Món quà trị giá hơn tờ vé số độc đắc cho vợ chồng nghèo

25/05/2018 - 06:00

PNO - Người chồng âu yếm gọi đôi mắt vừa mới ghép giác mạc của vợ là món quà trời cho. Với người nông dân nghèo này, giải độc đắc cũng không thể nào bằng đôi mắt sáng cho vợ.

Tái sinh những cuộc đời vô vọng

Bài 1: Món quà Giáng sinh cho một người suy thận

Bài 2: Người được thần may mắn chỉ định ghép tim đến 2 lần

Đã lâu lắm rồi, có khi đã trên 20 năm, dáng hình con cái, bạn bè và cả người chồng bên tay gối cũng chỉ là một cái bóng mờ. Mọi thứ hẳn nhiên sẽ trôi dần đi cho đến ngày tận cùng sự sống, nếu như không có những điều ngẫu nhiên xuất hiện…

Một ngày cuối tháng 3/2018 ở tỉnh Đ., người vợ hay tin chồng bị tai nạn giao thông. Bác sĩ thông báo nạn nhân đã chết não. Trong cơn hoang mang, người phụ nữ được một người bà con khuyên: hãy cho đi một phần thân thể của anh ấy như ước nguyện anh đã từng nói. Cái gật đầu e dè sau đó ít phút của người phụ nữ giờ thành góa bụa đã giúp thay đổi cuộc sống của những "phận đời mờ ảo".

Mon qua tri gia hon to ve so doc dac cho vo chong ngheo
Con mắt bên phải sau ghép giác mạc của một bệnh nhân bị suy giảm thị lực

Tờ vé số sổ xố kiến thiết hiện nay có trị giá giải đặc biệt lên đến 2 tỷ đồng. Với vợ chồng ông Đặng Văn Cu (63 tuổi, sống ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM), số tiền này chỉ có trong giấc mơ hão huyền.

Bởi với công việc làm nhang, ông Cu chỉ được người ta trả công 6.000 đồng mỗi kg nhang cây sau khi giặt rửa sạch từ những cây nhang bể. Mỗi tháng thu nhập của họ khoảng 2 triệu đồng. Nhưng ông xem tờ số độc đắc chẳng thể nào bằng con mắt sáng của vợ ông – bà Nguyễn Thị Thanh (64 tuổi).

Những đôi mắt cũ mòn vì chờ nhau

26 năm về trước, sau khi sinh đứa con út, đôi mắt của bà Nguyễn Thị Thanh cứ mờ dần không rõ lý do, nhất là mỗi lúc bà lên cơn sốt do bệnh cảm. Đôi mắt đỏ ngầu, sưng đau và giảm thị lực. Vào thời điểm năm 1992, chuyện đi khám bệnh với người dân ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh này còn là điều quá xa xỉ. Bà Thanh cứ để mặc kệ cho thị lực dần lụi tàn.

Mon qua tri gia hon to ve so doc dac cho vo chong ngheo
Bà Nguyễn Thị Thanh, nay 64 tuổi 

Khi con gái út được 6 tuổi, cũng là lúc bà bị tai nạn va đập khuôn mặt vào cây cột nhà, con mắt phải của bà Thanh tắt hẳn ánh sáng. Cảm giác khi đó được bà mô tả lại là sau cơn choáng váng, bà thấy những tia tia, chớp chớp trong con mắt phải. Con mắt này hiện nay đã kéo lớp màng đục. Nhìn vào có cảm giác như lòng đen bị vỡ.

Những cái bóng đã mờ lại càng thêm nhòe nhoẹt. Không phải là tối đen như mực với đôi tay lần mò như người mù, nhưng ở khoảng cách vài mét, bà chỉ thấy sự vật là hình bóng mơ hồ. Hình dáng và khuôn mặt của người chồng đã mãi là hình dáng và khuôn mặt của một người đàn ông trung niên dù cho hàng chục năm đã trôi qua. 

Mon qua tri gia hon to ve so doc dac cho vo chong ngheo
Các bác sĩ trong một ca ghép giác mạc cho bệnh nhân nghèo tại TP.HCM

Nhưng bà vẫn cùng chồng tìm đường mưu sinh. Ông Đặng Văn Cu – chồng bà, dù chỉ còn một chân thật, chân kia chỉ là chân gỗ vẫn luôn là cây cột trụ trong nhà. Ông Đặng Văn Cu nhớ lại cái thời cách đây hàng chục năm, ở vùng Lê Minh Xuân này, sông rạch còn nhiều. Cá thu vùng nước mặn còn bơi vào đây sinh sống.

Ban đêm đi xuồng trên sông, cá nổi lên sáng như đôm đốm. Mỗi ngày ông chở bà trên xuồng đi bắt cá đem bán cũng đủ nuôi cả gia đình 8 miệng ăn: hai vợ chồng và 1 con trai, 5 con gái.

Với đôi mắt lờ mờ như thế, bà Thanh sáng sáng đem cá tôm ra bán. Những đứa con thay phiên nhau dắt mẹ ra đường, dẫn mẹ đi chợ. 26 năm như thế, quên chân quen tay, bà Thanh vẫn đảm đang như lẽ thường của một người phụ nữ: vẫn nấu cơm, nấu canh, kho cá. Bà bảo: “Cá nào cô cũng làm được, quen rồi. Phải làm đại chứ chẳng lẽ lại ngồi không. Kỳ lắm”.

Mon qua tri gia hon to ve so doc dac cho vo chong ngheo
Vợ chồng ông Cu bà Thanh trong căn nhà tuềnh toàng ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM

Chồng bà với đôi chân bên thật bên giả hàng chục năm rồi vẫn luôn can trường gánh vác cho gia đình. Có dạo nhìn bà lầm lũi đi lại trong căn nhà, ông buộc miệng nói: "Hay tui đi hiến giác mạc để ghép cho bà sáng mắt. Mỗi người một con mắt là đủ dùng rồi”.

Bà nghe vậy cũng chỉ cười rồi can chồng vì chẳng may hiến một con mắt, con còn lại lỡ bị đui luôn thì khổ cả 2 vợ chồng. Một mình ôm gánh nặng trên vai, ông Đặng Văn Cu bảo rằng chưa một ngày ông nản chí: “Người này bệnh người kia lo mới đúng là vợ chồng chứ. Chán thì bỏ cho ai. Phải ở với nhau cho trọn vẹn cái nghĩa”.

Nhờ rắn cắn mà có cơ hội được chờ ghép giác mạc

Căn nhà của vợ chồng bà Thanh nằm trong hẻm sâu của một dự án treo hàng chục năm nên nhà cửa tạm bợ. Xung quanh là cây cỏ um tùm xanh mướt. Cách đây 2 năm, khi vừa ngủ dậy, những đứa con phát hiện có con rắn lục đang chui trong mùng của mẹ. Sau khi bắt con rắn ra ngoài, sợ mẹ bị rắn cắn, cả nhà đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau khi xem xét, các bác sĩ cười xòa vì thật ra bà không bị rắn lục cắn.

Nhưng may mắn hơn, một bác sĩ nhìn thấy con gái dẫn bà Thanh lần mò đi trên hàng lang bệnh viện đã dừng lại hỏi thăm, xem xét đôi mắt của bà.

Sau đó, nhờ bác sĩ Ngô Văn Hồng, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy xuống khám lại đôi mắt. Lúc đó, các bác sĩ nhận định vẫn có cơ hội chữa trị đôi mắt bà Thanh bằng cách ghép giác mạc. Vậy là tên bà được thêm vào danh sách chờ ghép giác mạc.

Mon qua tri gia hon to ve so doc dac cho vo chong ngheo
Một ca ghép giác mạc

Câu chuyện ghép giác mạc rồi cũng bẵng đi một thời gian. Bà Thanh lại trở về với căn nhà xung quanh kênh rạch và um tùm cỏ dại, với mớ rau và con cá mỗi ngày. Ở tuổi 64, bà có thêm công việc giữ trẻ. Đó là 2 đứa cháu nội, 11 đứa cháu ngoại của 6 đứa con.

Khoảng sân rộng mà ông Cu – chồng bà Thanh để trống không cho bà có không gian đi lại nay trở thành một địa điểm lý tưởng cho lũ trẻ vui chơi, nghịch ngợm.

Chiều tối một ngày thứ năm của đầu tháng 4/2018, 1 trong những 6 đứa con của bà Thanh nhận được cuộc gọi từ Bệnh viện Chợ Rẫy nhắn bà lên gấp để được ghép giác mạc.

Sáng sớm hôm sau, khoảng tầm 5 giờ sáng, hai vợ chồng dậy sớm mua vội 2 ổ bánh mì để nhai đỡ khi chờ khám ở bệnh viện. Mất trọn một ngày để làm các xét nghiệm cần thiết.

11 giờ trưa ngày hôm sau, bà Nguyễn Thị Thanh được đưa vào phòng mổ để bác sĩ ghép giác mạc – món quà được hiến tặng từ một người đàn ông chết não sau tai nạn giao thông.

Mon qua tri gia hon to ve so doc dac cho vo chong ngheo
Họ phải chờ đợi hàng chục năm mới có thể lại được nhìn thấy nhau trong cuộc đời thực này

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên được ghép giác mạc của bà Thanh. Năm 2002, con mắt trái của bà được ghép lần đầu tiên tại Bệnh viện Mắt TP.HCM nhưng vẫn không thành công. Hai vợ chồng khi đó đã mừng mà mắt vẫn không sáng. Lần này, họ vẫn nuôi hy vọng.

2 ngày sau khi ghép giác mạc, nhìn thấy bà Thanh vừa đi vừa vén lớp gạc trên mắt để nhìn đường, ông Đặng Văn Cu cứ mừng rỡ: “Bà ơi. Đây là món quà trời cho. Mừng còn hơn trúng số bà ơi”.

Mon qua tri gia hon to ve so doc dac cho vo chong ngheo
Bà Nguyễn Thị Thanh bên những đứa cháu của mình

Sau ghép, mắt bà Thanh nhìn được rõ vật và màu sắc, dù chưa được như người thường nhưng có thể phân biệt được người này với người kia. Vậy là nhờ một món quà vô giá, họ đã lại “gặp” nhau một lần nữa, sau 26 năm mỏi mòn vì chờ đợi.

Mon qua tri gia hon to ve so doc dac cho vo chong ngheo
 

Ghép giác mạc là phẫu thuật có tỷ lệ thành công cao nhất trong ghép mô tạng. Nguồn lấy giác mạc chủ yếu là từ tử thi và gần đây được lấy từ bệnh nhân chết não. Hai trường hợp ghép giác mạc từ người chết não đầu tiên thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy là vào tháng 12/2015.

Hai giác mạc của một người chết não được dùng để ghép giác mạc cho 2 nam bệnh nhân sinh năm 1982. Một người bị sẹo giác mạc trên 10 năm, một người bị sẹo giác mạc trên 20 năm. 2 tháng sau ghép giác mạc, thị lực cải thiện từ bóng bàn tay lên 2/10.

Từ năm 2014 đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy có 19 giác mạc được hiến nhân đạo (7 trường hợp ghép tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 12 trường hợp ghép tại Ngân hàng mắt, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM).

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI