Món quà Tết của ba

24/02/2015 - 06:34

PNO - PN - Tết đến, khi mọi người rộn rịp chuẩn bị đón mừng năm mới thì ba tôi lại loay hoay mua giấy đỏ, mực tàu và những tấm mành mành để bắt đầu viết chữ thư pháp.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Tuy không học qua khóa nào, nhưng với “hoa tay thảo những nét - như phượng múa rồng bay” ba viết rất khéo với nét cọ bằng mực tàu vừa uyển chuyển, mềm mại, vừa sắc sảo, tinh tế.. Ở mỗi tấm liễn, ba tôi viết thường thì chỉ một chữ, nhiều lắm cũng độ bốn năm chữ! Lâu lâu mới viết chữ thành những câu thơ, câu đối...

Lúc đầu, ba chỉ viết treo trong nhà trang trí cho vui; sau đó là món quà mừng tuổi cho con, cho cháu. Năm nào cũng vậy, sau khi họp mặt đón giao thừa xong, các con, các cháu vui sướng mang về món quà lì xì đặc biệt của ông. Đó là tờ giấy đỏ có viết những chữ có ý nghĩa như: Phúc, Lộc, Hạnh, Nhân, Nghĩa, Lễ, Đức, Tâm, Vạn sự như ý…

Bà con, làng xóm đến chúc Tết, thấy chữ đẹp cũng nhờ ba viết dùm. Rồi bạn bè, người quen đến chơi, thấy chữ đẹp, xin chữ về treo lấy hên. Có năm đến ngày mồng hai, mồng ba Tết, ba tôi vẫn còn phải lui cui viết, vẽ để đáp lại lòng mến mộ của mọi người.

Căn cứ vào đặc diểm, việc làm của mỗi người mà ba tôi tặng chữ cho phù hợp. Nhà buôn bán thì ba viết chữ “Lộc”. Nhà có đông con nít thì ba viết chữ “Học”, chữ “Trí ” để nhắc các cháu ráng học. Ai nhiều âu lo ba cho chữ “An”. Ai than buồn ba khuyên bằng chữ “Lạc”. Vợ chồng mới cưới, ba tôi tặng cho hai chữ “Hạnh phúc”. Các ông cụ, bà cụ, ba trân trọng biếu cho chữ “Thọ”. Nhà có làm ăn thì tặng chữ “An khang, thịnh vượng”- “Thuận buồm xuôi gió”. Nhà giáo, nhà văn đến chơi, ba phóng bút thảo chữ “Tâm”. Mừng tân gia ba nắn nót chữ “Vạn sự cát tường”. Mọi người đều quí quà của ba tôi!

Mon qua Tet cua ba
Thông thường, ba tôi viết theo yêu cầu của người xin chữ
 

Những người con hiếu đến nhờ ba tôi viết dùm những câu ca dao nhớ ơn cha mẹ như: “Công cha như núi Thái sơn….” ; “Mẹ là nải chuối buồng cau”- “Con dù lớn vẫn là con của mẹ - đi hết đời lòng mẹ dõi theo con”.

Nhưng cũng có khi ông không viết theo yêu cầu của khách.

Mấy người cháu mê làm giàu mà quên dạy con, ba không viết chữ “Phú”, “ Quí” để tặng như yêu cầu mà trao cho chữ “Nhân”, chữ “Nghĩa”. Có vài người mới tốt nghiệp ra trường nhờ ba viết chữ “Tài” nhưng ông già lại thâm ý viết luôn câu: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” để tặng. Nhà có anh em hay mâu thuẫn, cãi nhau, ông tặng hai tấm liễn: ”Gia Hòa vạn sự thành- Tử hiếu song thân lạc”. Không ai phản đối mà còn vui vẻ đón nhận lời khuyên ý nhị, sâu sắc của ông cụ được gửi gắm qua nét chữ thư pháp.

Một anh bạn rất thích nét chữ mềm mại của ba tôi, bèn nhờ ông viết bài thơ do anh sáng tác vào bức liễn mành trúc. Bạn anh, từ bên Mỹ về, nhìn thấy thích quá bèn mua cả chục tấm mành trúc, đến nhờ ba tôi viết vào đó những câu ca dao mộc mạc ở quê nhà để đem qua bên ấy tặng bạn bè. Thế là ba được dịp giới thiệu sản phẩm của mình bằng nét chữ đậm đà tính dân tộc: “Anh đi anh nhớ quê nhà - nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”… “Thuyền ai thấp thoáng bên sông - nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non”…Tôi thấy, lúc ấy ba rất vui vì chữ của mình được “xuất ngoại” và lần này chữ làm nhiệm vụ rất thiêng: nhắc người xa xứ nhớ tới quê hương, hướng về nguồn cội…

Cứ thế, cứ thế, ba tôi miệt mài, cặm cụi viết, vẽ. Có bao nhiêu tiền con cháu cho, ba dành hết cho việc mua mực tàu, giấy đỏ và những tấm mành mành. Càng ngày nét chữ của ba tôi càng điêu luyện hơn và có thêm nhiều người ái mộ. Không chỉ viết trong dịp Tết mà hầu như ba tôi viết quanh năm vì số người thích chữ thư pháp ngày càng nhiều. Đối với bạn bè, ông coi như là món quà tinh thần, là lời chúc tốt lành trao tặng họ. Còn đối lớp trẻ, ông dùng chữ của người xưa để nhắc nhở họ sống đẹp.

Mon qua Tet cua ba
 

Có người nói: “Sao bác không viết để bán. Thời buổi bây giờ người ta chuộng chữ thư pháp, bác bán chắc là được nhiều tiền lắm!”. Ba tôi nói: “Bán đi, tiền ăn bao nhiêu cũng hết, tặng chữ, chữ còn, tình nghĩa còn! Như vậy cũng thấy vui lắm rồi!”

Là con của ba, tôi rất hãnh diện khi đến các nhà trong xóm, nhà bạn bè, người thân.. nhà nào cũng có treo chữ của ba ở nơi trang trọng, dễ thấy, dễ đọc. Nhà tôi cũng treo nhiều chữ của ba. Thấy chữ đẹp, bạn bè thường hay xin về treo. Mỗi năm, gần Tết, tôi phải đặt hàng trước để ba viết cho vài chục chữ để tặng bạn. Nhưng tặng chữ gì thì tặng, tôi vẫn giữ lại chữ “Tâm” và chữ “Đức” treo trang trọng ở phòng khách, coi như lời dạy dỗ quý báu của ba tôi. Tôi muốn các con tôi mỗi ngày nhìn vào chữ của ông ngoại để cố gắng rèn luyện hai chữ ấy trong suốt cuộc đời.

Tôi biết ba tôi rất hạnh phúc khi đã hơn 85 tuổi mà còn vẫn làm việc có ích. Bằng nét chữ thư pháp, ba tôi đem niềm vui đến cho mọi nhà, mọi người nhân dịp xuân về.

 

TRẦN THỊ MINH THI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI