Mong được đền bù

30/10/2018 - 09:00

PNO - Hội chị em bạn gái chúng tôi vài ba tháng vẫn thường ngồi lại với nhau, than thở chuyện chồng con.

Nếu chỉ có chúng tôi - những người đồng trang lứa thì chắc cuộc "kể tội" chồng sẽ chẳng có điểm dừng. Trong mắt chúng tôi, chẳng có ông chồng nào nên nết cả - không rượu chè thì bài bạc, không gái gú cũng mắng vợ chửi con, không lười nhác cũng vô tâm… Chồng ai rơi vào mức quá đáng cũng bị những người còn lại trong nhóm xúi “bỏ quách đi”. Chúng tôi thường mạnh mẽ như thế.

Mong duoc den bu
 

Mà thật. Có hai cô bạn nghe lời tư vấn có lý của bạn bè, đã ly hôn chồng. Một trong hai người bạn ấy, sau này lấy chồng tập hai, nhưng cũng mau chóng ly hôn, vì bạn cho rằng, lấy chồng lần này vẫn chẳng tốt lành gì hơn. Mới chập chững những ngày đầu chung sống, chồng đã đề nghị bạn phải sống cho thực tế. Đàn bà, mấy ai chịu nổi lời đề nghị khô khan ấy, thế là mâu thuẫn, ly tan.

Một lần, nhóm chúng tôi tập trung tại nhà Xuân. Hôm ấy có mẹ và dì của Xuân ở quê lên. Khi nghe chúng tôi than chán chồng, phải chi ly hôn được thì khỏe; mẹ Xuân bảo, hôn nhân mười năm mới chỉ là bước đầu của hành trình làm vợ. Khi ấy, tình yêu bắt đầu ngả màu, với rất nhiều thay đổi, khiến người vợ hụt hẫng, chới với, mất niềm tin vào bạn đời, chỉ muốn ly hôn để trở lại thời “độc thân muôn năm”. Hai người phụ nữ lớn tuổi ấy nhìn chúng tôi, chia sẻ sự từng trải của họ, rằng phụ nữ phải vị tha, đôi khi chịu thiệt cũng chẳng có gì xấu hổ; hay thay vì loay hoay tìm cách ly hôn thì hãy tìm cách hàn gắn, “cân kê” mọi thứ sao cho bằng, cho êm, mới là phụ nữ của mọi thời đại…

Những bức xúc to lớn của chúng tôi, hai bà đều tỏ ra bình thản, như thể đó là chuyện trẻ con, chẳng có gì to tát. Trong mắt tôi, những lý giải của hai bà thể hiện rõ khoảng cách thế hệ. Hai bà cho rằng, tình yêu ngày trước, bây giờ chỉ còn là dĩ vãng. Cưới nhau về, cần dẹp bỏ tư tưởng so bì tình yêu trước và sau hôn nhân. Sự so sánh bất lợi đó, phải cho ra khỏi bộ nhớ. Phát triển tình yêu sau hôn nhân, không phải từ những hứa hẹn yêu đương ngày trước, mà từ những gắn kết sau này: con cái, các mối quan hệ mới, trách nhiệm, thực tế. Chúng tôi nghĩ khác. Tại sao cưới nhau về lại phải sống thực tế? Vậy động lực nào để những người vợ có thể hồn nhiên đi hết quãng đường hôn nhân còn lại, với cái người từng cho họ mộng mơ, hy vọng?

Đàn ông sau khi kết hôn, ít ông nào duy trì sự lãng mạn dành cho vợ như thuở yêu nhau. Một người bạn của tôi tuyên bố: có thể trao cho vợ cái bánh mì, chứ không thể vừa trao bánh mì vừa tặng hoa hồng theo sở thích của vợ được. Những năm đầu hôn nhân, vợ chồng ấy mải “cày bừa”, sinh con. Cho đến ngày con cái khôn lớn, nhìn xung quanh, thấy chồng người ta chiều vợ, cô cho rằng mình thiệt thòi, rồi đòi chồng… bồi thường khoảng thời gian quần quật trước kia.

Anh chồng muốn đền bù bằng chiếc xe hơi thì vợ bảo tốn xăng, nhà có chiếc xe như thêm miệng ăn, phí lắm. Máy giặt, ti vi… trong nhà đều đã đủ, toàn hàng xịn. Vòng vàng, không lẽ đeo đủ mười ngón. Thôi thì, muốn mua sắm gì, nàng cứ thoải mái chi tiêu, anh đâu phải người hẹp hòi. Nhưng cô vợ bảo chồng tệ, sao ngày trước anh giỏi lấy lòng người yêu thế. Từ dạo đó, cô hay ca thán chồng. Vào tuổi 40, họ lại giận nhau vì những điều lãng xẹt ấy.

Thật ra, lãng mạn đâu nhất thiết phải hoa hồng. Tận dụng thời gian đưa vợ đi chơi, đi ăn, ủi giúp vợ cái váy cũng đủ làm phụ nữ hạnh phúc. Có thêm bó hoa vào những ngày đặc biệt, càng hạnh phúc hơn. Kể ra, một ông chồng giỏi lao động, làm ra nhiều tiền, mà thiếu những biểu hiện tình cảm với vợ thì cũng chán phèo. Chẳng phải phụ nữ “được voi đòi tiên” đâu, mà bởi phụ nữ thời đại nào cũng phải gánh thiên chức, nhọc nhằn lắm. Nếu đàn ông cho rằng bánh mì là thực tế, hoa hồng là màu mè thì thật tội nghiệp phụ nữ. Chúng tôi cầm ổ bánh mì trên tay, nhưng vẫn thích ngắm một cành hoa trong lọ, để viển vông, để động viên hành trình hôn nhân không phải lúc nào cũng êm dịu. Chúng tôi hoàn toàn không xác định “hôn nhân là nấm mồ của tình yêu”, chả dại gì “kết liễu” đời mình với lối suy nghĩ đó.

Bản thân tôi chưa bao giờ có ý nghĩ chồng mình đi nhậu, đàn đúm thì tôi cũng được quyền đi nhậu, đàn đúm. Không so sánh kiểu ấy. Thích gì làm nấy là quyền của mỗi người. Nhưng thử hỏi, có mấy bà vợ đủ can đảm bỏ lơ những đứa con đang nheo nhóc ở nhà mà ung dung ăn nhậu, trong khi đàn ông luôn tự tin đã có vợ ở nhà, cứ nhậu thả ga. Như thế, chẳng phải đàn bà thiệt thòi hơn sao? Đã thiệt thòi hơn, sao không thể “đền bù” cho vợ, dù chỉ bằng những cử chỉ âu yếm, hay lời nói ngọt ngào? Còn phụ nữ, muốn được “đền bù”, cũng phải cất tiếng nói, chớ đợi đàn ông hiểu thì chỉ có… lỗ nặng. 

Phi Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI