Môn tích hợp bậc THCS trong Chương trình GDPT 2018 đang bị “hiểu lầm”

19/03/2023 - 10:07

PNO - Trong buổi làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn ĐBQH TPHCM, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nêu rõ, môn tích hợp bậc THCS chỉ là môn khoa học thường thức, với yêu cầu và đòi hỏi rất thấp, không gây áp lực quá tải cho học sinh song hiện đang bị “hiểu lầm”, xoáy mạnh vào kiến thức lý, hoá, sinh khiến cho môn học nặng nề, áp lực cho giáo viên.

Đi đến đâu, giáo viên cũng kêu “được đào tạo đơn môn sao phải dạy đa môn”?

Trong buổi làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn ĐBQH TPHCM sau quá trình giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, đoàn giám sát đi đến đâu cũng thấy giáo viên kêu rằng “chúng tôi được đào tạo đơn môn mà phải dạy đa môn”. Bà đặt vấn đề: như vậy, việc giảng dạy tích hợp đã thực sự hiệu quả?

Qua quá trình giám sát thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại TPHCM, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM cũng nêu ra bài toán việc dạy học liên môn có triển khai được hay không, nếu không được thì do đội ngũ hay do đâu để có sự điều chỉnh phù hợp.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho hay, môn khoa học tự nhiên đang bị hiểu chưa đúng tinh thần
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho hay, môn khoa học tự nhiên đang bị hiểu chưa đúng tinh thần

Bà đánh giá tại TPHCM các trường và giáo viên đều rất cố gắng để dạy các môn tích hợp, đi tập huấn, bồi dưỡng để được cấp chứng chỉ giảng dạy. Tuy nhiên, ở một số trường thì giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình, giáo viên cảm thấy chưa an tâm khi đứng lớp giảng dạy. Có một số trường hợp như ở quận Gò Vấp, giáo viên chưa an tâm thì dạy riêng từng môn. Với các trường khác thì để dạy tích hợp, giải pháp đưa ra là họp tổ bộ môn để gỡ khó…

“Các quận, huyện đều nói rằng tổ bộ môn của nhà trường phải họp thường xuyên, giáo viên kêu vướng là tìm cách khắc phục. Nhiều tổ trưởng bộ môn cho biết gần như tuần nào cũng họp bộ môn để các thầy cô khó khăn khi giảng dạy có sự điều chỉnh giúp thầy cô tự tin, an tâm hơn khi đứng lớp. Dù giải pháp này giúp giáo viên tự tin hơn khi đứng lớp nhưng đã tạo ra áp lực rất lớn cho không chỉ các tổ bộ môn mà còn là các nhà trường…”- bà Văn Thị Bạch Tuyết bổ sung thêm. 

Tương tự, ông Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên thường trực Ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng nhìn nhận, hiện nay giám sát cho thấy đang vướng mắc ở các môn tích hợp. Môn lịch sử - địa lý, khoa học tự nhiên ban đầu có thể không gặp khó khăn gì lắm, một người có thể dạy được nhưng các thầy cô chia sẻ rằng nếu tiếp tục triển khai thì khó khăn rất nhiều. Bởi cấp dưới kiến thức chưa chuyên sâu nhưng cấp lớn hơn thì chuyên sâu hơn, lúc đó giáo viên lý chưa chắc đã giải được hoá, sinh.

"Khi học sinh hỏi sâu về lĩnh vực mà giáo viên không phải chuyên sâu mà thầy cô không trả lời được thì rất ảnh hưởng đến hình ảnh thầy cô" - ông nhận định. 

“Môn tích hợp bậc THCS chỉ là môn khoa học thường thức với yêu cầu rất thấp”

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nêu rõ, tính ưu việt của Chương trình GDPT 2018 thể hiện rất rõ trong các môn tích hợp ở bậc THCS, đảm bảo không gây quá tải, áp lực cho học sinh ở cấp THCS. Do vậy, cần hiểu tinh thần của chương trình một cách đầy đủ nhất.

Tuy nhiên theo ông, hiện nay với các môn tích hợp lại đang bị giáo viên, xã hội xoáy mạnh vào vấn đề phần kiến thức nào là hoá, phần nào là lý, phần nào là sinh và như thế đang làm nặng thêm chương trình. Cái khung chương trình là môn khoa học tự nhiên, do vậy chúng ta cần nhìn đây là một môn khoa học thường thức với đòi hỏi yêu cầu rất thấp.

“Tôi đã đề nghị các phòng chuyên môn của Sở GD-ĐT đi dự giờ một số giờ dạy môn khoa học tự nhiên ở quận Gò Vấp mà cho rằng áp lực, khó khăn, thì rõ ràng giáo viên này có đi tập huấn, bồi dưỡng nhưng chưa lĩnh hội được tinh thần giảng dạy môn khoa học tự nhiên của chương trình. Đó là chỉ giảng dạy kiến thức phổ thông nền tảng chứ không phân biệt kiến thức này là hoá, lý, sinh; chỉ yêu cầu học sinh hiểu các kiến thức này ở mức cơ bản về kiến thức khoa học tự nhiên, không làm nặng thêm chương trình”- ông nói thêm.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu cho hay, trong năm 2018, khi Bộ GD-ĐT chỉ vừa ban hành chương trình thì TPHCM đã lo làm nội dung bồi dưỡng tập huấn giáo viên dạy môn tích hợp. Khi đó Sở GD-ĐT đã làm việc với ĐH Sài Gòn xây dựng một số module, nội dung để bắt đầu bồi dưỡng vào năm 2019. Tất cả giáo viên được bồi dưỡng tham gia giảng dạy. Thời gian qua, Sở cũng đã liên tục làm việc với ĐH Sài Gòn để có những chủ đề, tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn thêm cho giáo viên.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay ở bậc THCS không còn giáo viên lý, hoá, sinh nữa 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, Chương trình GDPT 2018 đặt ra yêu cầu đổi mới mục tiêu, đổi mới nội dung theo hướng tinh giản, tích hợp mạnh ở cấp học dưới, phân hoá dần cấp học trên. Bậc Tiểu học, THCS cố gắng lồng ghép những nội dung kiến thức có phần chung nhau ở một số lĩnh vực để hình thành môn học tích hợp. Ở THPT cho học sinh học 1 số môn bắt buộc, tăng cho học sinh tự chọn các môn học và chuyên đề giáo dục.

“Môn khoa học tự nhiên bậc THCS thiết kế trên nền tảng của khoa học vật lý, hoá học, sinh học, thêm các kiến thức khác nữa chứ không phải chỉ riêng lý, hoá, sinh. Như vậy, chỉ còn lĩnh vực khoa học vật lý, lĩnh vực khoa học sinh học, lĩnh vực khoa học hoá học chứ không còn giáo viên lý, hoá, sinh ở bậc THCS nữa. Khi giáo viên lên lớp dạy thì dạy với lĩnh vực trên tinh thần này”- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phân tích.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI