Móng đã lay, cột kèo cũng vô ích

16/05/2019 - 16:35

PNO - Sự thất bại lần này của ngành giáo dục, qua hình ảnh cô giáo Trang ở Hải Phòng, có lẽ sẽ không dừng lại. Ta phải bắt đầu lại, chứ không còn cách nào khác, trong việc sửa soạn tư thế làm người cho một công dân.

Ngày 15/5, đoạn clip từ Facebook Nhu Anh Nguyên, tự xác nhận  là phụ huynh  của em H.G.Đ, học sinh lớp 2, cho biết con chị đã bị cô Nguyễn Thị Thu Trang (giáo viên chủ nhiệm lớp 2, Trường Tiểu học Quán Toan, Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) tát, đánh sưng tấy chân  vào ngày 8/5. Cháu phải nhập viện điều trị.

Mong da lay, cot keo cung vo ich
Hình ảnh cô giáo Trang đánh học trò ngay giữa lớp khiến cộng đồng phẫn nộ

Điều đáng nói là  cô giáo này, trước đây, đã bị dư luận phản đối vì đánh học sinh. Chính quyền, ngành giáo dục  địa phương đã vào cuộc và cô giáo được cho là đã bị địa phương xử lý kỷ luật nghiêm.

Ngao ngán, nếu phải thống kê con số bạo lực, xâm hại tình dục học đường mà đối tượng gây hại là giáo viên - những người lâu nay vẫn xuất hiện trong ca khúc thiếu nhi là những “mẹ hiền”. Những vụ việc bị phát hiện, gây tổn thương thân thể  và tâm lý học trò, cái kết cuối cùng là kỷ luật bằng nhiều hình thức, cao nhất là đuổi việc.

Nhưng, nếu có bị xử lý hình sự, giả sử như thế, liệu có dập được cơn ác mộng học đường do những người đứng trên bục giảng gây ra, phá bỏ được thành kiến và căm phẫn lẫn đau đớn từ cộng đồng khi hình ảnh nhà giáo bị chính họ bôi bẩn, bầu trời giáo dục đã u sầm đen tối?

Clip: Cô giáo tát tới tấp, dùng thước vụt mạnh nhiều học sinh - Nguồn: Facebook

Nhà trường là chốn ánh xạ cao sang của văn hóa. Ở đó, tư thế người thầy được xem như người truyền dẫn giấc mơ ánh sáng. Một khi khúc xạ ánh sáng đã đổi màu thì rõ ràng nguồn cơn không phải từ bầu trời tri thức, mà từ chính người được trao sứ mệnh tiếp dẫn. Chính vì thế, trong vô vàn những bức xúc trước hành động phản giáo dục trên, nếu chỉ nhằm vào bản thân cô giáo hay ngành giáo dục, có lẽ chưa đủ.

Đã quá dài, quá dư thừa thời gian và phương thức với cái tên “cải cách giáo dục”, nhưng hiệu quả vẫn âm u. Ngành sư phạm bị coi thường từ đào tạo đến chương trình là hậu quả của những sang chấn u buồn từ sân trường, lan ra xã hội.

Nhưng, hãy thử đặt cô giáo trên (hay là những giáo viên khác bị xã hội lên án) trong tư cách làm người, đang hít thở bầu không khí xã hội này, để thử tìm hiểu vì sao họ lại như thế. Chúng ta đang cựa quậy trong một môi trường mà ra đường có thể bị một gã ngáo đá đâm, dễ dàng bị chửi nếu vô tình liếc xéo, dễ dàng bị những người tự cho mình là “chiếu trên” dạy đời, dễ bị biến thành những kẻ bé mọn trước đám đông hung ác và vô cảm. Có người nói, khi gia đình anh gặp nạn, điều anh sợ lúc đầu, sau là chán ngán, tuyệt vọng, chính là sự vô cảm của những người xung quanh. Rồi anh tự hỏi, thói vô cảm hôm nay lên ngôi từ bao giờ.

Có lẽ vô cảm, chứ không gì khác, đã biến cô giáo hay bất cứ ai, ngành nghề nào, không còn hành xử đúng là người - hành xử nhân văn. Sự tạo dựng và tái tạo nền tảng cho công dân từ thuở chào đời đến khi chết, đã bị “sụp hầm”, thiếu căn bản, bỏ qua nguyên tắc hàng đầu và tiên quyết là yêu thương.

Thái độ, suy nghĩ, hành xử của con người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đâu chỉ là giáo dục. Nói thẳng, sứ mệnh chính của giáo dục là dạy kiến  thức, nhưng kiến thức đó phải được đặt trên nền tảng nhân văn, tự do và khai phóng. Người dạy lẫn người được dạy phải được quyền có điều đó, để từ đó họ hiểu được giá trị của mình. Tôn trọng người khác chính là tôn trọng và bảo vệ chính mình. Học sinh lẫn không ít giáo viên không có được điều đó.

Lỗ hổng này không phải do họ. Chúng ta hô hào rồi đầu tư, ra nghị quyết này,  chiến lược kia về con người, nhưng xác lập giá trị thật sự cho con người (rồi mới đến giáo dục, nếu chỉ nói riêng ngành này) đã bị lệch chuẩn, thậm chí bỏ qua những nguyên tắc cơ bản cần có.

Vì thế, cô giáo kia đáng trách, đáng lên án, thậm chí ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể có động tác xử lý mạnh hơn. Nhưng hãy nhìn lại, những “bản án” giáo dục thời gian qua đâu có tác dụng mấy, khi chính những người làm trong ngành đó đã bị bội nhiễm vi rút vô cảm, với tư cách là công dân ngoài xã hội, trước khi bước vào cổng trường mỗi ngày.

Sự thất bại lần này của ngành giáo dục, qua hình ảnh cô giáo kia, có lẽ sẽ không dừng lại. Móng đã mục thì chăp vá cũng vô ích. Ta phải bắt đầu lại, chứ không còn cách nào khác, trong việc sửa soạn tư thế làm người cho một công dân. Nhưng bắt đầu từ đâu?  Câu trả lời chắc ai cũng hiểu….

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI