Mọi người chắc cũng thấy phòng mạch của bác sĩ ở khắp mọi nơi. Tùy theo danh tiếng và sự tin tưởng mà bệnh nhân đến khám đông hay vắng. Ai mà chẳng có lúc gặp cơn trái gió trở trời, nóng, ho, sổ mũi… các phòng khám đó đều đáp ứng được nhu cầu điều trị bệnh cho mọi người.
|
Đa số người mang bệnh mạn tính là người cao tuối, đến khám bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế - Ảnh minh họa |
Có khi người ta đến thẳng nhà thuốc tây khai bệnh. Nhân viên nhà thuốc cứ theo triệu chứng mà bán thuốc. Qua 2, 3 ngày uống thuốc nếu không hết bệnh thì khi đó, người bệnh mới đến bác sĩ. Mất thời gian là lý do người ta không khám bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế.
Nhiều người mắc bệnh mạn tính, như huyết áp cao và đái tháo đường tuýp 2 chẳng hạn, phải thường xuyên dùng thuốc để ổn định tình hình sức khỏe. Đến khám bệnh tại bệnh viện, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, sau thời gian chờ đợi, họ được bác sĩ cho đo huyết áp, đặt ống nghe trên ngực, sau lưng, xem kết quả xét nghiệm máu (trước đó đã yêu cầu xét nghiệm trong khi hẹn tái khám từ lần khám trước) và bác sĩ tiếp tục cho thuốc theo toa cũ. Tại các cơ sở khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế, người bệnh mạn tính định kỳ hàng tháng được khám, chữa bệnh theo kịch bản như vậy.
Thật ra, đa số người mang bệnh mạn tính là người cao tuối, đến khám bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế. Việc chờ đợi cả buối sáng để bác sĩ khám 5-10 phút rồi lãnh thuốc đi về không làm phiền họ nhiều. Nhưng còn có những người phải cần con, cháu dẫn đi, rồi phải chờ đợi được khám.
Mặt khác, dù được phép cấp thuốc tối đa 30 ngày, nhưng đâu phải lúc nào toa thuốc cũng theo số lượng đó. Bác sĩ và cả bệnh nhân cũng biết tùy theo tình trạnh bệnh mà thời gian tái khám dài hay ngắn hoặc là không cần tái khám.
Gần đây, nghe tin Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có đề nghị với Bộ Y tế nâng thời gian kê đơn thuốc điều trị bệnh mạn tính từ 30 ngày lên 60 ngày/lần, nhiều người rất đồng tình. Có lẽ Bộ Y tế sẽ chấp thuận vì điều đó giúp giảm tải cho các bệnh viện thường quá tải tại khâu khám bệnh. Đồng thời tiết kiệm thời gian cho những người đang đóng bảo hiểm giúp họ dễ dàng tiếp cận với chế độ khám bệnh mà họ xứng đáng được hưởng.
Vấn đề còn lại là cần có biện pháp để tránh lợi dụng việc cấp thuốc nhiều, móc ngoặc thủ lợi. Hoặc là máy móc kéo dài thời gian tái khám làm phí phạm thuốc đã được cấp mà không dùng đến.
Nguyễn Thu Đăng