Món bì của những ngày hè xa xưa

09/05/2020 - 09:37

PNO - Những ngày hè xa xưa đó, hễ sớm mai thấy ngoại xách giỏ đi chợ, là đám cháu í ới nhắn với theo: “Nay làm bì ăn ngoại ơi!”. Món bì của ngoại ngon lạ kỳ trong trí nhớ của đám cháu đến tận bây giờ.

1.

Cơn mưa đầu mùa tưới mát lên những ngày bức bối của Sài Gòn. Cả quãng thời gian giãn cách xã hội, bó gối trong nhà với đủ thứ sáng tạo để không nhàm chán, bếp ăn là nơi mọi người thỏa chí bày biện và thể nghiệm. Mấy chị em hay nói vui, nếu giờ này còn ngoại, chắc là tụi con cháu no nê với những món quê.

Hồi ngoại còn sống, cứ đụng đến mấy món nấu nướng khó thì đám cháu lại tíu tít điện thoại hỏi ngoại. Ngoại khéo tay, món gì cũng biết nấu, lại giữ nhiều bí quyết gia truyền, nên món gì dù cách chế biến giản đơn nhưng qua bàn tay ngoại cũng ngon lạ lùng. 

Tôi nhớ, hồi còn nhỏ, cứ vào đầu mùa mưa, mấy anh chị em hay chộn rộn chờ ngày được nghỉ hè để về với ngoại. Ngoại ở Nha Mân, miệt đồng bưng màu mỡ phù sa, trù phú thảo thơm hoa lá. Về với ngoại tha hồ tắm sông, leo cây hái trái.

Ngày đó, niềm vui lớn nhất của chúng tôi là được ngoại nấu cho những món quê mà trên phố thị hiếm khi được thấy. Mấy bữa trời nóng, đám cháu mê chơi với sóng nước ruộng vườn, đứa nào cũng biếng ăn, ngoại hay bày những món ăn nhanh gọn nhất, để đám cháu ùa vào ăn trong tích tắc, rồi lại phóng vội ra vườn mà chơi đuổi bắt hay xuống sông lội bì bõm. 

Những ngày hè xa xưa đó, hễ sớm mai thấy ngoại xách giỏ đi chợ, là đám cháu í ới nhắn với theo: “Nay làm bì ăn ngoại ơi!”. Món bì của ngoại ngon lạ kỳ trong trí nhớ của đám cháu đến tận bây giờ. Hồi đó, Sài thành làm gì có mấy món chân quê như vậy. Ngoại cứ lui cui trong chái bếp sau hè nấu nướng. Ngoài vườn, tiếng cười giỡn của đám cháu cứ ríu ran. 

Món bì của ngoại chủ yếu làm bằng da heo và thịt ba rọi. Đầu tiên, da heo phải được làm sạch lông, rồi ngâm rửa sạch với muối pha giấm. Sau đó, ngoại luộc da heo cho chín tới rồi vớt ra ngâm trong tô nước đá chừng năm phút cho da săn và trắng. Có lần chị Hai nhìn ngoại, thắc mắc hỏi, ngoại cười hiền, thì để sau này trộn bì, da heo dai dai giòn giòn mới dụ được mấy đứa cháu. 

Thịt ba rọi ngoại cũng sơ chế như da heo, để ráo rồi cắt miếng mỏng vừa, ướp ít muối trước khi đem áp chảo với ít nước. Khi chảo thịt cạn hết nước, ngoại mở nắp nồi cho mỡ trong thịt tươm ra giúp miếng thịt vàng nhưng mềm, đậm đà. 

Rồi ngoại đãi sạch gạo nếp cho vào chảo rang đều đến khi chín vàng dậy mùi thơm thì đem xay thật mịn làm thính. Sau đó, ngoại trộn thính, da heo và thịt đã xắt sợi mỏng cho thấm đều. 

Ngoại làm tỉ mỉ, từng chút từ đầu buổi chợ về cho đến trưa trời đứng nắng, thì mấy đứa cháu có món bún bì để hí hửng giành nhau. Mấy thứ rau tập tàng trong vườn nhà (húng quế, diếp cá…) được đám cháu hái vào trộn chung với bún, chan thêm ít nước mắm chua ngọt, sẵn sàng thưởng thức. 

Món bì của ngoại thường được biến tấu cho thêm lạ miệng bằng cách ăn cùng bánh bèo, bánh hỏi hay bánh tằm nước cốt dừa. Cũng có lúc ngoại cho đám cháu ăn sáng bằng bánh mì bì. Vừa lạ vừa quen, đến nỗi bánh mì bì từng là món ăn khoái khẩu suốt thời sinh viên của tôi trên đất Sài Gòn. 

2.
Còn nhớ, Sài Gòn có xe bánh mì bì nổi tiếng trên đường Bùi Thị Xuân. Một đứa bạn sinh viên thuở ấy chỉ chỗ cho tôi tìm đến, trong một lần tôi nhìn nó ngấu nghiến ổ bánh mì bì. Phải nói, lúc đó, cả một trời ký ức tuổi thơ quay về. Có tuần tôi ăn sáng bằng bánh mì bì đến năm ngày. Cho đến lúc bắt đầu đi làm, thỉnh thoảng thèm và nhớ, tôi vẫn chạy đến xe bánh mì bì quen thuộc, dù đường đi ngược hướng nơi tôi làm việc. 

Đôi lúc chợt nhớ quê, nhớ ngoại, tôi lùng sục khắp Sài Gòn những món ăn liên quan tới bì. Những hôm được lãnh lương, tôi hay tìm đến xóm chợ Bàn Cờ ăn món bún bì. Chủ quán là người miền Tây, tha hương lập nghiệp hơn 25 năm ở Sài Gòn. Tình cờ như cái duyên đưa đẩy, chị neo phận mình nơi xóm chợ sầm uất với món bún bì thân quen, món bún mà hồi nhỏ má chị hay làm vào những ngày hè nóng bức cho đám con mình ăn.

Chị cười hãnh diện: “Món gia truyền nhà chị đó em. Khách chị đa phần ăn từ hồi mới mở quán tới giờ”. Từ bún bì, cuộc đời chị khấm khá hơn và trụ được ở cái đất phồn hoa đô hội này. Có lần quán thưa, chị kể khách chị phần nhiều là dân miền Tây ghé ăn, quen vị rồi thành mối, cứ thế năm bảy năm sau vẫn tìm về góc chợ xưa mà ăn, thậm chí còn đưa con cái đến. Có khách ăn quen khoe đã mua nhà lập nghiệp nơi đây. Cứ vậy mà món quen níu chân những kẻ tha hương xích gần lại nhau. 

3.
Theo nhịp rong ruổi mưu sinh, lắm khi đi qua những miền đất lạ, lần nào thấy mấy quán ăn có bán món bì, tôi cũng như đứa trẻ háo hức thèm thuồng. Cách đây ba năm, trong một chuyến đi lên Lái Thiêu, khi anh bạn đồng nghiệp ngỏ ý mời bữa cơm trưa, tôi còn nhớ mình đã hỏi xem xứ này có quán nào bán những món ăn với bì. Anh bạn cười đắc chí rồi đưa tôi đến một quán bán món bì trứ danh trên 100 năm nức tiếng xứ này - Bánh bèo bì Mỹ Liên.

Đây chỉ là một tiệm ăn nhỏ, nằm ngay thị tứ sầm uất của một miền đất đang trên đà phát triển. Ấy vậy mà đã bốn thế hệ sống và trưởng thành bởi món ăn dân dã, chân quê này. Cứ hết thế hệ này rồi đến thế hệ khác gìn giữ và phát triển món ăn lạ quen độc đáo ấy, dẫu qua bao biến chuyển của thời cuộc, bao thăng trầm của đời người. 

Bữa trưa hôm đó, anh bạn đồng nghiệp hỏi, bánh bèo bì xứ này, bạn ăn xong thấy sao? Tôi chỉ cười và nói đúng một từ: “Đã!”. Khi nỗi nhớ quyện vào sự thèm thuồng một vị xưa thì chỉ cần dùng đúng một chữ mộc mạc như thế, đã là gói trọn cả sự hài lòng của mình. 

Duy chỉ có món bì đậu phộng của ngoại, bao năm rồi, tôi vẫn chưa tìm thấy ở bất cứ nơi nào. Hồi anh Ba tôi được giải học sinh giỏi cấp tỉnh, hè đó lúc đám cháu về, ngoại bảo sẽ thưởng riêng cho anh Ba một món bì lạ mà chưa bao giờ ngoại làm. Đám cháu hớn hở ra mặt, chờ… ăn ké.

Ngoại ngâm đậu phộng vào nước ấm chừng một tiếng, rồi bắt đầu nấu cùng ít đường, ít muối, tiêu và ớt. Đám cháu mắt tròn mắt dẹt nói cay quá làm sao ăn nổi ngoại ơi. Ngoại cười hì hì: “Liệu chừng mà ngoại bỏ tiêu, ớt, không cay lắm đâu. Mà tụi con cũng nên tập ăn chút cay the, để thấy món ăn cũng như cuộc sống này. Trong cay có ngọt…”. Năm đó đám cháu 15 - 16, lứa tuổi đang háo hức bước vào đời. 

Lần đó, bì ngoại làm lạ hơn. Ngoại sên da heo trên lửa nhỏ sau khi đã làm sạch, thêm chút mắm và đường. Cái vị mặn mà đầy hấp dẫn tràn ngập trong gian bếp quyện cùng màu bì hươm vàng. Đám cháu cứ ừng ực mà thèm thuồng.

Ngoại trộn đậu phộng với bì heo đã sên cắt sợi bản dày gấp ba sợi bì bình thường, thêm chút nước tương, giấm và dầu hào. Rau răm cắt nhuyễn cũng bỏ vào chung. Tất cả trộn đều lên, rồi ngoại chia mỗi đứa một chén. Cữ ăn xế của đám trẻ mang phong vị chua cay mặn nồng, đủ đầy mọi cung bậc. Đó chính là cái món bì đậu phộng trứ danh của ngoại mà mãi sau này, khi nhắc lại, đứa cháu nào cũng nhớ, cũng thèm. 

Bôn ba xa quê, tạo dựng gia đình trên mảnh đất Sài thành này, thoảng khi đám cháu mày mò làm lại mấy món bì của ngoại, cũng không thể nào ra được phong vị của ngày xưa. Thời buổi công nghiệp cái gì cũng chạy ào ra chợ để mua, đâu còn chăm chút tẩn mẩn để làm ra được những món ăn thắm đượm vị yêu thương như hồi đó.

Cho tới bây giờ, khi đã lang thang khắp nẻo Sài Gòn, đi qua nhiều vùng miền, tôi vẫn chẳng tìm được chỗ nào bán những món bì đúng vị của ngoại. 

Quê nhà đã trải qua biết bao thay đổi, đám cháu con từ lâu đã quen với nhịp sống thị thành, ít có dịp tề tựu cùng nhau ở quê mỗi bận ve gọi hè, chỉ biết nhớ ngoại, thèm món bì, mỗi khi nghe mưa đầu mùa gọi về những ký ức yêu thương. 

Tống Phước Bảo

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI