Món 'nợ' phải trả

02/06/2017 - 18:24

PNO - Chuyện con sông bên lở bên bồi vốn là một hiện tượng quen thuộc với người dân sông nước. Chỉ có điều, bây giờ người ta thấy cơn lở đất này không khác gì một cơn giận dữ.

Mấy hôm nay, người dân TP.HCM sống trong sự đồng cảm, chia sẻ khi dưới quê mình, miền Tây, đất lở, nhà trôi xuống sông, bà con lao đao sinh kế. Mà cũng không phải đâu xa, ngay ở thành phố cũng có nơi đang đối diện với nứt đường, đe dọa sạt lở, nhà phố cũng có nguy cơ trôi xuống sông.

Đất phương Nam bốn bề sông nước, màu mỡ phù sa nuôi con người, nuôi làng quê nên hình nên vóc từ bao đời, nay cũng sông ấy nước ấy, đang lấy lại đất của mình. Chuyện con sông bên lở bên bồi vốn là một hiện tượng quen thuộc với người dân sông nước. Chỉ có điều, bây giờ người ta thấy cơn lở đất này không khác gì một cơn giận dữ.

Mon 'no' phai tra
Những ngôi nhà chỉ còn nền lở lói ở Mỹ Hội Đông (Chợ Mới, An Giang).

Lúc bồi thì sông nước, bãi cồn nhẫn nại, tính bằng từng mùa, tính bằng từng đời người, mà nay lúc lở thì quá dữ dội, đến bất ngờ không kịp trở tay. Chỉ một đêm, nhiều gia đình mất sạch vườn đất, nhà cửa, chỉ còn tay trắng.

Bao nhiêu nguyên nhân đã được các nhà khoa học nêu ra phân tích. Từ xây dựng thủy điện thượng nguồn, chặt phá rừng phòng hộ, khai thác cát trái phép, đến đê bao, nắn dòng chảy, san lấp, quy hoạch không phù hợp tự nhiên… Nhưng trong mắt những người dân vốn sống với sông cả đời, cơn lở đất ấy trực tiếp, tàn bạo, dứt khoát là trả đất về sông.

Dưới lòng sông ấy, cát, đất đã bị con người dùng xáng cạp, dùng vòi hút, khai thác đến cạn kiệt, nay sông đòi lại. Cát trả, nhưng không chỉ có cát, mà theo cát ấy, là sinh mạng con người, là đời sống của cộng đồng dân cư. 

Con người đối diện với ai trong cuộc vay trả ấy? Chỉ có thể đối diện với chính mình. 
Những câu chuyện như biến đổi khí hậu, tàn phá môi trường, tưởng chừng rất xa xôi, nay đang hiển hiện ngay trước mắt mình rồi. Điều khủng khiếp trong những câu chuyện ấy là con người không thể có chọn lựa nào khác trong cuộc trả nợ này. Chỉ có thể trả đúng thứ mà tự nhiên đòi.

Mon 'no' phai tra
Người dân đang bối rối rồi sẽ làm gì để sống.

Cát bị hút đi, trầm tích không còn, thềm đất ven bờ sông xói lở, lòng sông xoáy nước, đất nhà, lòng đường trở thành thứ phải trả. Những giá trị con người phải mất bao mồ hôi, công sức lao động, xây dựng; di sản tích cóp bao đời để lại cho cháu con, bây giờ chỉ còn giá trị như cát, lại trở thành cát, trả về cho sông.

Ai lấy ở đâu không biết, thượng nguồn hạ nguồn xa khuất mắt, nhưng bây giờ cái phải trả chính là sự sống: rời bỏ nhà cửa của mình, làng xóm của mình, kế sinh nhai quen thuộc của mình, để ra đi tránh lở đất, chấp nhận nhìn nhà cửa cơ nghiệp của mình chìm dưới nước mà không thể làm gì khác hơn.

Chuyện sạt lở nhanh, mạnh đến thành một hiểm họa như vậy, bây giờ thì người dân đã nhận thức được rõ ràng là “nhân tai”, là do con người. Nỗ lực của những người dân nơi đây chỉ có thể ở mức “chạy lở” lần hồi, lở đến đâu dọn nhà đi đến đó, sống lây lất chờ chạy tiếp. Không an cư làm sao lạc nghiệp, chắc chắn việc sạt lở đất cũng sẽ kéo theo sạt lở những tầng văn hóa trong lòng cộng đồng dân cư, sạt lở những thói quen, những chuẩn mực xã hội mà phải dày công lắm mới xây dựng được.

Điều này, trong cơn cấp bách phải chuyển nhà, phải cứu dân, người ta có thể chưa thấy ngay, chưa cảm thấy đau xót ngay, nhưng về lâu về dài sẽ để lại những hệ lụy nặng nề. 

Không chỉ ven sông, không chỉ bờ biển, ngay giữa lòng thành phố cũng tiềm ẩn những hiểm họa nặng nề. Người ta thỉnh thoảng vẫn thấy những “hố tử thần” hoác miệng trên đường, vẫn thấy sạt lở trong vườn nhà, vẫn thấy tường nứt, nền lún do khai thác nước ngầm, do đào hố móng xây dựng…

Mon 'no' phai tra
Đây là chỗ ở đậu của bà Huỳnh Thị Sẩm ở Mỹ Hội Đông, An Giang sau khi bà mất nhà.

Không chấn chỉnh kịp thời, một ngày nào đó, một phần thành phố của mình cũng thành “cát trả”. Nhìn những ngôi nhà sụm xuống trong vụ lở đất ở Thẩm Quyến (Trung Quốc), mới thấy những kiến tạo của con người mỏng manh thế nào trước cơn giận dữ của tự nhiên. Mà cơn giận ấy không hoàn toàn tự nhiên bùng phát, cũng chính con người nhen lửa giận ấy, bằng những hành động tàn phá tự nhiên mỗi ngày. 

Đất lở ở miền Tây đã lở rồi, không cách nào vớt lên được nữa. Nhưng vệt nứt toác dọc đường đất ở huyện Nhà Bè, TP.HCM đang rộng dần ra mỗi ngày, có thể là dấu hiệu báo động phải gấp rút xem xét lại những kẽ nứt nào đó trong quy hoạch, trong chiến lược phát triển, ở tầm quản lý.

Người dân tin vào các nhà khoa học, tin vào sự điều hành của chính quyền trong việc định hướng phát triển lâu dài, quản lý tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên để giúp người dân ổn định cuộc sống, không phải bị động trong việc đương đầu với sạt lở bờ sông, với biển xâm thực.

Những chuyện như liên kết vùng trong quản lý, đo lại dòng chảy, khảo sát lòng sông, dự báo, quy hoạch phù hợp với môi trường và hệ sinh thái… là những điều mỗi một người dân không đủ sức làm, chỉ có thể trông mong vào chính quyền. Xưa nay, mảnh đất phương Nam vốn là đất đãi người. Xin hãy giữ gìn lòng hào hiệp ấy của đất… 

Đình Thụ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI