Món dưa “nhà quê”

22/03/2020 - 07:23

PNO - Bây giờ, dưa môn trong tôi chỉ còn là nỗi nhớ khôn cùng.

Dưa môn được làm từ cây môn ngọt ở cạnh bờ sông, bờ suối. Môn có màu xanh um, tàu vươn dài cả mét. Đặc biệt là không ngứa. Người làm dưa môn chỉ cần một cái liềm và một sợi dây, đi về mé sông, mé suối, lia cái liềm vào bụi môn rồi gom lên bờ bó lại đem về.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Dùng một vỉ nan tre gài trên mớ dưa môn ấy, rồi dằn lại bằng mấy cục đá cho nó nằm im hút nước muối, để ba ngày sau lên men là đã có thể theo mẹ ra chợ bán. Cây môn ngọt trước khi thành dưa phải phơi cho heo héo. Sau đó, người làm dưa sẽ mang rửa lại cho sạch cát bụi, rồi cắt tàu môn ra từng khúc, mỗi khúc khoảng 10-12cm và cho vào lu (khạp). Nước vo gạo một ít, muối một ít, và thêm tí nước lã nữa. 

Người mua dưa môn về sẽ xả nước cho bớt chua, xong xé ra từng sợi nhỏ bằng đầu đũa rồi vắt ráo lần nữa. Xong bắc chảo dầu lên bếp, khử chút tỏi, cho dưa môn vào xào, thêm tí bột nêm, đường, sẽ cho ra một món ăn chua chua, mặn mặn, béo béo rất ngon miệng. 

Dưa môn thích hợp với người ăn chay, nhưng càng thích hợp hơn với các bữa tiệc nhiều dầu mỡ, thịt cá. Vì thịt cá khiến người ta ngán, thì một dĩa dưa môn sẽ cân bằng lại vị giác.

Ngày xưa nhà tôi có một quãng thời gian dài sống bằng những khạp dưa môn ấy. Cha tôi đảm nhiệm việc đi cắt cây môn. Mỗi chiều sau khi đi làm về, cha lại cùng chiếc xe đạp sườn ngang và cái liềm đi ra ruộng khu vực trảng Ông Tên, hoặc bờ suối Giải Khổ Kiều mà cắt tàu môn ngọt. 

Trời chạng vạng cha mới về tới nhà. Mẹ tháo xe môn xuống, những bó môn xanh um nặng trĩu dài hơn cả mét. Rồi mẹ bưng vào góc sân cất đi để sáng mai đem phơi nắng. Những đôi chân trần tuổi hơn mười của chị em tôi chạy đùa quanh sân phơi môn, có khi cầm mấy tàu môn dài làm ngựa phi, chơi trò đuổi bắt đến mệt lả trong tiếng cười hồn nhiên. 

dưa môn kho cá
Dưa môn kho cá

Chiều nắng nhạt sẽ cùng mẹ gom môn vào và đem rửa. Cái chảo nấu đường to bằng hai vòng tay người lớn của lò đường thủ công nào đó thải ra, cha đã mua về làm thau rửa môn. Bao nhiêu tàu môn cứ nhúng vào chảo nước rồi vớt ra cắt khúc để ráo.

Một khạp dưa môn hình thành ngay sau đó, những bàn tay bé nhỏ lại cùng mẹ khuấy nước muối đổ vào khạp. Tôi là chị lớn nhất, biết đan nan bồ thì đan luôn một cái vỉ để dằn môn. Nếu không dằn lại, nó sẽ nổi phình lên và rã ra chứ không ngấm chua được. Sau ba ngày được dằn trong khạp, những tàu môn xanh mướt hôm nào sẽ biến thành những khúc dưa môn màu nâu có vị chua. 

Để có dưa bán quanh năm, nghĩa là cứ cách một ngày, cha tôi phải đi cắt tàu môn về. Dưa muối theo kiểu “gối đầu”, cứ hai ngày một khạp, thì mới bảo đảm lượng dưa đủ bán hằng ngày. Mỗi ngày bán chừng mười ký dưa thôi cũng đủ tiền mua ba ký gạo. 

Gánh bánh canh của mẹ mỗi ngày đều oằn nặng vì nồi nước lèo và cả thau dưa môn. Món quê dân dã vậy mà đã góp phần nuôi chị em tôi khôn lớn.

Bây giờ nguồn nguyên liệu chính là cây môn ngọt đã khan hiếm lắm rồi. Cuộc sống tân tiến hơn, khá giả hơn, nên người ta không thèm món dưa môn “nhà quê” ấy nữa. Những chiếc khạp da bò cũng ít dần đi trong mỗi gia đình, nếu muốn gài một hũ dưa môn thì chỉ có nước gài trong xô nhựa nhỏ.

Những người trẻ sinh trong khoảng năm 1990-2000 có lẽ không ai biết làm món dưa môn. Mà nếu không biết làm thì khi ăn cũng sẽ không cảm nhận hết hương vị cần lao dân dã của nó. Vậy nên dưa môn bây giờ trong tôi chỉ còn là nỗi nhớ khôn cùng. 

Trang Đào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI