Mong họ vượt qua khó khăn để tiếp tục gắn bó với thành phố

17/08/2021 - 06:28

PNO - “Đã tính đường về quê, nhưng về quê cũng thất nghiệp. Thôi thì em ráng gồng gánh thêm một, hai tháng chờ qua dịch coi sao”

Sáng 14/8, 700 phần quà trong chương trình 10.000 phần quà gửi đến công nhân, lao động khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 do HĐND TP.HCM phát động đã đến với Q.7. 

Về không được, ở không xong

“Chưa bao giờ ngày lại dài thế này”, đó là suy nghĩ chung của gần 100 công nhân “ăn không ngồi rồi” trong khu nhà trọ cô Lân (đường Võ Thị Nhờ, P.Tân Thuận Đông, Q.7) suốt mấy tháng qua. Khu nhà trọ đang bị phong tỏa hai dãy nên ngày đã dài lại càng thêm thấp thỏm. 

Chị Hoàng Thị Thu, 25 tuổi, là công nhân Khu chế xuất Tân Thuận. Chồng chị lái taxi. Hai vợ chồng có đứa con bốn tuổi. Đã hơn bốn tháng mất việc, nhà có ba miệng ăn nên 5 triệu đồng dành dụm của chị Thu chẳng mấy chốc đã hết vèo. 

Năm 2012, học xong lớp Chín, Thu theo chân những người dân quê mình vào Bình Dương tìm việc. Năm năm sau, chị ôm đứa con vừa mới chào đời về TP.HCM với mong muốn tìm một cơ hội mới cho cả gia đình. Con còn chưa dứt sữa, chị đã nộp đơn xin việc vào một công ty may, còn chồng lái taxi. Thu nhập cũng tạm đủ cho một gia đình nhỏ, vợ chồng chị động viên nhau cùng cố gắng. 

Nhưng đến đầu năm 2020, dịch bùng phát, công ty cắt giảm nhân sự khiến chị mất việc. Mãi đến ba tháng trước, chị mới tìm được công việc mới. Nhưng gần hết hai tháng thử việc thì dịch lại bùng phát nghiêm trọng hơn, công ty ngưng hoạt động và chị lại mất việc. Trong khi đó, chồng chị đã thất nghiệp từ bốn tháng qua, không được trợ cấp, không có thu nhập. “Em đã tính chuyện về quê, nhưng địa phương ngoài đó cũng hạn chế tiếp nhận người. Đúng là đi cũng dở mà ở cũng không xong. Ở đây không đi làm được, đi mượn hoài cũng không có khả năng trả” - Thu tâm sự. 

Đại diện HĐND Thành phố tặng quà cho công nhân lao động khó khăn
Đại diện HĐND Thành phố tặng quà cho công nhân lao động khó khăn

Khó khăn hơn cả Thu, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thao cùng hai đứa con nhỏ đang phải sống lay lắt nhờ vào 3 triệu đồng của cha mẹ ở quê gửi vào hỗ trợ. Thao vào Sài Gòn được ba năm. Chín tháng trước, chị xin được việc ở phân xưởng làm lông mi với mức lương 4,4 triệu đồng. Thu nhập của hai vợ chồng không đủ để lo cho hai đứa trẻ nên sau khi về ăn tết, chị gửi đứa con nhỏ hai tuổi ở lại quê nhờ ông bà chăm sóc. Cuối tháng Tư vừa qua chồng chị mất việc nên ba tháng nay chị chưa đóng tiền nhà. May là cô chủ nhà trọ cho nợ. Thay vì phải gửi tiền về quê phụ giúp cha mẹ nuôi con thì giờ đây cha mẹ già lại phải gửi vào tiếp tế cho gia đình chị. “Đã tính đường về quê, nhưng về quê cũng thất nghiệp. Thôi thì em ráng gồng gánh thêm một, hai tháng chờ qua dịch coi sao” - chị Thao bộc bạch.

Không lo đói

Q.7 là một trong những địa bàn tập trung khá đông công nhân lao động khó khăn. Theo số liệu thống kê từ Liên đoàn Lao động Q.7, hiện quận có hơn 45.000 công nhân lao động đang cư ngụ tại các khu lưu trú, khu nhà trọ. Thực hiện chương trình 10.000 phần quà cho công nhân lao động khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, HĐND TP.HCM đã ủy nhiệm Liên đoàn Lao động Q.7 làm đầu mối tiếp nhận 700 phần quà để trao đến từng công nhân lao động khó khăn.

Đại diện tổ đại biểu HĐND số 9, Chủ tịch Hội LHPN Thành phố Nguyễn Trần Phượng Trân đã đến khu nhà trọ 40 phòng của cô Lân để trao 27 suất quà. “Dịch bệnh trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân thành phố, đặc biệt là các anh chị em công nhân lao động. Món quà nhỏ của HĐND Thành phố là sự sẻ chia, mong các anh chị cố gắng vượt qua khó khăn để tiếp tục gắn bó với thành phố” - bà Trân gửi gắm. 

Chị Thu, chị Thao cho rằng, món quà là niềm động viên to lớn với những người lao động trong những ngày khó khăn. “Cũng nhờ những món quà nên chúng tôi không lo đói” - chị Hoàng Thị Thu nói. Chị Thu cho biết thêm, kể từ ngày nghỉ dịch đến nay, chị nhận được 25kg gạo và đủ các loại nhu yếu phẩm, từ dầu ăn, nước mắm, nước tương, đường, bột ngọt, cá hộp… từ khắp nơi gửi về thông qua chủ nhà trọ phân phát cho người ở trọ. Số thực phẩm tiếp tế đó đủ để gia đình chị sống qua ngày. Một vài triệu chị mượn tạm bạn bè là để mua thêm sữa cho con, thỉnh thoảng mua thêm thịt cá cho con đổi bữa.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI