Những ngày cuối năm, nhìn phố xa tất bật nhộn nhịp, mọi người mua sắm chuẩn bị tết mà lòng tôi nặng trĩu. Số tiền còn lại trong tài khoản chỉ còn mấy triệu đồng, chi tiêu dè xẻn còn không đủ, nói gì đến việc sắm sửa. Chồng tôi đi ra đi vào, thỉnh thoảng buông tiếng thở dài. Gần 10 năm xa quê, lần đầu tiên gia đình tôi ở lại thành phố đón tết với tâm trạng mệt mỏi vì không có tiền.
Những năm trước, qua nửa tháng Chạp, nhà tôi đã bắt đầu chộn rộn đặt vé xe, mua sắm quà cáp để về quê đón tết. Năm nay, do tình hình dịch bệnh cộng thêm khó khăn về kinh tế, vợ chồng tôi quyết định ở lại thành phố. Chúng tôi đã thông báo cho gia đình nội ngoại từ tháng trước để ông bà khỏi trông mong con cháu về.
|
Mỗi lần về quê, tôi mua quà cho mẹ chồng và luôn tỏ ra mình hơn chị em bạn dâu. Ảnh minh họa |
Tôi chỉ định mua sắm vài thứ đơn giản để chuẩn bị tết cho gia đình bởi tài chính đã cạn kiệt. Vợ chồng tôi đều lần lượt nhiễm bệnh rồi thất nghiệp, bao nhiêu tiền bạc đều dốc ra để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bây giờ, tình hình đã ổn định nhưng khó khăn trước mắt còn nhiều khi cả hai vợ chồng chưa tìm được việc làm mới. Tất cả những chuyện xảy ra với gia đình, chúng tôi đều giấu mọi người ở quê.
Thấy chồng thở dài mệt mỏi, tôi biết anh rất buồn vì tết không về quê được. Tôi tính vay mượn để về nhưng tính đi tính lại khoản chi phí đi lại quà cáp, tôi không dám liều. Mọi năm, toàn bộ tiền lương thưởng của hai vợ chồng đều dồn cho chuyến về quê cuối năm.
Nhưng năm nay, chúng tôi đều thất nghiệp, tiền sinh hoạt còn không đủ, lấy đâu ra chi phí để về. Vì không muốn ba mẹ lo lắng, chồng tôi không dám nói thật về tình hình hiện tại của gia đình.
Nhà chồng tôi chỉ có hai anh em, anh trai ở nhà làm nông gần ba mẹ, chồng tôi đi lập nghiệp xa nhà. Ở nhà có việc gì, chồng tôi cũng nhận phần đóng góp nhiều hơn để anh chị đỡ vất vả. Anh bảo, anh chị đã chăm sóc cho ba mẹ hàng ngày, mình thêm chút tiền thì đã làm sao.
Mỗi lần về quê, anh nhắc tôi phải mua quà cáp cho gia đình anh trai chu đáo. Lúc mới cưới, tôi nghĩ thầm trong lòng, làm vậy chẳng công bằng, sao chúng tôi lại phải có trách nhiệm lo cho gia đình anh trai.
Tôi và chị dâu ít nói chuyện vì tôi nghĩ “chị em dâu như bầu nước lã”, có thân thiết cũng chẳng ích gì. Nhớ cái tết đầu tiên ở nhà chồng, tôi sắp cỗ cúng nhưng sắp xong, chị lại làm lại hết. Đến khi dọn ăn, mẹ chồng khen tôi khéo, lần đầu tiên sắp cỗ mà rất chuẩn, tôi im lặng khi thấy chị cười tủm tỉm.
Dù không nói ra nhưng mỗi lần về, tôi đều thể hiện mình chu đáo khi mua quà cáp cho bố mẹ chồng đầy đủ. Họ hàng đến chơi, mẹ chồng thường khoe quần áo được tôi sắm sửa chứ ít khi nhắc đến chị. Tôi thấy vui trong lòng khi mẹ chồng bảo tôi lâu mới về cứ đi chơi cho thoải mái, việc bếp núc cứ để chị lo.
Cách đây hai tuần, chị đột nhiên gọi điện hỏi nhà tôi đã chuẩn bị tết xong chưa, sao lại không về quê đón tết. Thật lòng, tôi thấy khó chịu cứ nghĩ chắc chị có nghe phong thanh được điều gì về tình hình hiện tại của nhà tôi mới hỏi như vậy. Tôi tỏ ra vẫn ổn, chỉ lấy lý do vì dịch bệnh nên không về được, chị cũng không hỏi thêm gì nữa.
|
Biết nhà tôi khó khăn, chị em bạn dâu lặng lẽ gửi quà tết làm tôi bất ngờ. Ảnh minh họa |
Đang giữa tâm trạng bộn bề thì sáng nay, bên nhà xe gọi điện báo chồng tôi ra nhận hàng. Vợ chồng tôi băn khoăn không biết của ai vì chưa bao giờ chúng tôi nhận được quà vào dịp tết cả. Khi về, chồng chở theo một thùng xốp to đầy ắp thức ăn và có cả một cành đào chưng tết, bên trên ghi tên người gửi và số điện thoại của chị dâu.
Trong thùng có đầy đủ thực phẩm cho tết từ gà, thịt heo, giò chả, bánh chưng, dưa món, mứt bánh, hạt dưa và thêm vài món đặc sản của quê. Chị cẩn thận sơ chế, gói ghém để gửi vào. Nhìn món quà của chị, tôi rất bất ngờ, càng ngạc nhiên hơn khi nhìn thấy tờ giấy viết tay dưới đáy thùng. Chị viết: “Gửi chú thím ít thực phẩm đón tết, nhận được thì báo cho chị với, đừng nói gì với ba mẹ nhé!”.
Lần đầu tiên, tôi chủ động gọi điện cho chị em bạn dâu để cảm ơn. Chị cười bảo: “Chú thím cho nhà anh chị nhiều rồi, đừng ngại”. Nghe đâu, chị biết tình hình của nhà tôi qua một đứa em họ làm ăn ở trong này. Chị gọi điện hỏi thì tôi lại giấu nên tự mua thực phẩm gửi vào.
Chị còn mua quà cho ba mẹ chồng, nói là của chúng tôi gửi về để ông bà yên tâm. Biết được những việc đó, tôi thật sự thấy xấu hổ trong lòng khi luôn so đo hơn thua với chị. Nhờ món quà của chị, gia đình tôi có một cái tết đầy đủ, dù xa quê nhưng vẫn ấm lòng.
Nguyễn Dung