Môn văn lạc lối bởi... vẽ rồng điểm mắt

03/11/2017 - 08:38

PNO - Văn học là môn học có lịch sử lâu đời nhất của nhân loại, bắt đầu từ văn học dân gian - tiếng nói chân xác nhất của mỗi dân tộc và là niềm tự hào của mỗi quốc gia.

Báo Phụ Nữ TP.HCM số ra ngày 30/10 có bài “Ai chịu trách nhiệm về thảm họa… tiếng Việt” đề cập đến thực trạng: không chỉ trẻ con mà ngay cả người lớn cũng đang góp phần làm cho tiếng Việt bị méo mó, dị dạng. Ngay sau khi đọc bài báo, bạn đọc Nguyễn Đức Hùng - một giáo viên ngữ văn bậc THPT tại TP.HCM - đã gửi cho tòa soạn bài viết dưới đây nhằm lý giải nguyên nhân cũng như chỉ ra cách thức để kéo tiếng Việt ra khỏi thảm họa. 

Mon van lac loi bỏi... vẽ ròng diẻm mát
Học sinh thích thú với việc nhập vai vào các nhân vật trong tác phẩm văn học - Ảnh: Phùng Huy

Văn học là môn học có lịch sử lâu đời nhất của nhân loại, bắt đầu từ văn học dân gian - tiếng nói chân xác nhất của mỗi dân tộc và là niềm tự hào của mỗi quốc gia. Vô lý thay, trong trường phổ thông Việt Nam, môn văn lại trở thành nỗi ngao ngán đến ghẻ lạnh với học trò! 

Đừng phức tạp, sẽ thấy tiếng Việt không hề khó

Mỗi dân tộc đều coi nền quốc văn của mình là giá trị thiêng liêng, sống còn, và nó bắt đầu từ tiếng mẹ đẻ. Nhưng, không cần ai phải dạy tiếng mẹ đẻ cho ai cả. Là vì, tất cả những đứa trẻ chỉ nghe rồi bắt chước và tự “suy ra” những quy tắc ngữ pháp. Cho nên, 3 - 4 tuổi, tự nhiên trẻ đã nói được câu hoàn chỉnh rằng: “Mẹ ơi, con muốn ăn bánh mì”. Đó là một câu chuẩn về thông tin, ngữ pháp và nghĩa. 

Nói và viết là hai hình thức thể hiện ngôn ngữ. Nói thành thạo là phản xạ bản năng và viết thành thạo thuộc về kỹ năng. Một cái cây không uốn nắn từ nhỏ, đến khi già thì khó mà điều chỉnh. Nguyên lý ấy, cha ông ta đã đúc kết. Tình trạng học sinh khi vào đại học vẫn còn viết sai chính tả là do ở bậc tiểu học không được rèn luyện chính tả một cách đều đặn, nghiêm túc. Trách nhiệm ấy thuộc về thầy cô đã thiếu dụng công và phụ huynh thiếu quan tâm bài vở của con từ tấm bé.

Bước vào cấp THCS và THPT, khi gánh nặng chính tả còn ngổn ngang, các em lại phải đối diện với các loại tu từ phức tạp: tu từ cú pháp, tu từ ngữ âm, tu từ từ vựng… Nhưng, vai trò chính của ngôn ngữ là thông tin. Giáo viên nếu không nhận ra điều này, sẽ nhồi nhét cho học trò hàng trăm khái niệm về tu từ rất đỗi trừu tượng, khiến các em hoang mang, hoảng sợ mà lạc lối trong viết câu. Hãy nhớ rằng, nhiệm vụ của thầy cô ở bậc phổ thông không phải dạy cho các em nghiên cứu về tu từ học và bản thân giáo viên cũng chưa chắc đủ tầm vóc đó. Chỉ cần yêu cầu học trò viết câu đủ 3 yếu tố sau đây, thì mọi việc trở nên nhẹ nhàng:

a. Câu phải rõ thông tin và nghĩa.

b. Ý này với ý kia phải phân chia bằng dấu chấm hoặc liên từ (hãy đơn giản như vậy trước khi nói đến các dấu khác trong câu).

c. Phải dùng ngôn ngữ đại chúng và tránh ngôn ngữ dung tục (trừ khi viết truyện, nhật ký, thư… thì được phép dùng ngôn ngữ địa phương, ngôn ngữ 
đời thường).

Đừng làm phức tạp vấn đề, đừng quá hàn lâm máy móc theo sách vở, ta sẽ thấy tiếng Việt không hề khó, bởi ta đã tiếp thu nó từ khi còn là thai nhi.  

Văn học là môn học có lịch sử lâu đời nhất của nhân loại, bắt đầu từ văn học dân gian. Cho nên, khi chứng kiến Liên đoàn Bóng đá Colombia nhọc nhằn vận động đưa World Cup về đất nước mình, ngài Tổng thống Santos của nước này đã lên tiếng: không cần phải đưa World Cup về Colombia vì chúng ta đã có Márquez với Trăm năm cô đơn. Cuốn tiểu thuyết đoạt giải Nobel này đã là điều khiến tổng thống nước này tự hào ngất ngây.

Mon van lac loi bỏi... vẽ ròng diẻm mát
 

Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến thăm Việt Nam năm ngoái cũng trân trọng ngâm nga câu Kiều “Rằng trăm năm cũng từ đây” của đại thi hào Nguyễn Du, nhằm gửi một thông điệp hữu nghị. Thử hỏi có ai trong chúng ta khi nghe mà không thích thú, tự hào? Vô lý thay, trong trường phổ thông Việt Nam, môn văn lại trở thành nỗi ngao ngán đến ghẻ lạnh với học trò. Tại sao?

Văn miêu tả ở bậc tiểu học, trước tiên là phải đúng. Vậy, sao không cho học trò làm “phép liệt kê”, sau đó “mượt mà” nó ra và tô điểm bằng chút “cảm tưởng”? Ví dụ, khi tả một buổi chào cờ, trước hết là “liệt kê”: sân trường có cột cờ, học sinh và thầy cô sắp hàng, trang nghiêm, âm thanh và những hoạt động diễn ra…

Kế đến là “mượt mà”: âm thanh phát ra hùng hồn hay não nề; sân trường đầy bóng mát hay lầy lội, hoặc nắng chói chang; bầu trời xanh trong hay ủ ê… Cuối cùng là “cảm tưởng”: mong chờ đến buổi chào cờ như thế nào; hoặc không mong chờ, vì sao?

Lạc lối

Nhiều người cho rằng, đang có sự lạc lối trong cách học văn và dạy văn trong trường phổ thông hiện nay. Là người dạy văn và biên soạn nhiều sách tham khảo, tôi cho rằng lỗi đầu tiên thuộc về phụ huynh khi thiếu quan tâm và thích đổ thừa. Các bậc phụ huynh sẽ nói rằng “tôi không giỏi văn để mà dạy con”. Thế các bạn có bao giờ đưa con mình đi nhà sách chưa? Nếu bạn nói “không có thời gian” thì hẳn bạn không biết sắp xếp.

Còn nếu bạn nói “không có tiền” thì bạn chưa quan tâm đúng mức đến con mình và ngôi trường nơi con mình đang học, nơi đó có thư viện luôn mở cửa đón chờ học trò đến đọc sách và mượn sách miễn phí. Đó là chưa kể, khi có sách rồi, bạn còn phải thường xuyên cùng con đọc và hỏi con cảm nghĩ gì về nội dung sách, về những nhân vật trong sách… 

Có rất nhiều cách để giúp con mình tiếp cận nhanh khi học môn tiếng Việt thời thơ bé và môn văn khi lớn lên. Nếu được chỉ bảo đúng cách, các em sẽ dần có sự tự giác và tìm thấy niềm vui trong sáng khi đọc sách, tự nhiên sẽ giàu ý tưởng, từng bước hoàn thiện mình.

Nhiều người dị ứng với văn mẫu. Nhưng nếu được thầy cô hướng dẫn, có lòng tự tôn, tự trọng và cá tính thì văn mẫu giúp các em thấy cái hay của văn bạn mà nỗ lực, tìm kiếm cái hay cho riêng mình. Học văn đơn giản chỉ có vậy, vì ta có sẵn tiếng mẹ đẻ rồi. Nếu không, các em sẽ lạc lối trong môn học quan trọng này. Cho nên, ý thức phải học như thế nào mới là vấn đề quan trọng.

Bộ môn nào cũng có đặc thù và văn cũng thế. Dù chương trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế thế nào thì bản chất của môn văn về giáo dục con người vẫn không thay đổi. Điều quan trọng là chúng ta cần phải làm gì, vì “có kiến thức mà không có phương pháp thì thiên tài cũng lạc lối”. Đây là lý do khiến học sinh vẫn phải đến lớp nghe thầy cô giảng bài.

Tại sao chúng ta áp đặt học trò phải nhớ từng sự kiện, chi tiết nhỏ nhất của văn học sử, trong khi điều đó không cần thiết. Hà cớ gì phải bắt học trò nhớ Nam Cao sinh năm nào, mất năm nào, có mấy con, quê quán ở đâu, thay vì chỉ cần nhớ hai ý: Nam Cao là một trong những nhà văn xuất sắc thuộc trào lưu văn học hiện thực phê phán của Việt Nam giai đoạn 1930-1945 và phong cách sáng tác của ông. 

Bắt học trò học thuộc những bài văn mẫu dài lê thê đang là nỗi nhức nhối của cách dạy văn hiện nay, trong khi giáo viên, thậm chí các nhà biên soạn sách, thuộc lấy vài trang là điều không thể. 

Cứ tưởng tượng, với đề bài "Nhìn mặt trời và hãy nói về tình yêu cuộc sống" mà cả 40 - 50 học sinh đều có chung một bài văn mẫu thì nó hài hước và tổn thương đến tự do tư duy và xúc cảm của học trò đến nhường nào. Chẳng thế mà mới đây, một du học sinh Việt Nam đã viết đơn “ly dị” môn văn, bởi lẽ em đã phải học rất nhiều về văn nghị luận nhưng ra nước ngoài lại lúng túng khi phải trình bày một khóa luận nhỏ. Theo du học sinh này, “100 con mèo Việt Nam thì 99 con giống nhau ở đôi mắt như hòn bi ve”. 

Cũng cần phải nói thêm rằng, góp phần vào sự ngao ngán trong cách dạy văn hiện nay còn là chuyện tính điểm tốt nghiệp. Với cách tính điểm như hiện giờ, học trò sẽ chẳng thèm học (trừ những em muốn vào đại học tốp trên) cũng được cho điểm 7, điểm 8 (trong học bạ), đi thi chỉ cần đạt điểm 2, điểm 3 là… đủ điểm đậu. “Chiêu” này xuất phát từ các trường dân lập rồi lan rộng sang các trường công lập. 


Nguyễn Đức Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI