Ngập không phải là chuyện của… mùa nước nổi
Bà Trương Thị Mai - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 3, xã Phước Lộc - cho biết, 2 năm qua, nhờ có ngôi trường khang trang được xây dựng mới tại bờ tây kênh Cây Khô mà học sinh tiểu học ở ấp 3 không còn phải đi đò qua sông để đến lớp.
Tuy nhiên, nỗi bất an khi tuyến hẻm 291 dẫn từ đường Nguyễn Văn Ràng ra con đường chính của ấp đang xuống cấp trầm trọng, nước ngập mênh mông mỗi khi triều lên thì vẫn còn nguyên đó. Vì đây là con đường duy nhất đến trường nên chuyện học sinh té ngã xảy ra như cơm bữa.
|
Bà Trương Thị Mai - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 3, xã Phước Lộc - cho biết, học sinh ở Nhà Bè mỗi ngày vẫn khổ sở lội nước đến trường |
Ngoài hẻm 291, tuyến đường từ cầu Phước Lộc 1 đến Trường tiểu học Bùi Thanh Khiết và các trường mẫu giáo trên địa bàn xã Phước Lộc cũng thường bị ngập sâu. Bà Mai ý kiến: “Từ chân cầu nhìn xuống, thấy các cháu lội nước rất tội. Vì ngập không phải là chuyện thỉnh thoảng, không phải là chuyện của mùa nước nổi, nên mong lãnh đạo huyện có hướng giải quyết, nâng cấp đường, hẻm cho cao ráo để bà con đi lại thông thoáng, để các cháu học sinh không còn phải đến trường trên những “con đường đau khổ” nữa”.
Cùng trăn trở với bà Mai, bà Phạm Thị Thúy Hằng - ấp 1, xã Phước Kiển - thông tin, ngày 8/9 vừa qua, cầu Long Kiểng trên địa bàn xã chính thức thông xe sau hơn 2 thập kỷ “lận đận” đã mang lại 1 diện mạo mới cho khu vực. Nhìn đường sá khang trang, thông thoáng, bà con nhân dân rất phấn khởi.
Tuy nhiên, theo bà Hằng, cần tạm khép lại niềm vui để quan tâm giải quyết bất cập lớn vẫn đang tồn tại mà đối tượng đang chịu tác động chính là trẻ em. “Đây là khu vực tập trung 3 trường học đông học sinh, đó là Trường mầm non Vàng Anh, Trường THCS Nguyễn Văn Quỳ và Trường tiểu học Tạ Uyên. Thế nhưng, tuyến đường khu vực này bị ngập rất sâu và gần như ngập quanh năm. Các cháu học sinh đi xe đạp từ ấp 2 xuống ấp 1 học phải xắn quần, tháo giày, nhưng đến lớp, quần áo, giày dép vẫn ướt như chuột lột. Nhiều cháu bị cô giáo phạt khi đến lớp trong bộ dạng đó” - bà Hằng trăn trở và mong lãnh đạo quan tâm.
Ngoài chuyện đi lại khó khăn, bà Nguyễn Thị Mạnh (khu phố 7, thị trấn Nhà Bè) còn băn khoăn khi hiện nay, lao động nhập cư từ các tỉnh đến sống và làm việc trên địa bàn rất đông, nhu cầu gửi trẻ từ 6-36 tháng tuổi cũng tăng. Bà Mạnh đề nghị chính quyền địa phương quan tâm vì các trường mẫu giáo công lập trên địa bàn hiện nay không đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ cho con em công nhân, người lao động.
Các phản ánh, kiến nghị đều lóe lên giải pháp
Trước vấn đề bà Mạnh nêu ra, bà Lê Thị Oanh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè - cho biết, vấn đề mở thêm trường lớp để hỗ trợ phụ huynh yên tâm làm việc đã được đề cập tại hội nghị đối thoại năm 2022 và Phòng GD-ĐT huyện đã tiếp thu. Năm nay, phòng đã chỉ đạo Trường mầm non Tuổi Ngọc (thị trấn Nhà Bè) tổ chức thêm 1 lớp dành cho trẻ từ 6-18 tháng tuổi, với tổng số chỗ tuyển vào là 25 bé.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 1 trẻ đăng ký. Vì vậy, phụ huynh có con em trong độ tuổi có nhu cầu có thể đăng ký tại Trường mầm non Tuổi Ngọc. Ngoài ra, các trường mầm non Đồng Xanh (xã Long Thới) và Vàng Anh (xã Phước Kiển) cũng có lớp dành cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi. Hiện các lớp vẫn còn trống chỗ.
|
Ông Phạm Minh Huấn - Phó bí thư thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nhà Bè - ghi nhận các ý kiến phản ánh, đề xuất của cán bộ hội viên phụ nữ |
Liên quan đến các ý kiến phản ánh về việc học sinh khổ sở khi đến trường, ông Hà Minh Tân - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận - cho biết, đã nhiều lần gửi văn bản cho Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng TPHCM về việc nâng cấp các tuyến đường ngập nặng, đặc biệt là các tuyến đường gần trường học, gây bất tiện trong việc di chuyển của học sinh. Phòng Quản lý đô thị đã phối hợp với trung tâm hạ tầng của Sở Xây dựng khảo sát và kết luận: ngập là do triều và mưa, bởi mặt đường còn tốt. Do đó, để chống ngập, cần chờ triển khai hệ thống cống ngăn triều.
Riêng với việc nâng cấp các tuyến hẻm, ông Tân cho biết, cuối năm phòng sẽ phối hợp với các xã, thị trấn để đánh giá lại và nâng cấp, đặc biệt sẽ thực hiện nâng cấp theo thứ tự ưu tiên, vì nguồn kinh phí duy tu rất hạn hẹp.
Ông Phạm Minh Huấn - Phó bí thư thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nhà Bè - đánh giá: “Đây là những ý kiến chính đáng của các dì, các chị, nhằm góp phần vào việc xây dựng địa phương. Dù là phản ánh hay kiến nghị thì chúng ta cũng thấy lóe lên những giải pháp. Đây là cơ hội để chúng ta suy nghĩ thêm về trách nhiệm của từng ngành, từng đoàn thể liên quan”.
Về các điểm ngập, ông Huấn cho rằng, đây vẫn là nỗi nhức nhối của lãnh đạo huyện, cũng là vấn đề nhức nhối của cả thành phố. Để giải quyết vấn đề này, các cấp, các ngành đang xúc tiến rất nhiều giải pháp, và những giải pháp này, không thể một sớm một chiều mà phải căn cơ.
Ông Huấn cho rằng, đối với từng vụ việc, nếu từng địa phương, xã, thị trấn quản lý chặt địa bàn sẽ giải quyết tốt những kiến nghị này. Ông đề nghị lãnh đạo các địa phương nhìn nhận, kiểm tra những đầu việc, ngồi lại với nhau, có sự phối hợp để giải quyết những nguyện vọng chính đáng của bà con cử tri nói chung và của hội viên phụ nữ tại hội nghị đối thoại.
Người ít, nhiều việc, liệu công tác có thực hiện tốt như trước? Cùng ngày 21/9, Ban Thường vụ quận ủy Bình Thạnh đã tổ chức gặp gỡ - đối thoại với những cán bộ, hội viên phụ nữ tiêu biểu ở 20 phường trong quận. Trong buổi gặp gỡ, các cán bộ hội viên đã trình bày nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc sáp nhập khu phố, những chính sách hỗ trợ, phát triển lực lượng hội viên và những khó khăn trong hoạt động hội… Bà Cao Thị Xuân Dung - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 6, phường 25 - cho biết, việc sắp xếp lại khu phố, ấp theo Quyết định số 3009/QĐ-UBND của UBND TPHCM ảnh hưởng đến việc quản lý và thực hiện các phong trào hội, gây biến động số lượng hội viên. “Trước đây, tổ trưởng, tổ phó dân phố là nữ kiêm luôn tổ trưởng, tổ phó phụ nữ. Họ là người nắm bắt mọi tâm tư, tình cảm của hội viên và người dân. Sáp nhập lại như hiện nay, hoạt động hội chỉ còn tổ trưởng và chi hội trưởng thực hiện. Ít người làm nhưng công việc ngày càng nhiều, liệu rằng các phong trào, công tác chăm lo có được thực hiện tốt như trước hay không? Có thể quản lý và triển khai đầy đủ mọi hoạt động, thông tin đến người dân trên địa bàn không?” - bà Xuân Dung lo lắng. Để tháo gỡ khó khăn, bà Xuân Dung đề nghị Hội LHPN quận, phường có kế hoạch, chi tiết và rõ ràng, giúp chi hội khu phố giảm tải các vấn đề tư duy. Bà Đỗ Thị Kim Phụng - Chủ tịch Hội LHPN phường 17 - cho rằng, hiện nay cán bộ, hội viên cần được tập huấn, giao lưu học hỏi lẫn nhau. Ban thường vụ quận ủy cần có sự quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên tham gia công tác hội 2 nhiệm kỳ trở lên được luân chuyển công tác đến môi trường mới để họ tiếp tục cống hiến và thử sức mình ở môi trường mới. Từ đó, được học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay, nhằm góp phần phát triển tổ chức hội ngày càng vững mạnh. Tiếp thu ý kiến và những đề xuất trên, ông Vũ Ngọc Tuất - Bí thư quận ủy Bình Thạnh - đề nghị, các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là Hội LHPN quận phải quan tâm sâu sát, nghiên cứu, thực hiện các chính sách hỗ trợ liên quan đến cán bộ, hội viên phụ nữ; tổ chức các hoạt động giao lưu mang tính chất học tập, chia sẻ phù hợp với chị em hội viên phụ nữ các cấp; luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ để thực hiện tốt các phong trào, phát triển thêm lực lượng hội viên. Ngọc Trăm |
Thu Lê