Mòn mỏi chờ an cư bên dòng Nậm Nơn

07/12/2021 - 06:15

PNO - Lũ dữ ập về khiến hàng chục ngôi nhà bị sạt lở, cuốn trôi. Sau ba năm, khu tái định cư khẩn cấp dành cho những hộ dân này đã hoàn thành thì dân lại không dám đến ở.

Tháng 9/2018, sau trận lũ lịch sử cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản của bà con bản Minh Phương, xã Lượng Minh, H.Tương Dương, tỉnh Nghệ An, UBND H.Tương Dương đã phê duyệt dự án xây dựng khu tái định cư rộng hơn 14.000m2 tại bản để tạo chỗ ở khẩn cấp cho 17 hộ dân bị ảnh hưởng nặng. Dự án nằm ở lưng chừng một ngọn núi cao hướng nhìn ra dòng sông Nậm Nơn và thi công bằng cách bạt núi, gia cố mái ta luy dương bằng đá hộc xây, làm đường nội vùng…

Đến giữa năm 2020, dự án cơ bản hoàn thành, chính quyền xã Lượng Minh tổ chức cho dân bốc thăm chọn vị trí. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, khi căn nhà đầu tiên được dựng lên thì bờ kè mái ta luy bị nứt, sạt lở, khiến người dân lo lắng. “Lúc nhận đất cũng mừng lắm, cứ tưởng sắp được an cư để yên tâm cày cấy. Nhưng vừa dựng lại được khung nhà thì thấy sạt lở, vậy là lại tháo gỗ chở về. Gỗ để phơi mưa nắng mấy năm rồi, không biết chờ đến khi có đất thì có còn gỗ mà dựng nhà không!” - bà Ngô Thị Tuyết, 54 tuổi, ở bản Minh Phương, rầu rĩ.

Khu tái định cư cho người dân bị sạt lở ở làng Minh Phương, xã Lượng Minh, H.Tương Dương, tỉnh Nghệ An, bỏ hoang vì nhà chưa kịp dựng, đất lại tiếp tục sạt lở (ảnh chụp vào đầu tháng 12/2021) - ẢNH: PHAN NGỌC
Khu tái định cư cho người dân bị sạt lở ở làng Minh Phương, xã Lượng Minh, H.Tương Dương, tỉnh Nghệ An, bỏ hoang vì nhà chưa kịp dựng, đất lại tiếp tục sạt lở (ảnh chụp vào đầu tháng 12/2021) - Ảnh: Phan Ngọc

Nhiều người dân cho biết, vết nứt đang ngày càng lớn. Sợ núi lở bất ngờ nên chưa ai dám lên ở. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định bờ kè xuất hiện vết nứt với cung trượt khoảng 80 - 100m, chỗ nứt rộng nhất 0,5m, sâu từ 0,5 - 1m, phần chân mái kè bị đẩy xê dịch so với vị trí ban đầu 0,5 - 1m, gây vỡ mương thoát nước dưới chân ta luy. Những trận mưa lớn gần đây đã làm bờ kè bị bong tróc, nhiều đoạn vị vỡ nát và có nguy cơ đổ sập.

Ngày 3/12/2021, Ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh - cho biết, hiện mới chỉ có một hộ dân xây nhà trên khu tái định cư, song vì sợ sạt lở nên không dám chuyển lên ở. Một số hộ sau khi dựng nhà rồi lại tháo dỡ và chuyển gỗ xuống. Trước nguy cơ mất an toàn, UBND H.Tương Dương đã chỉ đạo xã không tiếp tục vận động dân lên ở khu tái định cư nữa mà chuyển sang phương án hỗ trợ dân tự tìm đất cất nhà. 

“Xảy ra sạt lở là sự cố không mong muốn, hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân” - ông Phan Đức Sơn, Chủ tịch UBND H.Tương Dương, nói. Theo ông Sơn, hiện vẫn chưa thể khẳng định được khu tái định cư này còn sạt trượt hay không, do đó huyện đã chỉ đạo xã hỗ trợ người dân tìm vị trí để dựng nhà ở những vị trí có thể. 

Bản Minh Phương nằm kẹt giữa hai thủy điện Bản Vẽ và Nậm Nơn. Nơi đây phần lớn diện tích là núi cao, có độ dốc lớn, quỹ đất ở không nhiều, phần lớn dân sống chật chội dọc ven Quốc lộ 543, một bên là đồi núi hiểm trở, bên kia là dòng sông Nậm Nơn lúc hiền hòa, khi hung dữ (khi lũ về). Do vậy, theo ông Phúc, việc giúp người dân tìm mặt bằng để dựng nhà ở không đơn giản. “Sau lũ, các hộ dân bị thiệt hại nặng được hỗ trợ mỗi hộ 70 triệu đồng để di dời nhà cửa. Nhưng ba năm rồi, tiền cũng đã tiêu hết. Giờ dựng một căn nhà cũng tốn hàng trăm triệu đồng. Nếu còn nhà cũ để dựng lại cũng tốn cả trăm triệu, nên rất khó khăn cho người dân” - ông Phúc nói. 

Nghệ An hiện còn 33 điểm thường xuyên sạt lở khi có mưa lũ lớn, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi. H.Kỳ Sơn là nơi có nhiều điểm sạt lở nhất, ảnh hưởng đến 384 hộ với 2.009 nhân khẩu. Để đảm bảo an toàn cho người dân, những điểm thường xuyên sạt lở này đã được cắm biển cảnh báo, sẵn sàng phương án sơ tán trong khi chờ đợi được xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn nên địa phương này mới lên kế hoạch xử lý hai điểm ở huyện biên giới Kỳ Sơn. Riêng những điểm sạt lở ở các huyện miền xuôi, tỉnh này đang vận động xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp cùng chia sẻ khó khăn.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI