Mới đây, một thiếu niên 15 tuổi, học lớp Mười ở Hà Nội, với trái tim bị khiếm khuyết đã qua đời trong nỗi chờ đợi tuyệt vọng. Dù người tử vong có trái tim phù hợp để ghép - nhưng gia đình người xấu xố không đồng ý vì muốn người thân nguyên vẹn thân xác.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy - ngoài cậu bé đó, mỗi ngày, có nhiều người tử vong vì các căn bệnh mà y học vẫn có thể cứu sống nhờ ghép tạng.
|
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ca ghép tạng xuyên Việt (trái tim và thận của người hiến ở miền Bắc chuyển vào Nam) |
Dù ai cũng hiểu nghĩa cử rất cao đẹp của hiến tạng, nhưng quan điểm “sống sao thác vậy” của người Á Đông và vấn đề tâm linh vẫn là rào cản khiến mọi người e ngại với hành động nhân đạo này. Có thực tế, khi một người đăng ký hiến tạng, hoặc quyết định hiến tạng của người thân lúc qua đời như “một mình chống lại mafia” khi phải vượt lên chính mình và đương đầu với bao ý kiến phản bác của người thân và những lời bóng gió, ngờ vực của những người xung quanh.
Cụ ông viết giấy dán khắp nhà dặn phải hiến tạng ông
Bệnh viện Chợ Rẫy vừa công bố trong tháng 5/2018, đã có sáu người được cứu sống và lấy lại ánh sáng sau nhiều năm bị mù nhờ được một cụ ông 68 tuổi ở Đồng Nai và một thanh niên 30 tuổi ở Đồng Tháp hiến tạng, mô sau khi qua đời. Điều đặc biệt, cụ ông là người thiết tha hiến tạng đến mức dù tuổi đã cao và bệnh viện này chưa từng có tiền lệ lấy - ghép tạng của người lớn tuổi thế này - nhưng ông vẫn không cho phép các thầy thuốc từ chối.
Anh Phùng Hiệu - con trai ông - kể: “Cha tôi đã đăng ký hiến xác cách đây hơn 10 năm tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Sau này, ông biết được hiến tạng sẽ cứu sống được nhiều người nên đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký hiến tạng cách đây hai năm. Đây là tâm nguyện cả đời của cha tôi. Nhưng ông sợ khi ông mất thì người trong nhà vì quá yêu thương ông, muốn ông được vẹn nguyên thân xác sẽ không thực hiện di nguyện, nên ông đã viết giấy dán khắp nhà dặn khi ông mất phải hiến tạng cứu người và hiến xác cho y học nghiên cứu”. Do vậy, lúc ông bị đột quỵ và qua đời, ngay lập tức gia đình đã gọi điện cho Bệnh viện Chợ Rẫy để thực hiện di nguyện của ông. Hai quả thận và giác mạc của ông đã đem đến sự sống, ánh sáng cho ba người đang ở ngưỡng thập tử nhất sinh khi suy thận giai đoạn cuối.
|
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu. Ảnh: Hiếu Nguyễn |
Nghe câu chuyện của ông ai cũng nghẹn ngào. Vậy là ông đã sống trọn vẹn một đời vì người khác từ khi sống đến khi thác. Sinh thời, ông là “đại gia” của những người nghèo ở H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Hễ nhà ai có người đau ốm, tang ma mà không có tiền, không có quan tài hay đất chôn cất thì ông và những “đồng nghiệp” trong hội từ thiện tự phát của ông đứng ra chu toàn mọi thứ.
Tất cả tiền tiết kiệm, tiền con cháu biếu, tiền ông kiếm được đều dùng để giúp người. Ông vận động nhiều người đi hiến máu và bản thân ông hiến máu 50 lần, chỉ khi ông bị từ chối vì quá tuổi thì ông mới dừng. “Cha tôi nói, chết thì thân xác còn ý nghĩa, còn cứu được người sao lại không làm” - anh Hiệu rơm rớm nước mắt kể về cha. Nghĩa cử cao đẹp của cha anh và những người hiến tạng khác đã lan tỏa đến những người thân trong gia đình anh. Anh Hiệu và em trai vừa đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Phía sau những trường hợp hiến tạng là những câu chuyện lay động lòng người và có cả sự ám ảnh với những người chứng kiến - kể cả các thầy thuốc. Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu kể: “Có lần, chúng tôi nhận được điện thoại từ người thân của người đăng ký hiến tạng, báo tin cha anh bị tai nạn giao thông đang ở Bệnh viện 30/4 và bác sĩ cho biết không cứu được nên gia đình thông báo để thực hiện di nguyện của cha. Khi chúng tôi đến, hình ảnh làm tôi sững sờ là cùng với bác sĩ, những người con của người đã mất lưng ướt đẫm mồ hôi, hì hục nhồi tim cha để chờ bác sĩ đến lấy tạng. Một người con thiết tha nói, “bác sĩ làm sao để cha em phải hiến được tạng” - vì đó là tâm nguyện cả đời của ông và con cái muốn được thấy cha đã làm cho sự sống được tiếp nối. Hình ảnh đó quá xúc động và làm tôi bị ám ảnh đến giờ. Những tấm lòng cao quý, nâng niu sự sống như vậy luôn nhắc nhở chúng tôi phải luôn cố gắng từng giây từng phút để sự sống được tái sinh trong cơ thể cũng sắp tắt khác”.
|
Các bác sĩ mặc niệm người hiến tạng trước khi phẫu thuật ghép tạng |
Bác sĩ cũng mất cả năm đấu tranh để đăng ký hiến tạng
Bác sĩ sản khoa nổi tiếng Lê Văn H., công tác tại một bệnh viện lớn, mới đây đã khiến mọi người bất ngờ và ngưỡng mộ khi đăng trên trang cá nhân về hành trình thuyết phục người thân để được đăng ký hiến tạng.
Bác sĩ chia sẻ: “Từ những mảnh ghép hằng ngày tôi thấy, tôi nghe, tôi biết, đã khiến tôi nghĩ: tại sao những người chết khi một số cơ quan nội tạng còn đang hoạt động tốt, khỏe mạnh không hiến cho những người bệnh đang cần ghép tạng? Suy nghĩ ấy đã thôi thúc tôi quyết định làm thủ tục hiến tạng cứu người khi chết. Mặc dù suy nghĩ và quyết định như thế, nhưng phải cả năm sau tôi mới thực hiện được vì phải làm công tác tư tưởng và thuyết phục người thân - khi người thì giận, người thì khóc, người thì lo lắng…”.
Và một lần nữa, anh phải trấn an gia đình, bạn bè, kể cả các bệnh nhân yêu quý anh vì mọi người đều nghĩ “chắc anh đang mắc bệnh nên mới có quyết định này”. Anh viết: “Tôi đã đắn đo khá nhiều để công bố thẻ đăng ký hiến tạng và có đôi lời: Tôi Lê Văn H., hiện tại có sức khỏe rất tốt, khám sức khỏe định kỳ hằng năm không phát hiện bệnh lý…
Việc hiến tặng mô, tạng khi chết mang ý nghĩa nhân đạo chứ không vì tôi bị bệnh gì cả… Sống nay chết mai nào ai có ngờ. Hơn nữa trong triết lý nhà Phật đã nói “sống gửi, thác về” hay đạo Thiên chúa cũng nói “thân cát bụi lại trở về với cát bụi”, như vậy khi chết chúng ta còn tiếc gì cái thân xác ấy nữa. Và biết đâu cái chết này là mở ra cho sự sống của vài người khác”.
Cái chết bắt đầu cho sự sống, tại sao không?
Theo giáo sư - tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - hiện có khoảng hơn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... đang mòn mỏi chờ ghép tạng để duy trì sự sống và khoảng 6.000 người đang chờ ghép giác mạc. Riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, theo tiến sĩ - bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, lượng bệnh nhân chờ ghép tạng hiện nay là 6.691 người. Trong 25 năm hoạt động của ngành ghép tạng Việt Nam, số lượng bệnh nhân được ghép tạng chưa đến 3.000 ca.
|
Chị Hồng Nga kể về phút giây quyết định hiến tạng em trai để cứu người |
Cũng theo bác sĩ Trịnh Hồng Sơn: một nghịch lý của ghép tạng Việt Nam đang tồn tại là số nguồn tạng hiến chủ yếu hiện nay từ người cho sống, vì có quá ít nguồn tạng hiến. Theo số liệu của Bệnh viện Chợ Rẫy, trong gần 1.000 ca ghép tạng ở đây chỉ có 45 thận, 6 gan, 6 tim, 1 khối tim phổi và 23 giác mạc từ người cho chết và có đến 620 thận, 15 gan từ người cho sống. Điều này trái ngược với thế giới. Tại Mỹ, mỗi năm có 30.000 ca ghép tạng, trong đó, 70% lấy từ người cho chết não, 10% lấy từ người cho chết tim và 20% lấy từ người cho sống.
Do vậy, hiến tạng vẫn là điều mà hàng chục ngàn bệnh nhân đang mòn mỏi chờ đợi. Một thực trạng khác là trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng 12.000-14.000 ca tử vong vì chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, tai nạn lao động… Nếu ở các quốc gia khác, đây sẽ là nguồn tạng hiến có thể cứu được bao sinh mạng. Nhưng ở Việt Nam, từ bao đời đã tồn tại quan niệm “chết phải toàn thây” và lấy tạng là gây đau đớn thể xác nên nhiều người đã từ chối hiến tạng khi có người thân chết não, ngừng tim.
Bên cạnh đó còn là nỗi lo “liệu đăng ký hiến tạng thì bác sĩ có hết lòng cứu chữa không” - chính chị Hồng Nga - chị gái của chàng thanh niên Nguyễn Hy Na, 30 tuổi, vừa hiến tạng ở Bệnh viện Chợ Rẫy cũng từng băn khoăn điều này khi bác sĩ Khoa Cấp cứu thông báo em trai chị đã ngừng tim (anh Na bị tai nạn giao thông).
“Nhưng tôi tin vào tấm lòng, trái tim của bác sĩ và lúc đó chị em tôi đã bày tỏ nguyện vọng hiến tạng của em để cứu người. Đến nay, dù gia đình vẫn rất đau buồn về cái chết bất ngờ của em, nhưng chúng tôi vẫn thấy hạnh phúc vì em đã làm được việc nghĩa, giúp tái sinh nhiều cuộc đời khác”, chị Hồng Nga trải lòng.
Những cách vận động hiến tạng trên thế giới
Khan hiếm tạng hiến là tình hình phổ biến ở hầu hết các quốc gia và mỗi nước có những hình thức vận động hiến tạng khác nhau. Ở Trung Quốc, ngoài tuyên truyền, vận động qua truyền thông thì khi làm một số loại giấy tờ như giấy phép lái xe sẽ được hỏi nguyện vọng: “Có mong muốn hiến tạng để cứu người không?”. Một số trang mạng của Trung Quốc có ứng dụng đăng ký hiến tạng đơn giản, nhanh chóng chưa đến một phút.
Còn ở nhiều nước như Tây Ban Nha, Bỉ, Ý, Hy Lạp, Thụy Sĩ và Singapore đã có luật hiến tạng theo kiểu “mặc định”. Nghĩa là khi mọi công dân tử vong thì mặc định họ sẽ hiến tạng - ngoại trừ những người để lại nguyện vọng khác trong di chúc hoặc người thân phản đối. Mới đây, thêm một quốc gia cũng có luật mặc định hiến tạng sau khi chết là Iceland và luật sẽ thực thi từ ngày 1/1/2019.
|
Thùy Dương