Món ăn may mắn cho năm mới

09/02/2020 - 08:01

PNO - Cầm miếng bánh tổ dẻo quẹo trong tay, từ từ thưởng thức, là ta tin rằng trong đời sống ẩm thực, đôi khi trước một miếng ăn cũng cần thành kính. Có vậy ta mới thưởng thức được trọn vị ngọt ngon mà miếng ăn mang trong mình lẫn ý nghĩa hay ho ẩn tàng trong đó.

Dù guồng quay công việc trong năm mới đã bắt đầu từ khoảng mùng Năm, mùng Sáu tháng Giêng trở đi, nhưng cái sự ăn sự chơi của người xứ mình vẫn còn thủng thỉnh đến hết tháng. Sau ngày vía Thần tài đầu năm, người ta lại nghĩ đến việc sửa soạn những món cúng rằm tháng Giêng (Nguyên tiêu) sao cho đầy đặn, đủ lễ nghi, lễ vật.

Bao đời qua, cộng đồng người Hoa trên đất Việt vẫn giữ nguyên truyền thống dâng lên tổ tiên và đức Phật bánh tổ - món bánh nếp dẻo thơm ngọt ngào. 

Bánh tổ biến tấu theo kiểu Hội An (màu khác bánh tổ nguyên bản của người Hoa)
Bánh tổ biến tấu theo kiểu Hội An (màu khác bánh tổ nguyên bản của người Hoa)

 

Một món bánh, nhiều biến tấu

Món bánh truyền thống của người Hoa vốn đã xuất hiện từ rất lâu. Nó chỉ đơn thuần là một chiếc bánh ngọt dẻo thơm được làm từ bột nếp và nước đường, thêm ít gừng giã nhuyễn để tạo hương và chút cay dịu nhẹ cho ấm tì vị. Về sau, tùy khẩu vị từng vùng miền, từng nhóm lưu dân người Hoa ở những khu vực khác nhau mà chiếc bánh có thể được thêm thắt một ít hạt kỷ tử hoặc có nhân đậu đỏ. Riêng bánh của người Tiều chỉ ăn sau khi chiên phồng lên rồi nhúng vào hỗn hợp đường cát, đậu phộng. 

Đường để làm bánh cũng tùy sở thích mà người làm có thể chọn đường thẻ, đường mật, đường thốt nốt, đường bát, đường phèn, đường kính trắng… Bánh sau khi hấp lên màu sáng hay sẫm tùy vào loại đường được chọn. Mặt bánh có trơn láng đẹp đẽ như cô gái mang làn da bánh mật hay như một cậu trai tuổi dậy thì mặt rỗ lốm đốm, cũng tùy vào tay nghề và độ kỹ lưỡng của người làm bánh. Người Hoa vốn kỹ tính, nên những chiếc bánh tổ được lựa chọn để dâng cúng rằm, phải là loại “mặt hoa da phấn”. Còn lại, những chiếc bị bọt khí đành nương náu tủ lạnh, chờ được cắt từng lát mỏng chiên ăn dần. 

Bánh tổ trắng in chấm đỏ của người Hoa
Bánh tổ trắng in chấm đỏ của người Hoa

Mỗi mùa tết đến, bọn trẻ con cùng thời tôi hồi đó vô cùng háo hức bởi những thức quà như bánh mứt, dưa hấu, các loại hạt, bánh kẹo ngon… đều được người lớn nhường phần. Sau tết, dù có thèm chảy nước bọt vẫn không tìm đâu ra những thức quà đặc biệt đó nữa. Nhưng bù lại, tôi may mắn hơn bọn trẻ hàng xóm là còn có bánh tổ để ăn và để khoe, để bẹo cho bọn bạn thèm chơi.

Món ngon xứ gốm

Làm sao tôi có được miếng bánh tổ thơm ngon trong khi bạn bè thèm đứt ruột mà không có? Là vì tôi may mắn có quê nội ở Sông Bé (Bình Dương ngày nay), một vùng có lượng lưu dân người Hoa đông đúc. Khi Sông Bé còn là hợp nhất của ba tỉnh Bình Dương, Bình Long, Phước Long thì lượng người Hoa còn đông không đếm xuể.

Những khu lán trại của người Hoa trải dài từ Dầu Tiếng đến Thủ Dầu Một, Thuận An… mang đến nhiều sắc màu trong văn hóa ẩm thực lâu đời, góp phần tô điểm, làm phong phú thêm nền văn hóa ẩm thực dân dã, bình dị, mộc mạc của xứ gốm Bình Dương.

Lịch sử Bình Dương ghi nhận đến thời điểm này, số Hoa kiều trên xứ gốm đã vượt xa con số 20.000 người. Và món bánh tổ của người Hoa trên đất Bình Dương vẫn đều đặn hằng năm được giữ gìn, lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng người Việt. Nhiều người Việt dần quen và thường chọn món bánh này để dâng cúng dịp đầu năm. 

Bánh tổ sau khi cắt lát chiên phồng lên ăn rất ngon
Bánh tổ sau khi cắt lát chiên phồng lên ăn rất ngon

Bình Dương còn nổi tiếng với sự kiện rước kiệu Bà Thiên Hậu xuất hành du xuân, là một lễ hội tâm linh  lớn nhất miền Nam vào rằm tháng Giêng hằng năm. Dẫn đầu đám rước kiệu là một đoàn múa Hẩu (Kim Mao Sư - sư tử rồng vàng - con thú chúa của các loài thú). Đoàn lân sư rồng này thường là đoàn của người Hoa thuộc Phúc Kiến. Lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu xuất du khắp các ngả đường thuộc phường Phú Cường, Thủ Dầu Một, Bình Dương, sau đó đưa kiệu Bà về đặt trang trọng trong chùa Bà Thiên Hậu.

Sau nghi thức dâng lễ vật, dâng hương cúng bái, người đi chùa nếu may mắn sẽ được chia “lộc” là bánh trái đã được thắp hương trên bàn thờ Bà để mang về, hàm nghĩa mang may mắn, phúc lộc về nhà. Và chiếc bánh tổ chính là món lộc may mắn dành cho người “có lộc” nhất hôm rằm. Má tôi, nếu được chia lộc là chiếc bánh sẽ khư khư mang bánh về nhà cho con cháu chứ nhất quyết không chia sẻ với ai. “Lộc bánh” chỉ là một thứ quà nhỏ tượng trưng nhưng ý nghĩa đằng sau rất lớn. 

Má mang bánh tổ về, chị em tôi háo hức xếp hàng chờ má chia phần. Nhưng không, má nói bánh muốn ăn “sống” cũng phải để vài ngày sau ăn mới ngon. Còn không thì phải bỏ tủ lạnh, chừng nào muốn ăn thì cắt lát ra chiên phồng. Miếng bánh chiên lên, lớp da cùng lớp hạt mè rắc bên ngoài phồng lên như miếng bì lợn, ám lửa thành ra màu nâu đậm, hơi khen khét. Bên trong bánh vẫn mềm, dẻo đến mức hễ cắn là miếng bánh dính chặt vào răng.

Má nói mấy người Hoa kể chuyện vui như vầy: bánh tổ hồi xưa thường được người Hoa dâng cúng ông táo. Mà ông táo vốn không biết giữ bí mật, có bao nhiêu chuyện đẹp xấu trong gia đình loài người, ông kể hết với Ngọc Hoàng, khiến Ngọc Hoàng bao phen nổi giận. Vì vậy, người ta bàn nhau làm món bánh tổ thật dẻo, dai, dính, cốt để táo ăn bánh sẽ bị dính miệng, hết “nhiều chuyện” để loài người bớt khổ. Bọn trẻ con nghe chuyện cười suốt. 

Lộc xuân

Món bánh cúng rằm mang xuống khỏi bàn thờ trở thành lộc đầu năm. Lộc bánh giúp trẻ con ăn ngoan chóng lớn, học hành giỏi giang, đỗ đạt thành tài. Người lớn trong nhà ăn bánh sang năm làm ăn, công việc thuận lợi, hanh thông. Miếng bánh cũng mang ý nghĩa giúp cả nhà gắn kết với nhau. Thế nên bánh tổ chính là món khoái khẩu của mọi người trong nhà.

Chiếc bánh tổ nguyên thủy của người Hoa thường mang màu vàng sậm và màu trắng
Chiếc bánh tổ nguyên thủy của người Hoa thường mang màu vàng sậm và màu trắng

 

Người lớn nhón miếng bánh chiên phồng thơm mùi gừng, nhấp ngụm trà đen, vị đắng chát của trà hãm bớt vị ngọt đậm của bánh. Ăn bánh tổ, uống chén trà, thưởng hoa, ngắm trăng rằm, âu cũng là cái thú thanh tao mà ai ai cũng ao ước có được trong những ngày đầu năm mới.

Chiếc bánh tổ giản dị này được người Hoa trìu mến gọi tên “niên cao”, với mong ước sau khi ăn bánh, năm mới sẽ “cao” hơn năm cũ, thành công, may mắn, thịnh vượng, đại cát, đại phú… Sau, khi bánh du nhập vào Việt Nam, từ khắp các vùng miền Nam bộ cho đến Hội An, người ta lại quen gọi bánh tổ, tức bánh dùng để dâng cúng tổ tiên, ông bà. Một phần cũng vì hình đáng tròn đầy như tổ chim của bánh. “Chim có tổ, người có tông” - gọi tên bánh tổ, cũng là gợi nhớ về hàm nghĩa này.

Bánh tổ ngon phải dùng nếp hạt loại ngon, rửa sạch phơi khô sau đó đem đi xay với nước. Bột nếp xay xong được ủ trong bao vải, dằn một vật cứng lên trên để chắt hết nước trong bột ra. Giai đoạn này được thợ bánh gọi là “bồng bột”. Khi bột khô ráo hẳn, người ta sẽ thắng nước đường với ít gừng băm nhuyễn.

Hòa nước đường vào bột, khuấy đều thành hỗn hợp sền sệt, sau đó cho vào khuôn hấp chín. Xưa, nếu ai từng mua bánh tổ ở Bình Dương, hẳn còn nhớ hình ảnh chiếc bánh được đặt trong khuôn bằng rọ tre lót lá chuối. Về sau, người ta dùng khuôn nhôm, khuôn inox, lót lớp ni-lông dưới đáy khuôn, tráng ít dầu ăn lên ni-lông để chống dính cho bánh.

Tùy theo khuôn và tay nghề người làm mà chiếc bánh có hình tròn đều vành vạnh như trăng rằm hoặc méo mó lúc gỡ bánh khỏi khuôn hấp. Gần đây, người ta còn đúc bánh tổ thành hình thỏi vàng và cá chép để thu hút người mua nhưng trông có vẻ kém duyên hơn hẳn loại bánh tổ truyền thống mộc mạc, giản dị.

Bánh được rắc ít mè trắng trên mặt cho đẹp hoặc ít hạt kỷ tử đỏ như nốt son tươi thắm. Loại bánh nếp này gây ấn tượng còn ở độ bền, để lâu hơn tuần vẫn không bị hư, càng để lâu càng ngon. Vì vậy, bánh tổ luôn được người Hoa trưng dụng để cúng tết, cúng rằm tháng Giêng và cả tết Đoan ngọ.

Cầm miếng bánh tổ dẻo quẹo trong tay, từ từ thưởng thức, là ta tin rằng trong đời sống ẩm thực, đôi khi trước một miếng ăn cũng cần thành kính. Có vậy ta mới thưởng thức được trọn vị ngọt ngon mà miếng ăn mang trong mình lẫn ý nghĩa hay ho ẩn tàng trong đó. 

Trần Huyền Trang
Ảnh: internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI