có những khi mệt trong người, cần nghỉ ngơi nên cô nghỉ dạy, nhưng luôn phải tìm lý do khác khi học viên hỏi thăm. Bởi vì, nhiều học viên mặc định trong đầu là giáo viên yoga thì cơ thể luôn tràn đầy năng lượng, khỏe mạnh. Nếu học viên biết giáo viên cũng đau ốm thì nỗ lực tập tành của họ giảm đi phần nào.
Một bác sĩ dinh dưỡng mà tôi thường xuyên theo dõi cũng chia sẻ vấn đề này, anh nói rằng: “Chúng tôi làm bác sĩ nhưng nếu không biết cách giữ sức khỏe cho mình thì vẫn bệnh giống như mọi người”.
Anh họ tôi làm trong ngành y, anh viết lên trang cá nhân sau khi mạng xã hội có những lời cay nghiệt về cái chết của người phụ nữ ở giải chạy tại Huế: "Sáng tôi đọc tin có cô đột quỵ khi tham gia chạy bộ. Tuy nhiên, tần suất đột quỵ khi làm việc hoặc sinh hoạt thông thường cao hơn lúc chơi thể thao rất nhiều".
Sau sự việc đáng tiếc, các hội nhóm người tập thể thao nhắc nhau việc lựa chọn môn chơi phù hợp. Tiếp cận bộ môn như thế nào, trang bị vốn kiến thức cho mình ra sao... là điều cần thiết với tất cả mọi người.
Khi mới tham gia, để đảm bảo an toàn, tốt nhất nên tìm một người thầy có kinh nghiệm trong lĩnh vực để dẫn dắt, truyền đạt phương pháp, kiến thức, bài học mà họ đã trải nghiệm, cách tránh chấn thương, cách lắng nghe cơ thể...
Có dạo tôi cũng tập tành chạy bộ trong công viên và được một người anh gợi ý rằng nên có coach (huấn luyện viên) hướng dẫn để khởi đầu tốt hơn. Khi ấy, tôi nghĩ ngay rằng: "Chỉ là chạy bộ, sao phải làm phức tạp lên như vậy?". Nhưng với sự thuyết phục của người anh, tôi cũng đồng ý tham gia coach 1:1 (một huấn luyện viên kèm một học viên).
Thì ra, có rất nhiều thứ mà tôi chưa biết, như việc quan sát nhịp tim mình qua thiết bị trong lúc chạy, ngón chân và gót chân chạm đất ra sao trong mỗi bước chạy; đến việc chọn giày, kỹ hơn nữa là theo dõi bệnh lý của mình, theo dõi và quan sát các phản ứng của cơ thể sau các buổi tập để có nhịp độ tập luyện phù hợp… Điều này không riêng gì thể thao mà bất cứ lĩnh vực nào khi đã tham gia cũng cần có hiểu biết nhất định.
Trở lại chuyện tai nạn của runner, đối với bản thân tôi, hình ảnh về hoạt động chạy bộ luôn rất đẹp, rất sống động. Quanh tôi có không ít trường hợp sức khỏe và tinh thần của người chơi thể thao bước hẳn sang trang mới tươi sáng hơn, từ khi tập chạy. Tôi đồng cảm với ý kiến của một bác sĩ sau sự cố đáng tiếc tại giải chạy tại Huế, rằng: “Là bác sĩ, tôi không cổ vũ bạn chạy bất chấp. Nhưng tôi cũng không bao giờ khuyên bạn từ bỏ thể thao chỉ vì rủi ro. Điều tôi luôn nhấn mạnh là: chạy để sống chứ không phải để chết. Chạy với hiểu biết, với sự lắng nghe, và với sự khiêm nhường trước giới hạn của bản thân”.
An Na