Môn đạo đức: Tình huống sống hơn vạn lời rao giảng

21/09/2020 - 07:22

PNO - Lâu nay, dù được dạy chính khóa nhưng với chương trình nặng về lý thuyết, môn đạo đức chưa thực sự đóng góp tích cực vào quá trình hình thành, phát triển nhân cách học sinh. Một số trường đã có cách dạy mới, thực tế hóa bài giảng đạo đức, mang đến cho học sinh những trải nghiệm thú vị, nhớ đời về đạo làm người.

Cho học sinh trải nghiệm thực tế 

Những ngày này, mầm rau đã bắt đầu lấm tấm xanh ở một góc sân Trường tiểu học Giồng Găng (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp). Màu xanh nhen lên nhờ bàn tay của học sinh sau hai tuần gieo hạt. 14 “luống rau gây quỹ” được đánh dấu bằng tên của 14 lớp trong toàn trường.

Gọi là “luống rau gây quỹ” vì chúng được chính học sinh gieo trồng, nhổ cỏ, chăm bón và thu hoạch để bán lấy tiền cho những hoạt động chung của lớp và hỗ trợ học sinh khó khăn.

Việc lập sổ ghi nhận những học sinh nhặt được của rơi của Trường tiểu học Giồng Găng đã lan tỏa tinh thần không tham của rơi đến đông đảo học sinh trên toàn tỉnh Đồng Tháp -  Ảnh: T.C.
Việc lập sổ ghi nhận những học sinh nhặt được của rơi của Trường tiểu học Giồng Găng đã lan tỏa tinh thần không tham của rơi đến đông đảo học sinh trên toàn tỉnh Đồng Tháp -  Ảnh: T.C.

Đây là năm thứ ba, học sinh trường này trồng rau gây quỹ. Thông qua mô hình này, nhà trường muốn giáo dục cho học sinh về giá trị của lao động, tinh thần tương thân tương ái, tinh thần hợp tác thông qua việc phân công, chia sẻ công việc nhóm.

Ngoài những “luống rau gây quỹ”, Trường tiểu học Giồng Găng còn có mô hình “trả lại của rơi”, được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hồng lựa chọn nhân rộng ra các trường học. Thành lập từ năm 2017, đến nay, quyển “sổ nhặt của rơi” của trường ghi nhận hơn 200 lượt học sinh mang đồ nhặt được nhờ nhà trường trả lại cho người mất, trong đó, có khi món đồ nhặt được trị giá đến 4 lượng vàng. 

Theo thầy Nguyễn Khắc Đảm - Hiệu trưởng Trường tiểu học Giồng Găng - trước đây, khi học sinh nhặt được của rơi, có em giữ lại cho riêng mình, có em mang lên văn phòng thầy tổng phụ trách Đội nhờ trả lại cho người mất. Khi tiếp nhận những món đồ từ học sinh, nhà trường nhận thấy đó là hành động cần phải được lan tỏa.

Từ đó, một quyển sổ nhật ký ra đời, dành để ghi lại đầy đủ ngày tháng, họ tên học sinh, món đồ nhặt được.

Những ghi chép ấy trước tiên thể hiện sự trân trọng của thầy cô trước hành động tốt đẹp của học sinh. Cùng với quyển sổ, nhà trường cũng phát loa thông báo về món đồ mà học sinh nhặt được để người mất đến nhận lại. 

Sau nhiều lần chứng kiến niềm vui của người tìm thấy đồ vật mình đánh mất và tên người không tham của rơi được nhắc đến trước toàn trường, học sinh ngày càng hứng thú với hành động trả lại của rơi.

Để phát triển mô hình nhằm giáo dục học sinh tính trung thực, nhà trường còn khích lệ, khen thưởng các em tại lớp, vinh danh trong những buổi sinh hoạt trước toàn trường, trên chương trình phát thanh Măng non… Ngoài ra, ban giám hiệu còn đề nghị phòng, sở gửi thư khen cho học sinh không tham của rơi. 

Nhân cách của một con người được hình thành qua quá trình trải nghiệm, điều chỉnh thái độ, hành vi. “Để việc giáo dục đạo đức học sinh mang lại hiệu quả tích cực, cần đi vào những hoạt động trải nghiệm thực tế, thông qua những hành động cụ thể nhất” - thầy Nguyễn Khắc Đảm chia sẻ. 

Học sinh Trường tiểu học Giồng Găng trả điện thoại nhặt được cho phụ huynh đánh rơi
Học sinh Trường tiểu học Giồng Găng trả điện thoại nhặt được cho phụ huynh đánh rơi

Dạy đạo đức từ những tình huống “sống”

Môn đạo đức được giảng dạy chính khóa xuyên suốt các cấp học phổ thông. Thế nhưng, những biểu hiện lệch chuẩn, bạo lực xảy ra ngày càng dày hơn từ môi trường học đường phần nào phản ánh sự thiếu hiệu quả của bộ môn này.

Cô Huỳnh Hạnh - giáo viên tiểu học tại quận 7, TPHCM - nhận định: “Căn bệnh của chúng ta là không tạo điều kiện để những bài học từ lý thuyết được sống trong các em. Tư tưởng cho rằng giáo dục đạo đức là nhiệm vụ của môn đạo đức khiến đa số giáo viên bỏ qua việc phát triển nhân cách học sinh từ những tình huống thực tế. Trong khi đó, thực tế luôn là bài học hiệu quả nhất”.

“Hãy giáo dục nhân cách học sinh bằng hành động” là phương châm của cô Huỳnh Hạnh.

Cô Hạnh cho biết, việc uốn nắn, phát triển nhân cách học sinh thông qua hành vi là trách nhiệm của tất cả giáo viên. Do đó, việc có thêm môn đạo đức là điều không cần thiết nếu giáo viên không ý thức thực hành những định nghĩa từ sách vở. Làm sao để cắt nghĩa cho học sinh lớp Một bài học “tôn trọng”? Một tiết giảng 45 phút có đủ để học sinh lớp Một hiểu được khái niệm trừu tượng ấy?

“Thế nhưng, chúng ta lại có rất nhiều cách để dạy điều đó từ những việc cụ thể. Tôi dùng chính nội quy lớp học để dạy các em về sự tôn trọng” - cô Hạnh chia sẻ. 

Theo cô, giáo viên không nên áp đặt nội quy của nhà trường lên học sinh. Khi nhận lớp mới, cô thể hiện cho học sinh biết những điều mà mình mong đợi ở các em, và cũng thể hiện sự sẵn sàng lắng nghe những mong muốn của học sinh đối với giáo viên. Khi làm điều đó, giáo viên đã dạy cho học sinh một nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp, đó là lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau. 

“Tất nhiên, không thể một tuần, một tháng là đủ để học sinh ghi nhớ điều đó. Cần nhắc nhở, điều chỉnh thường xuyên với những tình huống, hành vi cụ thể của từng học sinh. Nếu tất cả giáo viên đều làm được như thế thì mỗi bài học, bất kể là môn học nào, cũng sẽ là một bài học đạo đức giá trị dành cho học sinh” - cô Hạnh khẳng định. 

Chúng tôi không có môn học đạo đức

- Nếu có cơ hội nói lời cảm ơn, các bạn muốn cảm ơn điều gì? 

- Mình cảm ơn ba mẹ đã luôn chăm sóc mình. Mình cảm ơn thức ăn đã cho mình sức khỏe để học tập. Mình thì muốn cảm ơn chú mèo nhà mình lúc nào cũng chịu khó làm bạn với mình vì ba mẹ lúc nào cũng bận rộn…

Có rất nhiều lời cảm ơn đã được học sinh gửi đến cho nhiều đối tượng khác nhau: ông mặt trời đã cho chúng ta ánh sáng, ông ngoại chở mình đi học mỗi ngày, thậm chí chai sữa tắm đã cho mình một cơ thể thơm tho… được thể hiện trong clip dài 4 phút. 

Đó là clip mang tên Cảm ơn được trình chiếu trong buổi thuyết trình giới thiệu về chủ đề “lòng biết ơn” do học sinh một lớp (đã được phân công) thực hiện dưới sự trợ giúp của giáo viên chủ nhiệm. 

Những lời cảm ơn hết sức ngô nghê nhưng gần gũi và chân thật, gợi cho học sinh những hình dung về điều mà mình, các bạn và giáo viên sẽ hướng đến trong tháng. Hoạt động như trên được xem là buổi học đạo đức chung cho học sinh toàn khối Một, Hai, Ba, được thực hiện mỗi tháng một lần. Bài học đầu tiên của chủ đề là biết nói lời cảm ơn khi nhận được những điều tốt đẹp từ cuộc sống.

Không có quyển sách đạo đức nào được sử dụng để giảng dạy trong trường học của chúng tôi. Cũng không có môn học nào là môn học đạo đức. Nhưng những bài học mang giá trị đạo đức như thế vẫn được dạy mỗi ngày, trong những tiết học khác nhau, bằng cách truyền đạt sống động và dễ hiểu nhất. 

“Tắt quạt khi ra khỏi phòng, bỏ rác thải vào đúng nơi quy định, đó là cách chúng ta cùng nhau bảo vệ bầu khí quyển bởi chúng ta đã nhận được rất nhiều từ thế giới tự nhiên”, là thông điệp của giáo viên sau một bài học môn khoa học xã hội. 

“Nếu có một điều ước dành riêng cho mẹ mình, các em sẽ ước điều gì? Hãy viết lại câu chuyện dẫn em đến ước mơ ấy” là bài học nhắc nhở về lòng biết ơn sau tiết học kể chuyện Bông hoa cúc trắng

Đặt mục tiêu phát triển nhân cách học sinh, trường học sẽ chọn chủ đề cụ thể làm tinh thần xuyên suốt cho nội dung dạy - học trong từng tháng. 

Từ chủ đề cụ thể đó, mỗi giáo viên sẽ chủ động lựa chọn ngữ liệu phù hợp cho từng bài giảng để mở rộng, làm nổi bật chủ đề, để hướng đến mục tiêu cuối cùng là hình thành trong học sinh thái độ trân trọng đối với cuộc sống. 

Đó là cách trường chúng tôi phát triển nhân cách cho học sinh.

Huỳnh Hạnh

Thu Lê 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI