Chị Đức dõi theo từng bước chân yếu ớt của chồng
“Giữ lấy trái tim đòi sống”
Mấy tháng trước, anh đột quỵ do biến chứng của bệnh tiểu đường, điều trị ở Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng trong tình trạng liệt nửa người, 1/6 não đã chết. Các bác sĩ khẳng định, anh sẽ hôn mê và chết não, không có cách nào cứu chữa. Anh không nói được, hai mắt cứ mở trừng trừng, liên tục vùng dậy, đòi đứng, đòi đi. Năm ngày chị không chợp mắt, không rời chồng nửa bước, vì ngoài chị ra, không ai dỗ được anh chịu nằm yên mỗi khi anh cố bật dậy dù bán thân bất toại.
Người nhà đã tính chuyện đưa anh về lo hậu sự nhưng chị không chịu thua, đề nghị đưa anh vào TP.HCM cứu chữa. Dù hiểu kết cục của căn bệnh, chị vẫn khăng khăng giữ lấy niềm tin đang lóe lên trong tim mình. Thấy chị kiên quyết mạo hiểm, nhà chồng từ khuyên răn chuyển sang cảnh báo: chị phải tự lo liệu và chịu mọi trách nhiệm về chuyến đi này. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ mình phải lao về phía trước, nếu chần chừ, tôi sẽ mất anh”, chị nói.
Thuyết phục được các bác sĩ cho anh xuất viện, chị lại đối mặt với một vấn đề gần như bất khả: làm sao để đưa anh vào TP.HCM? Không ai tiếp nhận một bệnh nhân đang nguy kịch lên máy bay, còn vật vã suốt 24 tiếng đồng hồ trên xe là điều không thể. Anh chỉ có thể nằm, không chịu được bất kỳ va đập nào.
Mua vé máy bay dành cho người khuyết tật, chị khai gian là anh vào TP.HCM để tập vật lý trị liệu sau tai biến. Ra sân bay bằng xe cấp cứu, chị phải cho dừng xe ở ngoài xa, chạy vào sân bay mượn xe lăn để bế chồng lên. Sợ người ta phát hiện ra tình trạng của anh, chị phải dặn dò, dỗ dành để anh tươi tỉnh khi qua cửa kiểm soát. Mọi việc trót lọt, lên máy bay, người anh bắt đầu tím ngắt vì thay đổi áp suất. Anh nôn thốc nôn tháo, vẫy vùng, cáu bẳn trên chiếc xe lăn chật chội cho đến khi kiệt sức.
Đoạn đường từ sân bay đến BV Chợ Rẫy dài dằng dặc. Ngồi đợi sau phòng cấp cứu, chị cứ vờ như đang được kêu tên để chạy vào tìm anh trong căn phòng hỗn độn những băng ca, để rồi bị bảo vệ phát hiện, đuổi ra ngoài. Hơn bốn tiếng đồng hồ, chị cứ tất tả chạy vào, trở ra vì bị đuổi như thế.
Niềm tin đã đơm hoa. Sau cấp cứu ban đầu, bác sĩ cho anh nhập viện. Hai chân chị như ríu lại không đi được vì mừng khi biết anh không bị đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Mười mấy ngày ở bệnh viện, não của anh dần ổn định, cơn nguy kịch cũng dần qua. Xuất viện, anh vẫn liệt nửa người, mất trí nhớ, dễ khóc dễ cười, thường xuyên nổi giận. Chị lại phải chạy đôn chạy đáo để thuê nhà cho anh dưỡng bệnh, rồi tiếp tục những đêm triền miên không ngủ. Trong cơn mê, khi thì anh rấm rứt khóc, khi thì hung hăng vùng vẫy, chửi rủa. Lúc ấy, anh chẳng khác một đứa trẻ, chị đành làm “người lớn” kiên nhẫn vỗ về. Tranh thủ những lúc chồng ngủ yên, chị lên mạng tìm hiểu bệnh tình và cách chăm sóc. Ai chỉ một bài thuốc hay, hay một món ăn bổ dưỡng, là chị tìm mọi cách mua cho bằng được. Ngay cả việc tập vật lý trị liệu, chị cũng tìm hiểu rồi tự tập cho anh ở nhà. Từ cõi vô thức, dường như anh đã nghe thấu lòng vợ mà từng bước quay về.
Nụ cười tươi của chồng là niềm hạnh phúc của chị Minh Đức
Gác mơ ước, nối yêu thương
Năm 2007, anh là họa sĩ, giám đốc kiêm thiết kế của một công ty truyền thông ở TP.HCM. Hai vợ chồng cùng nhau quản lý công ty mười mấy năm trời. Khi các con gái đã lớn, người có chồng, người du học, anh chị rời TP.HCM, cùng nhau “phiêu lưu” đến những vùng đất mới, tiếp tục giấc mơ họa sĩ của anh. Dừng chân ở Đà Nẵng 5 năm, anh trở thành họa sĩ của những mặt nạ nghệ thuật, là chủ nhân của hai gallery ở Hội An và Huế. Tháng 9/2012, những ngày tháng thong dong của đời nghệ sĩ chưa được bao nhiêu thì bạo bệnh ập xuống đời anh.
Ngồi bên cạnh khi chị trò chuyện cùng chúng tôi, lúc anh gật gù tâm đắc, lúc lại quệt nước mắt vì nghe chị nhắc lại nỗi cay đắng đã qua. “Chính chị đã cứu sống anh”, tôi nói. Anh gật gù, “ừ, xác nhận, tui xác nhận”. Người đàn ông ấy vẫn còn vẻ ngây ngô, cứ len lén nhìn chị bằng ánh mắt hàm ơn.
Trong cơn họa bất ngờ, chị chưa một lần oán thán. “Bệnh tật mà, trời kêu ai nấy dạ thôi”, chị nói. Chỉ duy nhất một điều làm chị hụt hẫng, xót xa là người chồng, cũng là tri kỷ bao năm của chị, đã không còn biết bày tỏ, sẻ chia với chị những nỗi niềm. Chị kể, ngày anh chưa bệnh, hễ có ưu tư gì là anh tâm sự cùng chị thâu đêm suốt sáng. Bây giờ, mỗi lần chị dò hỏi suy nghĩ của anh, chỉ nhận lại cái lắc đầu ngơ ngác. Ngày tháng vất vả, lo toan còn dài, chị thèm biết mấy một lời chia sẻ từ anh để thấy mình không hề cô độc. Nhưng, chị lại tự an ủi, bệnh tật mà, thôi thì chỉ cần có nhau…
Dường như phép màu từ lòng tin yêu của vợ đã làm nên cuộc tái sinh cho họa sĩ Đặng Việt Triều.
MINH TRÂM
Kỳ tới: "Tấm áo" ân tình