Món ăn quê chồng

03/10/2024 - 21:18

PNO - Có món phải tự tay làm, có món phải hiểu được ý nghĩa mới cảm nhận được hương vị.

Hạt dổi rừng, một loại gia vị đặc sắc của ẩm thực Tây Bắc
Hạt dổi rừng, một loại gia vị đặc sắc của ẩm thực Tây Bắc - Ảnh: Gia Hân

Duyên số thế nào mà cô em chồng tôi vừa lấy chồng xa, vừa làm dâu trong vùng đồng bào thiểu số. Ngày em dẫn bạn trai về ra mắt, ba mẹ chồng tôi đã đe: “Con có ăn được món ngóe ôm măng không mà lấy nó?”.

Thực tình tôi cũng từng ăn món canh măng “khủng khiếp” đó. Sau cơn mưa, người ta sẽ ra đồng dùng đèn ló để soi và bắt những con ngóe đem về. Đợi qua vài ngày không cho chúng ăn gì để cơ thể đào thải hết chất cặn bã mới đem rửa sạch và nấu theo kiểu rất… độc lạ. Ngóe được thả vào nồi cùng măng. Khi nước nóng dần, chúng hoảng sợ và chỉ còn cách ôm chặt lấy những khúc măng như phao cứu sinh rồi trở thành món ăn trong tư thế đó.

Cô em quyết tâm lấy chồng, nhưng đến khi về làm dâu mới nhận ra những điều bất cập, nhất là chuyện ăn uống. Lần nào về phía chồng, em cũng lấy cớ đau bụng để ăn cơm với nước mắm hay trứng luộc. Ngày thường thì chẳng sao, nhưng đến lúc giỗ chạp, phải trực tiếp vào bếp cùng chị em dâu, nhiều lần ba mẹ chồng mừng hụt khi thấy con dâu nôn ói, ngỡ em mang bầu.

Dần dà, chồng em nhận ra điều đó nên khó chịu, nghĩ vợ chê nhà mình, dân tộc mình. Từ việc nhỏ hóa chuyện lớn, lời qua tiếng lại, em xách vali bỏ về nhà. Chỉ vì chuyện món quê mà gia đình đứng trước nguy cơ tan vỡ.

Tối ấy, tôi đi trực về, thấy em đang ngồi khóc ngoài hiên. Em hỏi tôi sao đời em khổ vậy, sao lại có những món ăn kỳ lạ mà người ta ăn được còn em thì chỉ nghĩ đến đã sợ. Tôi xoa đầu cô em: “Ủa, em quên chị cũng đang làm dâu nhà em à? Nhà chị cũng xa tít tắp đó thôi”. Nghe xong, em có vẻ bình tĩnh hơn, lấy tay gạt nước mắt, hỏi: “Thế có món gì ở đây chị không ưng không?”.

Tôi khuyên chân thành: “Mỗi vùng đất có địa hình, khí hậu khác nhau nên có những loài cây, con vật riêng; cách ăn ở cũng có nét khác biệt. Chỉ cần chế biến vệ sinh, sạch sẽ, ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm không độc hại là được em ạ”. Tôi cũng khuyên em, nếu không ăn được nhiều thì cũng hãy có thành ý nếm thử, để chồng vui.

Bữa nọ lên Facebook, thấy em chồng tôi khoe ảnh từ quê lên, tay xách, nách mang các món quà quê. Trong bữa ăn nhà em dần dần thấy có măng chua, hạt dổi, thịt muối chua, rau đắng tập tàng… Hóa ra, cô em tôi đã có tính toán: bữa cơm gia đình trở thành “phòng thí nghiệm” để cô tiếp cận với các món. Có món phải tự tay làm, có món phải hiểu được ý nghĩa mới cảm nhận được hương vị.

Hôm rồi, mẹ chồng tôi bảo bà thông gia bên đó kể con dâu làm món măng tuy cho ớt hơi nhiều nhưng đã có vị chua thơm đúng độ, món lòng cá chấm rau đắng tập tàng không còn tanh, thịt trâu nấu lá lồm đã nhừ. Chuyện ăn uống suôn sẻ khiến tình cảm vợ chồng cũng ấm áp trở lại.

Mỗi người đều sinh ra ở một vùng miền, một dân tộc, mỗi gia đình với thói quen sinh hoạt, ăn ở khác nhau. Không thể gò ép người vợ, người chồng của mình theo một công thức, luật lệ; nhưng rõ ràng nếu có thể tiếp cận, hòa hợp thì nửa kia của mình sẽ cảm thấy được trân trọng, yêu thương.

Bùi Việt Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI