Diễn đàn Sinh con - chuyện không phải của riêng phụ nữ

Mong giảm gánh nặng chi phí, tăng thu nhập

31/07/2024 - 06:02

PNO - Trong số các nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng trẻ ngại sinh con thì nỗi lo về kinh tế cùng gánh nặng chi phí nuôi dạy con chiếm tỉ lệ cao. Người dân mong muốn nhà nước có thêm các chính sách, giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí, tăng thu nhập để có thể yên tâm sinh con và lo cho con tốt nhất.

Anh Nguyễn Quốc Văn (quận 5, TPHCM): Có tiền tích lũy mới dám sinh thêm con

Có tổng thu nhập khoảng 40 triệu đồng/tháng, vợ chồng tôi vẫn chưa có ý định sinh con thứ hai vì chi phí nuôi một đứa con ăn học quá cao, chiếm gần một nửa thu nhập của gia đình.

Vật giá ngày càng tăng cao, nhiều người phải đắn đo khi mua thực phẩm. Ảnh minh họa chụp tại siêu thị Aeon Mall Bình Tân (quận Bình Tân, TPHCM) - ẢNH: HOA LÀI
Vật giá ngày càng tăng cao, nhiều người phải đắn đo khi mua thực phẩm. Ảnh minh họa chụp tại siêu thị Aeon Mall Bình Tân (quận Bình Tân, TPHCM) - Ảnh: Hoa Lài

Con trai tôi học lớp Năm, tổng chi phí cho 2 buổi học bán trú tại trường là 6,2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra cháu còn học Anh văn với chi phí 2,5 triệu đồng/tháng, học bóng rổ 2 buổi/tuần hết 1,2 triệu đồng/tháng; học thêm môn toán, lý, hóa với tổng học phí là 2,1 triệu đồng/tháng; tiền sách vở khoảng 500.000 đồng/tháng.

Tổng chi phí học hành cho con khoảng 13 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể nhiều khoản chi phí phát sinh khác như tiền dã ngoại, tiền quỹ lớp, cho con đi chơi cuối tuần, chi phí tham gia các cuộc thi đấu thể thao tại trường… Như vậy, tổng số tiền nuôi một đứa con ăn học sẽ trong khoảng 15-17 triệu đồng/tháng.

Với 23 triệu đồng còn lại, vợ chồng dùng để chi trả tiền ăn uống, chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, tiền phụng dưỡng ba mẹ đôi bên.. Cũng may là vợ chồng tôi được ba mẹ 2 bên hỗ trợ mua chung cư. Nếu phải gồng gánh thêm khoản tiền thuê nhà 6-7 triệu đồng/tháng hoặc tiền vay ngân hàng 8-10 triệu đồng/tháng thì với mức thu nhập trên, vợ chồng tôi không đủ nuôi 1 đứa con, nói gì đến việc sinh đứa thứ hai.

Có thể yêu cầu về tài chính của vợ chồng tôi dành cho con không đại diện cho số đông nhưng tôi nghĩ cha mẹ nào cũng mong muốn cho con mình được thụ hưởng những thứ tốt nhất, ít nhất về mặt giáo dục, y tế.

Vì thế tôi cho rằng, để các cặp vợ chồng trẻ tự tin sinh con thì họ phải có tiền tích lũy, đừng để các chi phí cơ bản cho cuộc sống “nuốt trọn” thu nhập. Để người dân có thu nhập tích lũy, Nhà nước cần hỗ trợ tạo thêm nhiều việc làm.

Ngoài ra, nên có cơ chế cho các cặp vợ chồng trẻ nào sinh đủ 2 con được hỗ trợ vay mua nhà với lãi suất ưu đãi từ 4 - 5%/năm thay vì 9 - 10%/năm như hiện nay; hoặc nếu còn ở nhà trọ thì được giảm tiền thuê nhà trong vòng 6 tháng từ lúc sinh con.

Ngoài ra, cần quản lý tốt các khu nhà trọ để không xảy ra tình trạng thu tiền điện nước với giá cao gấp 2-3 lần giá nhà nước quy định.

Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy
Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy

Anh Lưu Đình Long (quận Bình Thạnh, TPHCM): Cần giảm gánh nặng chi phí học hành

Tôi thấy thời nay, việc quyết định chỉ sinh 1 con trở nên phổ biến, ngay cả trong giới công nhân, người ở nông thôn, chứ không riêng gì dân thành phố. Tôi thường đến thăm những anh chị cùng quê làm công nhân ở tỉnh Bình Dương. Nguyên nhân khiến họ ngại sinh chủ yếu vì kinh tế. Họ bảo “đuối” nhất là khoản tiền trường, tiền học thêm của con. Ngay khi một đứa trẻ vào mầm non đã phải đóng học phí, tiền ăn; sau đó các bậc tiểu học, trung học, đại học - tiền chi ra cho việc học chỉ tăng, không giảm.

Nhìn danh sách các đầu sách cần mua cho một học sinh lớp Một được chia sẻ trên mạng xã hội, ai cũng thấy quá nhiều so với thu nhập của những gia đình nghèo (gần 1 triệu đồng/bộ sách giáo khoa đối với học sinh theo chương trình tăng cường tiếng Anh). Những ai đã trải qua thời gian đến trường khoảng vài ba thập kỷ trước sẽ nhớ thời đó một bộ sách đứa lớn nhường cho đứa nhỏ học vẫn được, hoặc trẻ con cả xóm có thể chia nhau vài bộ sách cũ nếu biết giữ gìn.

Cha mẹ ngay khi sinh con đã phải nghĩ tới đường dài tích lũy trong bối cảnh trượt giá, nên càng lo lắng. Chuyện học hành tốn kém lại là khoản chi bắt buộc nên cha mẹ rất khó lòng tiết kiệm.

Về chuyện khuyến sinh, tôi cho rằng trong các giải pháp, rất cần giảm các khoản tiền học, trong đó có học phí, sách giáo khoa cho học sinh và giáo trình cho sinh viên. Chương trình học ở trường cũng cần xây dựng sao cho trẻ không cần học thêm mà vẫn đầy đủ kiến thức.

Điều quan trọng là làm sao để mỗi đứa trẻ được sinh ra và mỗi người đi đến hôn nhân đều xuất phát bằng niềm vui chứ không phải nỗi lo hay áp lực. Khi đó, việc kết hôn, sinh con mới được nghĩ tới một cách nhẹ nhàng, tự nguyện.

Chị Nguyễn Thúy Giang (quận Bình Tân, TPHCM): Nên mở rộng danh mục hàng hóa bình ổn

Cưới nhau được hơn 1 năm, vợ chồng tôi vẫn chưa dám nghĩ tới chuyện sinh con. Hiện tổng mức thu nhập của vợ chồng tôi trong khoảng 25 triệu/tháng. Tiền thuê căn hộ chung cư 60m2 tại quận Bình Tân, TPHCM là 6 triệu đồng/tháng, tiền phụ cấp chăm sóc ba mẹ 2 bên 2 triệu đồng/tháng. Tổng chi phí sinh hoạt bao gồm xăng xe, ăn uống, tiền đi đám tiệc, thuốc men… nếu gói ghém hết cỡ cũng trong khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Lương không tăng, vật giá ngày càng leo thang, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng nên số tiền tích lũy hằng tháng của vợ chồng càng ít lại… Vợ chồng tôi có ý định sinh con nhưng chưa dám vì mỗi tháng số tiền để dành được chỉ khoảng 5-6 triệu đồng. Nếu không may cha mẹ bị bệnh hoặc có những khoản cần chi tiền đột xuất thì số tiền để dành không còn.

Hiện nay, danh mục hàng hóa bình ổn giá chỉ bao gồm một số mặt hàng thiết yếu như xăng, gạo, muối, đường… Nhà nước nên mở rộng danh mục hàng hóa bình ổn giá sang các mặt hàng khác như thực phẩm tươi sống, thuốc men, gas… để giúp người dân có thể tiếp cận nhiều mặt hàng thiết yếu với giá cả hợp lý hơn. Với các gia đình có thu nhập thấp, nên hỗ trợ thông qua tặng phiếu mua hàng giảm giá sản phẩm dành cho mẹ và bé trong khoảng thời gian
3 năm đầu.

Hoa Lài - Lưu Đình (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI