“Món nợ” lớn của điện ảnh Việt

01/09/2022 - 07:31

PNO - Phim Việt đề tài lịch sử cách mạng hiện nay mới chỉ dừng ở việc khai thác bối cảnh lịch sử để làm nền cho câu chuyện, chứ chưa khắc họa, tái hiện diễn tiến của sự kiện, thời khắc lịch sử đó.

Sự kiện vĩ đại Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đã trải qua chặng đường 77 năm. Từ đó đến nay, những gì diễn ra trong những ngày tháng hào hùng ấy của dân tộc mới chỉ một lần được đề cập trực diện trong bộ phim Sao tháng Tám ra đời năm 1976.

Hai tập phim của đạo diễn - NSND Trần Đắc mang tới cái nhìn bao quát về một giai đoạn lịch sử cách mạng giành độc lập của dân tộc năm 1945, thông qua câu chuyện về người nữ cộng sản tên Nhu.

Sao tháng Tám đến nay vẫn là phim điện ảnh duy nhất làm về sự kiện Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 - ẢNH: H.N.
Sao tháng Tám đến nay vẫn là phim điện ảnh duy nhất làm về sự kiện Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Trong phim, cảnh những người gầy trơ xương đi xin ăn khắp hang cùng ngõ hẻm tái hiện nạn đói năm Ất Dậu, hay đại cảnh người dân đổ xô ra đường, tràn vào cướp kho thóc, là những hình ảnh có giá trị tư liệu thật sự hơn là một phim truyện có dàn dựng.

46 năm trôi qua, các nhà làm phim truyện trong nước chưa một ai kể thêm lần nữa sự kiện lịch sử này trên màn ảnh Việt.

Tuy được xem là tác phẩm điện ảnh thành công nhất về đề tài Cách mạng tháng Tám, nhưng Sao tháng Tám cũng chỉ mới xoay quanh việc các chiến sĩ cách mạng phải vượt qua những gian nguy để vận động quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Phim chưa xây dựng được các nhân vật lãnh tụ của Đảng, để qua đó người xem hình dung ra những quyết sách quan trọng, thể hiện tầm nhìn lãnh đạo dẫn đến thành công mùa thu năm 1945. Vì vậy, nỗi khát khao về một bộ phim truyện xứng tầm với sự kiện lịch sử này vẫn còn đó.

Phim Ký ức Điện Biên
Phim Ký ức Điện Biên

Không chỉ với cuộc cách mạng mùa thu tháng Tám, các nhà làm phim Việt cũng đang “mắc nợ” lịch sử khi đã bỏ quên những trận đánh hào hùng khác của dân tộc trên màn ảnh. Những ngày này ra rạp, khán giả không khỏi xuýt xoa với sự hoành tráng, kỳ công của “bom tấn” Hàn Quốc Thủy chiến đảo Hansan: Rồng trỗi dậy. Xem bộ phim tái hiện trận đánh vĩ đại của danh tướng thời kỳ kháng Nhật Yi Sun Sin, không ít người xem ao ước điện ảnh Việt cũng có một tác phẩm tái hiện sự kiện Bạch Đằng Giang - một trong những trận đánh vang vọng nhất trong sử Việt. Trận Rạch Gầm - Xoài Mút, trận Chi Lăng, chiến dịch Điện Biên Phủ trên không... đều chưa một lần được tái hiện trên màn ảnh rộng.

Trong số các trận đánh lớn, chỉ có chiến dịch Điện Biên Phủ hai lần được các nhà làm phim nhắc đến qua các phim Ký ức Điện Biên Sống cùng lịch sử... Chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại được tái hiện duy nhất trong phim Giải phóng Sài Gòn. Dù vậy, cả ba tác phẩm Nhà nước đặt hàng này đều có chất lượng chưa tương xứng với tầm vóc vĩ đại của sự kiện, chưa xứng đáng trở thành những bộ phim “để đời” cho nền điện ảnh nước nhà.

Là một đất nước mà chiến tranh đã trở thành một phần của lịch sử oai hùng bi thương, những cuộc chiến, những trận đánh hay những sự kiện mang tính bước ngoặt xứng đáng phải được đưa lên màn ảnh. Bởi những bộ phim đề tài lịch sử cách mạng là công cụ hữu hiệu nhất truyền tải tinh thần dân tộc.

Phim Việt đề tài lịch sử cách mạng hiện nay mới chỉ dừng ở việc khai thác bối cảnh lịch sử để làm nền cho câu chuyện, chứ chưa khắc họa, tái hiện diễn tiến của sự kiện, thời khắc lịch sử đó. Càng hiếm có bộ phim nào gây tiếng vang, đem lại cảm giác tự hào hoặc khiến người xem cảm nhận được khoảnh khắc mang tính vận mệnh đó của dân tộc.

Điện ảnh Việt vài năm gần đây cũng đã có nhiều bước tiến xa, gặt hái một số thành công ở quốc tế. Công nghệ làm phim cũng phát triển, kinh phí cũng không còn là trở ngại lớn, đã có nhiều phim được làm với kinh phí “khủng” ra đời. “Món nợ” với lịch sử bao giờ điện ảnh Việt trả được, không chỉ là câu hỏi của những khán giả yêu điện ảnh, mà còn dành cho những người làm phim và những người quản lý ngành.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI