Mong gì từ 'Trump-Kim 2.0'?

25/02/2019 - 06:35

PNO - “Trump-Kim2.0” là cách thế giới nhắc đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai, diễn ra tại Hà Nội ngày 27-28/2. Cuộc gặp ý nghĩa được chọn tổ chức tại Việt Nam, hàm chứa nhiều thông điệp sâu xa trong quan hệ quốc tế thời hiện đại.

Thông điệp Trump-Kim “hé lộ” trước thềm hội nghị

Xuyên suốt Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ có buổi tiệc chung và những phiên thảo luận về bốn trụ cột trong tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất: thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên; xây dựng cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên; phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên; tìm lại hài cốt của những quân nhân hy sinh và mất tích trong chiến tranh Triều Tiên.

Trong đó, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là điểm mấu chốt, chìa khóa quyết định mức độ thành công của hội nghị.

Mong gi tu 'Trump-Kim 2.0'?
“Trump-Kim 2.0” được kỳ vọng sẽ có những bước hiện thực hóa bốn trụ cột trong tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất

Trước khi sự kiện diễn ra, cả hai vị lãnh đạo từng “thăm dò” ý hướng của nhau, đặt nhiều kỳ vọng cho bước chuyển sắp tới. Trong Thông điệp Liên bang đọc hồi đầu tháng Hai, Tổng thống Trump đã dùng tông giọng khá ôn hòa - điều khá lạ với vị tổng thống không ngại khẩu chiến với bất cứ ai. Ông Trump kêu gọi loại bỏ “chính trị nhắm đến trả thù, kháng cự”, đề nghị các nghị sĩ “nắm lấy tiềm năng vô hạn về hợp tác, thỏa hiệp, lợi ích chung giữa các bên”.

Quan điểm này trùng khớp với cách ông Trump nói về vấn đề Triều Tiên. Ông nhắc đến việc tạo nên những cột mốc quan trọng trong quan hệ Mỹ - Triều đã giúp cứu lấy mạng sống của nhiều người và vì thế, ông xứng đáng là Tổng thống Mỹ đầu tiên đồng ý ngồi đàm phán với lãnh đạo Triều Tiên. Tổng thống Trump tự hào rằng, ông là người giúp xoa dịu nỗi lo của cộng đồng quốc tế đối với cái họ gọi là mối họa hạt nhân từ Triều Tiên. Trên truyền thông, đây là cách ông Trump ghi đậm dấu ấn của mình.

Ông Trump hiểu, Triều Tiên không thể mãi cứng rắn với vấn đề hạt nhân. Thực tế, phát triển hạt nhân không phải là mục tiêu lâu dài mà lãnh đạo Triều Tiên muốn nhắm tới. Xa hơn, ông Kim muốn đưa nền kinh tế quốc gia đi lên và bài toán hạt nhân chính là “điểm nhấn”, cho ông “quyền” mặc cả với thế giới.

Trong thông điệp chúc mừng năm mới 2019, ông Kim đã đổi hẳn sắc thái thường thấy. Điểm quan trọng nhất ông nhắc trong thông điệp là xác định thứ tự ưu tiên: phát triển kinh tế. Điều này có nghĩa, Triều Tiên hiểu, đã đến lúc phải chuyển mình mạnh mẽ. Trong đó, phát triển hạt nhân chỉ là nhịp chuyển, để Triều Tiên “dọn đường” cho bước nhảy vọt kinh tế trong tương lai.

Năm 2016, tại đại hội Đảng Lao động Triều Tiên, lãnh đạo Kim Jong Un đã công bố chính sách phát triển kinh tế song song với phát triển hạt nhân. Dưới thời của Kim Jong Un, 20 khu kinh tế đã được thiết lập, cụm từ “cạnh tranh” bắt đầu xuất hiện, dự báo những thay đổi đầy sôi động. Ngay trước thềm năm mới 2019, ông Kim đã gửi thư cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, thể hiện nguyện vọng Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ sớm xúc tiến những dự án hợp tác kinh tế.

Mong gi tu 'Trump-Kim 2.0'?
 

Làm sao tiến tới bình thường hóa quan hệ, phát triển kinh tế bền vững, tạo kết nối sâu rộng với toàn cầu là cả hành trình dài mà Triều Tiên khó có thể tìm thấy điểm bắt đầu ở quốc gia nào khác ngoài Việt Nam. Chuyên gia Zhao Tong tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh nói, Việt Nam là quốc gia có chính sách mở cửa, kết nối cộng đồng quốc tế với tiềm lực kinh tế ngày càng tăng. Theo ông Zhao Tong, đây là mô hình mà Triều Tiên có thể nghiên cứu và học theo.

Cuộc gặp thú vị

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai là điểm nóng của chính trường thế giới, tiêu tốn nhiều giấy mực của truyền thông còn vì sự kỳ lạ mà mỗi người xây dựng cho hình ảnh cá nhân.

Ông Trump được gọi là tổng thống “no norm” (thuật ngữ chỉ chính trị gia không theo bất cứ nguyên tắc ứng xử nào), luôn là ẩn số trong từng mối quan hệ chính trường và luôn đưa ra những quyết định bất ngờ vào phút chót. Ông buộc mọi người, dù ủng hộ ông hay không, cũng phải tò mò, bởi những dòng chia sẻ ông đăng tải trên Twitter.

Trước hội nghị lần thứ nhất, ông Trump viết trên Twitter, rằng có linh cảm tốt về cuộc gặp với ông Kim, khiến mọi người thấy hứng thú. Lần này, ông dành lời có cánh cho lãnh đạo Triều Tiên, dự đoán “Triều Tiên sẽ thành một siêu cường kinh tế, một loại tên lửa khác là tên lửa kinh tế”.

Nhờ cách dùng ngôn từ cảm tính như thế, ông Trump tạo ra sức nóng cho sự kiện và “đo” được sự quan tâm của dư luận, thông qua những tương tác trên Twitter. Các chuyên gia quan sát chính trị cho rằng, Tổng thống Trump luôn biết cách “tung hỏa mù” bằng cách lôi kéo sự chú ý của dư luận vào bề nổi, thông qua trò chơi câu chữ trên truyền thông, khiến tất cả lơi dần bản chất thật sự của vấn đề diễn ra trong các cuộc thảo luận. Đó là cách ông Trump đi những nước cờ chính trị của mình.

Trong khi đó, mọi người dễ bị hút theo hình ảnh một Kim Jong Un tập trung cá nhân hóa, để đến đúng thời điểm, tất cả hình ảnh cá nhân ấy chuyển thành cú lật giải đáp cho câu hỏi Triều Tiên cần gì.

Năm 2018 là năm Kim Jong Un tỏa sáng với vai trò chính trị của mình nhằm mở cánh cửa giao thương, hợp tác với thế giới. Nếu không có hình ảnh gây chú ý với truyền thông cùng những lời đe dọa về vũ khí hạt nhân - một chiến lược “đánh” vào cảm xúc của giới quan sát lẫn chính trị gia, ông Kim Jong Un có lẽ khó bắt đúng nhịp xoay chuyển cục diện cho quốc gia mình.

Thế giới đang hướng về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai (ngày 27-28/2/2019), với bao hy vọng về hòa bình, hợp tác, phát triển. Thực tế cho thấy, cả hai nhà lãnh đạo - Donald Trump và Kim Jong Un đến Hà Nội trong các tâm thế, tính toán chiến lược lớn cho bản thân và đất nước mình. Câu hỏi là: họ sẵn sàng nhường nhau bao nhiêu để thực sự bắt tay hợp tác?

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI