Mong bóng đá nữ Việt Nam không còn bị “phân biệt đối xử”

31/05/2022 - 06:18

PNO - Nói đến bóng đá nữ Việt Nam, người ta thường nghĩ đến cái sự khổ của các cô gái lỡ bén duyên với trái bóng, việc bị phân biệt đối xử so với bóng đá nam… Điều đó vẫn hiện hữu, nhưng những điều tích cực cho một tương lai tươi sáng đang dần xuất hiện.

Trong hơn nửa thập niên qua, bóng đá nữ Việt Nam đã là thế lực hàng đầu ở Đông Nam Á khi ba năm liên tiếp vô địch SEA Games và nâng thành tích ở giải đấu này lên bảy chức vô địch. Mới nhất là chức vô địch SEA Games 31 hết sức thuyết phục trước Thái Lan.

Bóng đá nữ Việt Nam được chuyên nghiệp hóa giúp nhiều cầu thủ trẻ vững tâm cống hiến cho màu cờ sắc áo  (trong ảnh: Các tuyển thủ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam ăn mừng huy chương vàng SEA Games 31)
Bóng đá nữ Việt Nam được chuyên nghiệp hóa giúp nhiều cầu thủ trẻ vững tâm cống hiến cho màu cờ sắc áo (trong ảnh: Các tuyển thủ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam ăn mừng huy chương vàng SEA Games 31)

Những thành công của đội tuyển nữ đã kéo cổ động viên đến kín sân, cổ vũ cuồng nhiệt ở các trận đấu của thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung. Những thông tin về các cô gái áo đỏ cũng được nhắc đến nhiều. Khán giả thậm chí còn lưu luyến không muốn rời sân sau mỗi trận đấu… 

Ngôi sao một thời của bóng đá nữ Việt Nam Văn Thị Thanh chia sẻ: “Chiếc huy chương vàng lần này không hề may mắn, nó thể hiện bản lĩnh, sự tỏa sáng của các cá nhân và một số cầu thủ có sự trưởng thành ngoài sự mong đợi. Các cô gái của chúng ta đều cố gắng và bản lĩnh hơn ở tất cả các tuyến. Bóng đá nữ Việt Nam đang được xã hội quan tâm nhiều hơn và đó là động lực để các em thi đấu tốt”.

Cựu tuyển thủ Minh Nguyệt cũng nhìn nhận: “Bóng đá nữ Việt Nam thời gian gần đây được Nhà nước, người hâm mộ quan tâm nhiều hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Các câu lạc bộ (CLB) như Hà Nội, TP.HCM, Than khoáng sản Việt Nam… đã đào tạo được những lứa cầu thủ trẻ chất lượng. Và kết quả được thể hiện rõ ràng trên sân cỏ với tấm vé dự World Cup 2023 và huy chương vàng SEA Games 31”.

Nhưng nói đến bóng đá nữ, người ta thường nói đến cái nghèo. Đúng là có thời điểm, các CLB trong nước như Sơn La hay Thái Nguyên còn đứng trước nguy cơ giải thể vì không có tiền. Không ít cầu thủ phải dứt bỏ niềm đam mê, rẽ theo lối khác với hy vọng có cuộc sống tốt hơn. Nhưng mọi thứ đang dần thay đổi, bóng đá nữ đã có những dấu hiệu khởi sắc dần lên từ cơ sở. Các CLB bóng đá nữ cũng dần chuyên nghiệp như việc CLB nữ Hà Nội có nhà tài trợ, huấn luyện viên và giám đốc kỹ thuật đến từ Nhật Bản.

Mới đây, Thái Nguyên với sự đầu tư của một “ông lớn” đã “nổ phát súng đầu tiên” cho thị trường chuyển nhượng nữ cầu thủ khi chiêu mộ ba ngôi sao từ CLB nữ TP.HCM. Những lùm xùm đã xảy ra nhưng “tương lai của nữ cầu thủ” đã giành chiến thắng.

Văn Thị Thanh nhận xét: “Bóng đá nữ ngày một phát triển, các lớp kế cận cần được quan tâm hơn và tôi thấy Việt Nam đang làm tốt điều này”. Những thành công vang dội của các tuyển thủ nữ thời gian qua giúp việc tuyển sinh đào tạo bóng đá nữ cũng dễ dàng hơn trước. Sự tỏa sáng của những Huỳnh Như, Tuyết Dung, Hải Yến, Hoàng Thị Loan… khiến các em bé gái có người để thần tượng và mơ ước nối nghiệp, gia đình các em cũng dễ chấp nhận đầu tư cho niềm đam mê ấy…”.

Cựu tiền vệ Minh Nguyệt chia sẻ: “Thời chúng tôi, các gia đình thường lo con gái theo nghiệp đá bóng vất vả, tuổi nghề thì ngắn, chưa kể dễ bị chấn thương… Nhưng bây giờ thì khác rồi, tiền lương thưởng cao hơn, các em cũng năng động hơn lứa chúng tôi, có nhiều sự lựa chọn để lo kinh tế, biết kinh doanh song song với đá bóng… những điều này đã tác động, làm thay đổi suy nghĩ của các bậc phụ huynh”. 

Bóng đá nữ Việt Nam đã và đang thay đổi, mọi thứ đang tốt đẹp hơn. 

Bảo Khang

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI