Món bún cá “đầu cổ” của má

06/09/2021 - 06:30

PNO - Thành phố giãn cách, vợ chồng động viên nhau: “Ráng để thành phố an toàn, mình cũng được an toàn. Thôi, cơm cháo có gì ăn nấy là vui rồi”. Vậy nhưng chồng nhìn tôi ao ước: “Phải như mấy năm trước, tầm này dẫn mấy đứa nhỏ về quê, má nấu món bún cá ăn ngon nhức nách”.

Chồng tôi đang nhắc đến cái món bún đầu cổ cá ngừ mà má tôi hay nấu. Tự nhiên nghe anh nhắc, có một sự… thèm trỗi dậy trong tôi. Hương vị hành ngò phưng phức đâu đây, trước mắt tôi lại hiện lên tô bún cá thơm lừng của má.

Nhà tôi ở quê xa biển, nhưng chợ luôn có cá tươi. Buổi sáng, nếu chịu khó đi chợ sớm, cá tươi từ biển Quy Nhơn về, thỏa sức mà lựa. Những con cá ngừ đại dương to tươi xanh roi rói, mắt còn trong veo được ướp trong những cái thúng chuyên dụng có đầy ắp đá bào. Cá ngừ to nên được các bà bán cá xẻ thành từng khoanh nhỏ, lại chia làm bốn khúc để bán. Mỗi mớ cá như vậy thường được để lên một miếng lá chuối xanh, cứ bày ra như vậy rồi người mua tùy chọn. Phần đầu cá người ta cũng chẻ thành miếng nhỏ vừa ăn để thành từng mớ. Với những con cá ngừ đại dương to thì chỉ cần mua một đến hai cái đầu là đủ để nấu nồi bún cá.


Ngày đó, má đi chợ thỉnh thoảng “đổi vị” cho cả nhà bằng món bún đầu cổ. Vì nước lèo được nấu từ phần đầu cổ cá ngừ nên má hay gọi là bún “đầu cổ”. Thực ra vì nhà không khá giả nên má tôi chọn mua phần đầu cổ vừa rẻ, vừa nấu được món bún ngọt thanh, đậm vị.

Món bún đầu cổ má nấu khá đơn giản. Cá ngừ mua về rửa sạch, bỏ phần mang cá, còn lại là sử dụng hết. Má rửa đầu cổ cá rồi để vào rổ cho ráo nước. Tiếp đó má bắc nồi nước để sôi. Khi chờ nước sôi, má đi rửa rau. Rau để nấu đầu cổ cá ngừ thường có loại giá thân dài với phần đầu lá non ở trên (giá người ta gieo trong mấy lồng cát ở quê). Một chút rau răm, rau ngò, rau thơm, một, hai trái cà chua, một phần tư trái thơm, mớ hành lá. Tất cả rau rửa xong thì cắt khúc để ráo nước.

Má lấy phần củ hành tươi, thêm khoảng hai, ba củ hành tím khô, một vài trái ớt đỏ, một chút đường rồi giã chung trong cối. Nước sôi, má bỏ phần hành ớt vừa giã vào, nêm xíu bột ngọt và nước mắm, thêm chút muối cho vừa ăn. Má bảo, nếu làm vậy sẽ khử được mùi tanh của cá. Tiếp đó, má cho phần đầu cổ cá ngừ vào nấu sôi tầm 3 - 5 phút. Cuối cùng, trước khi tắt bếp, má cho vào phần rau đã chuẩn bị sẵn. Thêm xíu dầu ăn, nêm nếm lại một lần nữa là xong xuôi phần nước lèo. 

Có người muốn ăn đậm đà hơn, má giã tỏi ớt, pha chén nước mắm cay cay. Bún mua về không cần trụng lại vì bún ở quê ngày đó thường người ta làm sạch sẽ, mới ra lò còn nóng hổi. Bỏ bún vào tô, chan xâm xấp nước lèo, cho thêm vào đó một, hai miếng cá, thế là đã có một tô bún đậm đà, đúng vị biển. Ai muốn ăn mặn mà hơn thì chan một xíu nước mắm ớt tỏi nữa là đã có bữa no nê.

Hồi tôi đưa chồng về ra mắt gia đình, má nấu món bún cá này. Chồng là người Sài Gòn, lần đầu tiên được thưởng thức món bún cá lạ miệng, tấm tắc khen ngon. Trước khi “làm thêm tô nữa”, chồng gãi gãi đầu: “Bún này là bún gì mà ngon vậy ạ?”. Má cười: “Bún đầu cổ đó con”. Bởi vậy, chồng ấn tượng mãi cái tên bún cá nghe… hết hồn, nhưng… ngon hết biết.

Ngày trước giãn cách, chị Năm và bé Út gửi từ quê vô thùng thức ăn tiếp tế, trong đó có con cá ngừ to. Chồng bảo “ngon rồi, em coi kiếm mớ rau nấu bún đầu cổ, lâu quá rồi không được ăn món bún của má nấu”. Vậy là tôi cố gắng kiếm đủ nguyên liệu về nấu món “bún hết hồn” mà chồng mơ ước. Để ngọt nước, tôi “biến tấu” thêm chút sườn non và giá sống ăn kèm theo đúng kiểu Sài Gòn nhưng vẫn nấu đúng cách ngày xưa má nấu. 

Dù cá không tươi ngon như ngày trước, cũng không đúng hương vị má nấu nhưng phần nào “giải tỏa” được cơn thèm hương vị quê hương. Mà bạn biết rồi đó, vị quê hương khi nó đã quyện vào hồn mình thì khó mà quên cho được. 

Huyền Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI