Món bắp hầm của mẹ

11/03/2017 - 12:00

PNO - Giờ mẹ tôi đã gần bảy mươi, răng cái mất nhiều hơn cái còn, nhưng bỗng dưng một bữa mẹ kêu thèm bắp hầm quá, con thấy ai bán mua cho mẹ một gói

Đã hơn hai mươi năm nhưng mỗi buổi hoàng hôn, khứu giác tôi như vẫn còn vương mùi nồng nồng của khói bếp củi chưa khô những buổi chiều ấy… Hồi ấy, tôi khoảng 14-15, mỗi lúc mẹ tắm cho con Út, mới 3-4 tuổi, là tôi lãnh nhiệm vụ cầm cái sạn cán dài trộn 4-5kg bắp hầm trong cái nồi gang số 20. Đó là cơm áo của cả gia đình tôi.

Mon bap ham cua me
 

Con Ba và thằng Tư thì lo bữa cơm chiều, thằng Năm chỉ 5-6 tuổi cũng phải quét nhà, dọn chén. Cha đi làm chưa về. Cơm nước xong, cha chơi với con Út, mấy mẹ con thì xúm lại lau lá chuối. Những tàu lá chuối quanh vườn đã được tôi cắt phơi suốt ngày, giờ lau cho sạch để mẹ xé từng miếng cho vừa gói bắp.

Tôi lớn nhất trong bầy con nên còn phải gọt muỗng. Muỗng để ăn bắp hầm làm từ bẹ cây thơm (khóm), róc bỏ hai rìa gai, cắt khoảng 10cm, chỉ lấy từ gốc đến trên giữa bẹ vì phần cuối bẹ rất mềm không dùng được. Lau lá xong, các em tôi mới đi học bài. Mẹ xé lá xong là rang muối mè. Những hạt mè nóng lên căng tròn, thơm phưng phức.

Mè làm muối rắc vào bắp hầm nên phải để quá lửa một chút, vài hạt sẽ cháy sém. Trên nền vàng rơi ấy, điểm vài hạt mè cháy giúp mùi muối mè dậy hơn. Khi mẹ rang mè, tôi vẫn phải trộn nồi bắp hầm thêm lần nữa. Bắp mua về phải lựa sạch sạn, đãi kỹ bụi cát, ngâm qua một đêm mới có thể hầm. Còn phải là bắp nếp, khi hầm mới mềm và nhiều nhựa. Cũng có khi mẹ “tổ trác”, mua nhầm loại bắp hầm mãi không nhừ, cứ trông trổng hạt nào ra hạt đó, phải “trị” bằng bí quyết: cứ 4kg bắp thì thêm vào một lon gạo; tức thì bắp sẽ mềm ngon và nhiều nhựa.

Gánh bắp hầm của mẹ tôi ngày đó một đầu là nồi bắp nằng nặng, đầu kia là chiếc bội đặt trên một cái mâm. Dưới bội là lá chuối để gói bắp, trên mâm là những lọ đường, muối mè, xấp muỗng, trái dừa rám cùng cái bàn nạo “dân gian” cắt từ lon sữa Ông Thọ. Cha tôi là người “chế” cái bàn nạo ấy. Vỏ lon sữa cắt thành từng sợi bề ngang khoảng hai cây tăm nhang, dài 5cm. Gấp hai đầu lại nhưng không gấp bẹp mà chỗ gấp phải còn hình vòng cung. Lấy mười cái vòng cung như thế ghép vào miếng vạt tầm vông, dùng kẽm xiết lại cho chặt là đã thành chiếc bàn nạo.

Khi nạo dừa cho vào gói bắp, mẹ chỉ việc cầm cái “bàn nạo” ấn vào miếng dừa, những sợi cơm dừa trắng muốt sẽ trồi lên. Bí quyết của một gói bắp hầm ngon đạt chuẩn là bán tới đâu, nạo dừa tới đó, nạo trước dừa sẽ “hôi gió” làm bắp mất ngon. Gói bắp ngày đó tuy dân dã nhưng ngon mắt ngon miệng với đầy màu sắc: màu lá chuối xanh (hoặc vàng), màu bắp trắng; lại thêm từng sợi dừa sần sật và muối mè vàng vàng thơm thơm.

Giờ mẹ tôi đã gần bảy mươi, răng cái mất nhiều hơn cái còn, nhưng bỗng dưng một bữa mẹ kêu thèm bắp hầm quá, con thấy ai bán mua cho mẹ một gói. Tôi tìm mãi mới thấy một người bán, nhưng gói bắp nay đã khác hẳn: đựng trong hộp xốp trắng, muỗng nhựa trắng, dừa nạo máy nát nhừ, thậm chí còn chua chua vì gió. Muối mè cũng không thấy hạt mè, chỉ thấy một thứ bột nhuyễn vàng vàng.

Người bán giải thích, muối mè xay bằng cối xay sinh tố cho khỏe, tay chân nào làm nổi! Mẹ tôi cầm gói bắp mà rưng rưng, nhắc chuyện ngày xưa những gói bắp như vậy đã góp thành cơm thành áo cho tụi con lớn khôn; nhưng sao giờ người ta “khi dễ” nó quá. Nhạt nhẽo vầy sao ăn cho ngon được. Tôi nói, vì thời cuộc mẹ ơi, giờ làm sao có nhiều lá chuối, bẹ thơm để gói bắp, múc bắp nữa.

Mẹ gục gặc mái đầu bạc, ánh mắt như đang dõi về vùng kỷ niệm xa xăm …

Thùy Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI