Mong được ly hôn

29/08/2014 - 17:33

PNO - PN - Ngô Thị Mỹ (*) (SN 1980, nhân vật trong bài Phù du - báo Phụ Nữ ngày 8/7/2014) phản ánh bi kịch gia đình của chị khi gần đây người chồng mắc bệnh cuồng dâm. Nhục nhã ê chề, chị trốn chạy nhưng không thoát nổi sự săn đuổi...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mong duoc ly hon

Điều đầu tiên chúng tôi muốn nhắc đến là việc kết hôn của chị Mỹ (ngụ xã Trung Đông - Hòa Thành - Tây Ninh) không tự nguyện mà là qua mai mối. Năm 2005, Mỹ đồng ý lấy chồng là Nguyễn Ngọc L. (SN 1978, ngụ xã Hiệp Tân - Hòa Thành), với hy vọng mình sẽ hạnh phúc bởi cha chồng làm cán bộ xã, mẹ chồng là giáo viên. Biết chồng tương lai có nghề nghiệp ổn định và nhất là nhìn vào cha mẹ chồng, Mỹ rất yên tâm.

Từ năm 2012, bỗng dưng chồng Mỹ mắc “bệnh lạ” như đã nói trên. Không chịu nổi sự cưỡng bức, Mỹ đã phản kháng. Nhưng, chị càng phản kháng thì L. càng hung dữ, luôn rình rập, theo dõi vợ và có cơ hội là… đè vợ ra cưỡng bức. Tuy đi làm lương năm-sáu triệu/tháng nhưng L. không đưa Mỹ đồng nào để lo ăn uống, chi tiêu cho hai con và gia đình. Mỹ hỏi thì anh ta chửi mắng, nói không “chiều” chồng được thì đừng đòi tiền. Mỹ và hai con trốn về nhà cha mẹ ruột nương náu và kể rõ sự tình. Hai bên sui gia gặp nhau nhưng không giải quyết được gì, phần L. thì bảo “Vợ tôi, tôi muốn làm gì thì làm!”.

Tiếp theo là chuỗi ngày cơ cực vì chị Mỹ phải đem con trốn chui, trốn nhủi. Khổ nỗi, trốn ở đâu chồng chị cũng tìm ra, đánh đập, đe dọa. Để có cớ hành hung vợ, L. vu khống chị Mỹ quan hệ cả với… cha ruột, với em trai chồng. Cùng đường, chị Mỹ làm đơn xin ly hôn. Tòa án đã thụ lý nhưng mời thì L. không lên, mà cường độ tin nhắn tục tĩu, hăm dọa, chửi bới Mỹ ngày càng tăng. Tòa đã mời đến ba lần nhưng vẫn không xử được vụ án. Thẩm phán Hồ Tấn Cường (Tòa án nhân dân huyện Hòa Thành), người trực tiếp thụ lý vụ án cho biết: “Theo luật thì có thể xử ly hôn vắng mặt sau ba lần mời mà đương sự không đến, nhưng vợ chồng họ có tranh chấp tài sản nên không thể xử ly hôn vắng mặt”. Khối tài sản đó chính là miếng đất có diện tích 5 x 10m, trị giá 50 triệu đồng mà cuối năm 2011 hai bên cha mẹ đã cho vợ chồng Mỹ “mượn” để cất nhà ra riêng.

Theo đơn khởi kiện ly hôn (có tranh chấp tài sản) của Mỹ, hai người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan là hai bà mẹ của Mỹ và L. đều được mời tới tòa. Hai bà cũng đồng ý phương pháp thu hồi nợ bằng cách bán thửa đất đó, tiền của ai trả cho người nấy. L. không tới tòa theo giấy triệu tập, thế nhưng lại đến nhà cha mẹ vợ “quậy tưng” bằng cách đổ keo dán sắt vào khóa cửa, chọi đá bể cửa kính, trổ nóc nhà leo vô, khóa trái cửa nhà mỗi đêm khi gia đình cha mẹ vợ đã ngủ...

Mong duoc ly hon

Các tin nhắn của L. đe dọa, nhục mạ Mỹ

Căn nhà này thời gian trước gia đình Mỹ vẫn ở nhưng ba tháng nay L. quậy quá nên ông bà bỏ đi làm thuê xa, hai-ba tuần mới về. Mỹ cũng đi làm xa, con cái gửi cha mẹ giữ giùm. Sáng sớm ngày 2/8/2014 vừa qua, L. lại đến nhà cha mẹ vợ đổ keo vào ống khóa, chọi bể cửa kính (có hàng xóm làm chứng). Trưa hôm đó, cha mẹ Mỹ về thăm nhà, thấy cảnh hoang tàn liền trình báo công an (CA) xã, nhưng CA bảo: “Chừng nào thấy nó (L.) đang phá thì gọi điện kêu CA chứ giờ nó làm xong đi mất thì ai biết đâu mà xử lý?”. Trao đổi với người viết, ông Phạm Minh Cảnh, Phó trưởng CA xã Trung Đông cho biết: “Cái khó của chúng tôi là không bắt được tận tay L. quậy phá. Trước đây CA cũng đã hơn một lần phạt L. do hành vi chửi mắng vợ, gây rối trật tự công cộng. Còn bây giờ là gây ra hành vi phá hoại tài sản, hăm dọa, thóa mạ người khác, nhưng chỉ là qua hiện trường, tin nhắn và nhân chứng nên cũng... chưa biết làm sao. Thôi thì gia đình... ráng đi, khi nào bắt gặp L. đang phá nhà thì giữ nó lại, kêu CA xuống”.

Chị Mỹ bây giờ vẫn đi làm xa nhà nhưng đầu óc luôn “căng như dây đàn” bởi những tin nhắn hăm dọa của chồng:”Bây giờ anh sẽ giết em vì em đã dồn anh vô đường cùng rồi, mong em thông cảm và hiểu cho anh, vì chỉ giết em anh mới hả cơn giận mà em đã gieo cho anh”.

Sự hăm dọa của L. làm chị Mỹ vô cùng hoảng sợ. Chị bảo: “Bây giờ tôi chỉ cần được ly hôn với L. để anh ta không còn lấy cớ tôi là vợ mà thóa mạ, hăm dọa tôi nữa, nhưng tôi không biết làm sao để đạt được mong muốn đó. Vụ án đã được thụ lý, án phí đã nộp xong, cứ tưởng đã “thoát” sau khi được tòa án nhận đơn, nhưng bốn tháng qua, ngày nào tôi cũng sống trong sợ hãi”.

 HOÀNG PHƯƠNG

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.

Theo luật sư Nguyễn Văn Re (Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh) hành vi cưỡng ép tình dục, khủng bố tinh thần người khác vi phạm vào điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và điều 103 Bộ luật Hình sự. Cụ thể:

- Hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục của chồng với vợ thuộc một trong những hành vi bạo lực gia đình bị cấm theo quy định tại điểm đ - điều 2, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Nếu có những dấu hiệu pháp lý của tội hiếp dâm quy định tại điều 111, Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

- Điều 103 Bộ luật Hình sự quy định, nếu ai nhắn tin khủng bố làm cho người bị hại lo sợ hành vi đe dọa giết người sẽ được thực hiện, thì có thể bị khởi tố về tội đe dọa giết người.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI