Cơm nhà không chỉ là cơm nhà
"Tôi là đứa trẻ mồ côi không cha mẹ, lên Sài Gòn làm thuê, hình ảnh gia đình bên nhau bữa cơm chiều đối với tôi rất thiêng liêng, rất đẹp" - Phạm Minh Hiền (sinh năm 1988) nói về sự ra đời của Bếp Hiền (quận Gò Vấp, TPHCM).
Xuyên suốt các bài viết của trang Bếp Hiền - Vietnamese Cuisine Online là những cảm xúc đẹp quanh bữa ăn gia đình, là niềm vui bếp ấm, nhà yên. “Hạnh phúc nhất là sau một quãng thời gian dài cố gắng và nỗ lực, bạn trở về với mái hiên nhà, nơi có cha mẹ và gia đình. Cùng nhau ăn bữa cơm đầy mùi vị, cùng kể nhau nghe những câu chuyện trong quá khứ, những dự định trong tương lai” - câu chào của Bếp Hiền vào một ngày cuối năm, khiến nhịp chân hối hả của nhiều người như dừng lại.
|
Món ăn của Bếp Hiền luôn “chuẩn cơm mẹ nấu” - Nguồn ảnh: Bếp Hiền Vietnamese Cuisine Online |
Minh Hiền kể, 16 tuổi, anh từ Rạch Giá lên thành phố phụ việc vặt tại hồ bơi rồi được bà chủ hồ bơi nhận làm con. Bà cho cậu bé Hiền đi học bơi để trở thành huấn luyện viên. Bà cũng bày cho Hiền nấu những món ăn theo phong cách và khẩu vị người Sài Gòn. Anh chia sẻ: “Má tôi nấu ăn tinh tế và kỹ lưỡng lắm. Bà là kho bí quyết và cũng là nguồn cảm hứng cho tôi theo hướng kinh doanh ẩm thực”.
“Tệp khách hàng của tôi không lớn, nhưng là những người tin tưởng, gắn bó. Có người thấy tôi rành tiếng Anh và các thủ tục giấy tờ, đã nhờ tôi thực hiện dịch vụ xuất cảnh. Từ căn bếp, nhiều mối quan hệ thân tình xuất hiện, mở lối cho tôi có thu nhập để chăm chút cái bếp, giảm áp lực lời lãi” - anh Hiền nói.
Là khách quen, có lần tôi hỏi anh Hiền, có bao giờ chính anh nhận ra mâm cơm của mình không có vị… cơm bụi - điều mà bao nhiêu hàng quán không tránh được. Hiền nói, đó là vì mâm cơm này được nấu cho “người nhà”. Nếu một người vợ, người mẹ dành điều gì cho người thân của mình qua mâm cơm gia đình, thì những món anh nấu cũng như thế. Nguyên liệu phải là thứ tươi và sạch nhất.
Ví dụ với thịt heo, anh lấy “heo nóng” từ doanh nghiệp cung cấp heo sinh học, để thịt nấu lên sẽ thơm, ngọt vị. Nếu dùng thịt heo nhập khẩu đông lạnh, sẽ giảm được một nửa tiền, nhưng phải dùng nhiều gia vị tẩm ướp để át “vị đông lạnh”. Những món ăn “chuẩn cơm mẹ nấu” cũng rất ít gia vị tổng hợp, mua sẵn, ngay cả nước màu cho món kho cũng được anh thắng từ đường và dầu, canh lửa cẩn trọng...
Vì tất cả những điều ấy, suốt 1 năm qua, một công ty Nhật Bản đã chọn Bếp Hiền cho bữa trưa của nhân viên mình.
Bán một mâm cơm đầy đủ, khách chỉ cần mua về rồi dọn ăn, nhưng anh Minh Hiền luôn nhắc khách tranh thủ nổi lửa. Anh quan niệm, bếp nguội thì cửa nhà thiếu ấm áp. Khách chỉ cần cắm một nồi cơm và đặt mua đồ ăn kèm. Với một số món canh rau, nhân viên bếp Hiền sẽ sơ chế rau riêng, nước dùng riêng. Khách chỉ cần nổi lửa, chờ sôi nước. Không mất quá nhiều thời gian mà hương bếp vẫn đượm.
Cái quán ít giống cái quán nhất
“Quán mà không phải quán” là ý tưởng kinh doanh của chị Hoàng Quyên (sinh năm 1988) - chủ quán ăn tên rất lạ: “Năm có 12 tháng”, trong con hẻm gần cầu Rồng (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
|
Chị Hoàng Quyên được mẹ dạy kho thịt từ khi mới lớp Ba, nay chị tự tin mở quán cơm nhà và được phản hồi rất tốt - Ảnh do nhân vật cung cấp |
“Năm có 12 tháng có cơm nhà - nơi không chỉ đến để ăn cơm nhà. Đó là nơi mọi người có thể gặp gỡ trò chuyện, chơi game, nghỉ ngơi và cảm nhận sự gần gũi. Chúng mình có một quán ăn như một ngôi nhà, có cơm tự nấu, nước nhà pha. Ngoài ra, chúng mình có không gian để đọc sách, chơi game cùng với bạn bè nữa” - chị Quyên viết như vậy trên trang Facebook của quán.
Từng là một nhân viên văn phòng, chị Quyên hiểu nhu cầu của đối tượng này. Ai cũng ngán cơm bụi, thèm một không gian ấm áp như ở nhà, với mùi thơm của cơm mẹ nấu, nhưng điều ấy thật khó tìm. Chị mở quán, dựa trên nhu cầu đó. Chị Quyên càng thêm tự tin khi được chồng ủng hộ và mẹ cho mượn mặt bằng để thiết kế một không gian gia đình đúng nghĩa. Khách ăn cơm xong có thể lên lầu chơi ô ăn quan, đọc sách, nghỉ ngơi tới… 22 giờ. Rất nhiều lần, khách được mách nước nên tìm đến quán chị, nhưng đứng lần khần phía trước rồi toan bỏ đi; khách thì đứng mãi, mở điện thoại kiểm tra địa chỉ rồi lại… dòm vào, đến khi có nhân viên ra mời thì mới biết mình không đến nhầm… nhà ai đó. “Năm có 12 tháng” nhìn từ bên ngoài không khác gì ngôi nhà khác, ngoại trừ thêm biển hiệu, mỗi người đến đây đều quên mất mình đang trong một hàng quán, mà đang ăn bữa cơm nhà…
Giờ “Năm có 12 tháng” đã là địa chỉ “ruột” của rất nhiều người Đà Nẵng và cả khách du lịch. Không ít gia đình khách du lịch Nhật, Hàn, Singapore, Malaysia… tới Đà Nẵng vui mừng khi tìm được quán cơm gia đình đúng ý mình, để lại lời ngợi khen trên các nền tảng mạng xã hội khiến chị càng có thêm động lực. Thế nhưng, niềm vui lớn của chị là có những người mẹ, vì quá bận rộn nên không thể nấu ăn mỗi ngày cho gia đình, đã chọn bữa cơm của chị như giải pháp hoàn hảo.
Thèm món gì, các con của chị khách hàng đó chỉ cần yêu cầu mẹ đặt và chị Hoàng Quyên lại chăm chút bữa ăn ấy hệt như bữa cơm nhà mình.
Hồng Phương
Chắc mẹ đang phù hộ tôi Từ lúc lớn lên, tôi không có cha. Năm 10 tuổi, mẹ tôi đi thêm bước nữa. Chiều ấy, tôi đi học về, mẹ chừa cho tôi hẳn cái đùi vịt luộc. Tôi bới tô cơm ngồi ăn trước cửa, cha đi nhậu về, đá tôi một cái, tô cơm bể tan nát, cái đùi vịt lăn ra sân, con chó chạy tới tha đi mất. Từ ấy, mẹ quyết không sống chung với cha nữa. Hôm sau, mẹ lại tiếp tục làm thịt một con vịt, lần này, mẹ nấu cà ri. Tay chân, mặt mày mẹ bầm tím vì xô xát với cha. Tôi sợ mẹ cực, lẽo đẽo theo mẹ phụ vặt. Tôi nhớ mẹ dặn cho nước cốt dừa vào khi nào là nồi vịt sẽ có vị béo, thơm ngon nhất. Mẹ còn dặn lửa lúc xào phải lớn cho mau săn thịt, lúc nấu phải nhỏ lửa cho mềm thịt và ngọt nước. Tôi nhớ như in, tôi còn hứa, lớn lên con sẽ nấu thật ngon cho mẹ ăn. Mẹ trách yêu: “Cha bây, đợi bây nấu cho tao ăn chắc lúc đó tao ăn đất rồi...”. | Món cà ri vịt từ công thức của người mẹ quá cố giúp anh Minh Hiền khởi nghiệp - Nguồn ảnh: Bếp Hiền Vietnamese Cuisine Online |
Thật, tôi chưa kịp lớn, chỉ sau nồi cà ri vịt ấy 2 năm, mẹ bỏ tôi mà về với đất. Từ ngày ấy, tôi bơ vơ, côi cút. Rồi tôi tự mày mò và thầm mơ ước sẽ nấu thật ngon món cà ri vịt. Cứ mỗi khi giỗ mẹ, tôi hay nấu món này, ai ăn cũng khen. Tôi quyết định nấu món này đem bán. Có khách cứ ăn miết mà không ngán, lần nào cũng khen ngon. Tôi hay tự hỏi, có phải mẹ đang theo phù hộ con không? Phạm Minh Hiền |