“Tôi đã bước vào độ tuổi “cổ lai hi” nhưng tôi nghỉ hưu chứ không nghỉ việc. Nghiên cứu, giảng dạy, viết sách… làm việc tôi cảm thấy vui, khỏe, chưa phải nằm bệnh viện ngày nào” - giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường đại học Kinh tế quốc dân - tự bạch ngắn gọn về tuổi xế của mình.
Ông dành cho Báo Phụ nữ TPHCM buổi chia sẻ cởi mở, thân tình.
|
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Cử - Ảnh: P.Thảo |
Phóng viên: Thưa giáo sư, những nhu cầu cơ bản của người cao tuổi (NCT) là gì? Con cháu có thường hiểu thấu những nhu cầu này không?
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Cử: Trên thế giới, người ta xây dựng “chỉ số hành tinh hạnh phúc” (HPI: happy planet index). Chỉ số này được tổng hợp từ tuổi thọ, cảm giác thoải mái và các hành vi tác động đến môi trường. Đối với NCT, đơn giản có thể lấy “tỉ lệ hài lòng với cuộc sống” làm chỉ báo phản ánh hạnh phúc của họ.
Cũng như người trẻ tuổi, NCT có nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe, học tập, thông tin; du lịch, thể thao, giải trí; duy trì quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, tâm linh…
Một cuộc khảo sát cho thấy nhu cầu của NCT khác nhau theo tỉnh, theo vùng, khu vực thành thị/nông thôn nhưng tính chung cả nước thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe vẫn chiếm số 1, nhu cầu vật chất (ăn, mặc, ở…) xếp số 2.
Tuy nhiên, đáp ứng nhu cầu này phải thích hợp với đặc điểm của NCT. Thí dụ, NCT thường không còn răng hoặc còn nhưng yếu.
Vì vậy, thức ăn phải đủ mềm, dễ ăn, dễ tiêu. Nhiều NCT cần răng giả. Chỗ ở của NCT phải chống trơn, chống trượt, phòng tránh tai nạn vấp ngã… Theo tôi, việc đáp ứng nhu cầu phù hợp với NCT chưa được xã hội và gia đình chú ý thỏa đáng.
|
Niềm vui của người cao tuổi là gia đình hạnh phúc (ảnh mang tính minh họa, nguồn: SHUTTERSTOCK) |
* Từ kinh nghiệm trong cuộc sống và bề dày nghiên cứu, ông có thể cho biết NCT mong muốn điều gì từ phía con cháu?
- Ông cha ta nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Đó cũng là mong mỏi của NCT đối với con cháu ngày nay. Không gì vui bằng con cháu khỏe hơn, học vấn cao hơn, năng suất lao động cao hơn. Còn đối xử với mình, NCT chỉ mong con cháu “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu và luôn luôn chia sẻ”; bởi thế hệ cha - con, ông - cháu ngày nay có nhiều khác biệt.
Về chính trị, NCT nước ta hiện nay đều sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, những người trẻ tuổi sinh ra và lớn lên trong hòa bình.
Về kinh tế, NCT trải qua thời kỳ nghèo khó và cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp; con đông, nghèo khó nên không có tích lũy.
Đa số không có lương hưu hoặc thu nhập thường xuyên. Thế hệ trẻ hiện nay có mức sống khá giả và hoạt động kinh tế theo cơ chế thị trường. Về xã hội, NCT sống phần lớn cuộc đời trong bối cảnh đóng cửa, ngay di cư nội địa cũng không sôi động, đô thị hóa rất chậm, giáo dục chưa phát triển.
Ngược lại, bây giờ là mở cửa, đô thị hóa nhanh, di cư sôi động, Việt Nam hội nhập sâu rộng vào đời sống thế giới, giới trẻ có cơ hội được giáo dục tốt hơn, học vấn cao hơn.
Khoa học, công nghệ tiến nhanh như vũ bão; giới trẻ ngày nay là thế hệ internet, cách mạng công nghiệp 4.0… Sự khác biệt sâu sắc về bối cảnh sinh ra và lớn lên nói trên đã dẫn đến sự khác biệt về nhận thức, thái độ và hành vi của 2 thế hệ.
Nếu biết “lắng nghe” để “thấu hiểu”, sẽ vượt qua được sự khác biệt này. Nếu thấu hiểu, vượt qua khác biệt thì sẽ có sự chia sẻ cả tình cảm, tinh thần, vật chất; các thế hệ sẽ sống trong hòa thuận, tình yêu thương, tránh được mâu thuẫn thế hệ, xung đột thế hệ.
|
Ảnh mang tính minh họa, nguồn: Rawpixel.com |
* Thưa giáo sư, những rào cản nào khiến NCT khó tiếp cận các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ cho cuộc sống của mình?
- Thời đại ngày nay, khoa học công nghệ phát triển, chất lượng cuộc sống của NCT được nâng cao hơn. Đơn cử, năm 2019, tính trên phạm vi cả nước, 92% số hộ có điện thoại (cố định, di động, thông minh).
Như vậy, hiện nay hầu hết NCT có thể giao lưu với con cháu, bạn bè, nếu họ ở xa; thậm chí có thể nhìn thấy và trò chuyện với con cháu, bạn bè cách nửa vòng trái đất. Năm 2021, có đến 70% dân số Việt Nam dùng internet. Nhiều gia đình sắm dàn karaoke, NCT có thể tìm kiếm thông tin theo sở nguyện; tụ tập theo nhóm nghe ca hát và cùng hát… tạo nên cuộc sống vui tươi.
NCT thường có vai trò nội trợ trong gia đình. Nhiều dụng cụ gia đình mới xuất hiện, như: máy giặt, bếp điện, bếp gas, robot lau nhà… giúp làm nhẹ công việc của người nội trợ, NCT. Những thành tựu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực y tế đã góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe NCT. Chỉ đơn giản như trồng răng giả đã mang lại bữa ăn ngon hơn, dinh dưỡng đầy đủ hơn cho NCT.
Đương nhiên, khoa học công nghệ phát triển, năng suất lao động được nâng cao. Đời sống vật chất của NCT cũng ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, cũng có rào cản khiến NCT khó tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ, như: việc sử dụng cần nhiều thao tác, thao tác phức tạp, nhất là khi sử dụng cần phải biết tiếng Anh, dù chỉ một số từ hoặc những bảng hướng dẫn với cỡ chữ rất nhỏ.
* “Có tiền mua tiên cũng được”. Các cụ có dễ thành “tiên” nếu tích lũy tài chính dồi dào?
- Từ “tiên” là hình tượng, có thể hiểu theo nghĩa rất rộng. Nếu hiểu theo nghĩa mua bán thông thường và “tiên” ở đây là “hàng hóa tốt và dịch vụ tốt” thì có thể đúng nhưng nếu hiểu là “hạnh phúc” thì không đúng cả với người trẻ chứ không riêng tuổi già. Hạnh phúc không phải chỉ do nhiều tiền, đời sống vật chất dư thừa mang lại mà còn là cảm xúc mãn nguyện, đời sống tinh thần phong phú.
Một lần, ở nước ngoài, tôi đã nghe một vương phi nói trên đài truyền hình: “Tôi là người phụ nữ bất hạnh”. Khi đó, tôi hiểu nhung lụa không làm nên hạnh phúc.
Ở Việt Nam, tôi cũng hay nghe câu: “Có tiền mua được thuốc tốt nhưng không mua được sức khỏe” hay “Có tiền mua được nhà sang nhưng không mua được tổ ấm”…
NCT nếu tích lũy được nguồn tài chính dồi dào thì quá tốt nhưng cùng lắm, đó mới chỉ là điều kiện cần để có cuộc sống hạnh phúc, chứ chưa phải là điều kiện đủ. Thậm chí đối với NCT, tinh thần còn quan trọng hơn vật chất.
|
Ảnh mang tính minh họa, nguồn: Jcomp |
* Những điều gì NCT nên làm và nên tránh, thưa giáo sư?
- Nên tin tưởng thế hệ trẻ, chấp nhận sự đa dạng; tránh áp đặt tuổi trẻ theo khuôn mẫu, chuẩn mực của tuổi già; bởi hoàn cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, kỹ thuật… mà mỗi thế hệ sinh ra và lớn lên vô cùng khác biệt. Tôi đã chứng kiến một số gia đình mâu thuẫn, xung đột, tan vỡ khi cha mẹ cố ép vợ chồng trẻ phải ở với cha mẹ chồng như tập quán, không chấp nhận cả chuyện ở riêng dù gần.
Hoặc có những cán bộ giảng dạy bỏ trường đại học danh giá ra làm ở công ty tư nhân, khiến cha mẹ già buồn bã, thậm chí đau khổ; nhưng sau một thời gian các cụ thay đổi cách nhìn.
NCT nên hoạt động tích cực, những hoạt động mang lại niềm vui cho tuổi già (làm việc tùy sức khỏe và theo sở nguyện, giao lưu, thể thao, du lịch…). Nên tránh việc cho rằng mình đã già nên chỉ ngồi nhà, dù có điều kiện để bước ra: kinh tế, sức khỏe, nhà nước miễn phí xe buýt, giảm giá khi tham quan danh lam thắng cảnh…
Tôi ấn tượng khi chứng kiến nhiều cụ ngồi xe lăn ở sân bay Đài Loan xếp hàng ra máy bay để sang Mỹ hoặc bạn tôi năm nay đã 70 tuổi nhưng vẫn tham gia Câu lạc bộ dù lượn Vietwings Hà Nội. Anh em trong câu lạc bộ thân mật gọi thành viên đặc biệt này là… “bác Nam già”.
* Xin cảm ơn và kính chúc giáo sư luôn vui khỏe, hạnh phúc.
Tô Diệu Hiền (thực hiện)
Điều đáng sợ nhất của NCT là rơi vào hoàn cảnh sức khỏe yếu, bệnh tật nhiều, thu nhập thấp hoặc không có và cảm giác bị bỏ rơi. Tôi từng biết cặp vợ chồng già nọ, ở nông thôn; hầu như không có thu nhập thường xuyên. Một người bệnh, một người còn khỏe. Họ có 2 người con: 1 trong Nam, 1 ngoài Bắc. Tất nhiên, 1 người con không thể “gánh” nổi 2 ông bà già đau bệnh và 2 đứa trẻ. Thế là phải chia đôi: ông ở với con này, bà ở với con khác, nhưng đứa con nào cũng chỉ muốn nuôi người khỏe. Thế là mâu thuẫn gia đình, thậm chí lan ra mâu thuẫn trong cả họ. Giáo sư Nguyễn Đình Cử |