Vì hoàn cảnh, tôi quyết định dừng lại khi công việc cũng như năng lực bản thân đang ở mức độ hài lòng nhất. Dù đã suy nghĩ, tính toán kỹ nhưng tôi vẫn không khỏi có chút chạnh lòng, và không ngờ bước rẽ bất đắc dĩ của mình lại là niềm ao ước của những người bạn U50.
Bận rộn, áp lực là nỗi ám ảnh của những người còn nặng gánh mưu sinh, nhưng có khi lại là mơ ước của người thất nghiệp (ảnh minh hoạ)
U50 mà phải chọn "về hưu non" thực sự là một quyết định khó khăn và không hẳn toàn niềm vui, nhất là không chỉ sự hụt hẫng, mất cân bằng do việc bỗng dưng thu nhập hay những mối quan hệ bị mất đi mà còn là cảm giác lạc lõng, bị tụt lại phía sau. Tuy vậy, có những người đã giúp nhận ra những gì tôi đang đánh đổi có khi còn đáng giá hơn những thứ họ nhận được từ công việc hiện tại.
Cô em đồng nghiệp cũ gọi điện hỏi thăm tôi sau một thời gian "hưu trí". Em cũng chia sẻ về hoàn cảnh của mình, điều mà làm việc chung với em nhiều năm trước, tôi không hề hay. Mẹ em bị ung thư đã lâu, gia đình khó khăn, lại đơn chiếc nên em rất chật vật vừa đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ vừa chăm sóc về mặt tinh thần để mẹ không xuống dốc, bi quan.
Lúc còn làm chung, tôi chẳng bao giờ thắc mắc khi thấy em cần mẫn tăng ca liên tục cả ngày nghỉ, ngày lễ để có thêm thu nhập, cũng chẳng nề hà khi bị cấp trên xử ép, giao thêm nhiều phần việc khó nhằn. Công việc quản lý sản xuất bên em rất nặng nề và áp lực nhưng em ít kể lể, than van. Em ngại nhảy việc, em sợ chẳng may mất việc hay công việc mới khó khăn hơn, em không lo cho mẹ chu toàn được nữa. Hoá ra vì đang mang một cái gánh quá nặng trên vai mà em phải miễn cưỡng chấp nhận mọi khó khăn, vất vả, chẳng dám buông xuôi hay ngơi nghỉ, dù tuổi đời cũng đã U50. Trong khi tôi từng tiếc nuối quãng thời gian đi làm, không ít lần khao khát được trở lại bận rộn, nhọc nhằn giống như em.
Một người bạn U50 của tôi lại ưu tư những nỗi niềm khác. Công việc trưởng phòng kinh doanh một nhãn hàng cao cấp vốn chẳng dễ dàng, lại đang ở giai đoạn kinh tế khó khăn nên càng áp lực. Bạn luôn có cảm giác hụt hơi với cuộc chạy đua doanh số, với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, với vô số đối thủ mạnh mẽ và nguy cơ bị sa thải nếu không đạt chỉ tiêu.
Ở tuổi U50 lại là nữ, bắt đầu lại công việc ở chỗ mới luôn là nỗi lo ngại của những ai vẫn đang còng lưng với gánh nặng mưu sinh như bạn, nhất là những ai "có chồng hờ hững cũng như không".
Hậu quả của cuộc sống căng thẳng, làm việc bất kể ngày đêm khiến bạn liên tục mất ngủ. Bạn stress đến độ bạn chẳng còn hứng thú trước những sinh hoạt bình thường như đi chơi, gặp gỡ bạn bè, ăn ở quán ưa thích, mặc chiếc váy đẹp. Lịch sinh hoạt của bạn chỉ còn là làm việc như một cỗ máy, theo quán tính, bất kể thời gian.
Bạn thèm nghỉ ngơi, mở mắt ra không còn ngay ngáy nỗi lo thu nhập nhưng không thể dừng lại khi 1 đứa con vừa vào đại học, 1 đứa sắp vào cấp III và còn nhiều nhu cầu để chi tiêu. Việc "cân" tất mọi thứ ở tuổi U50 khiến bạn mệt mỏi nhiều lúc muốn buông bỏ hết, dù còn lâu mới đến tuổi hưu. Bạn ước được thong thả như tôi, chẳng còn bận nỗi lo cơm áo.
Cô em đồng nghiệp cũ không biết, để nghỉ hẳn ở nhà kề cận, toàn tâm toàn ý lo cho người thân, tôi đã phải hy sinh mọi thứ: từ thăng tiến trong công việc, những cuộc hò hẹn bạn bè, những chuyến du lịch vốn là sở thích ngày còn trẻ, và nhất là những khoản thu nhập từ công việc có thể cho tôi tiêu xài thoải mái chứ không phải mua gì cũng ngó trước nhìn sau như bây giờ.
Bạn tôi nào biết, để không còn tất tả, vội vàng mỗi sáng cho kịp đi làm hay thức đến khuya để trả lời email khách hàng hoặc căng não chạy deadline như bạn, tôi đã phải đánh đổi bằng việc cắt xén hầu hết các khoản chi tiêu lớn nhỏ. Tôi phải ngậm ngùi nhìn những cơ hội nghề nghiệp lặng lẽ trôi qua tay, âm thầm ngưỡng mộ bạn bè đang rạng rỡ thành công trên đỉnh cao sự nghiệp.
Về hưu sớm để còn đủ sức khoẻ, để kịp làm những điều mình thích là ao ước của không ít người (ảnh minh hoạ)
Một chị bạn khuyên tôi: Nếu có thể thì nghỉ việc luôn để làm những điều mình thích. "Có thể" với chị là có khoản tích luỹ đủ để an tâm "thất nghiệp" đến cuối đời. Cũng có thể là công việc hiện tại của chồng đủ choàng gánh cho cả nhà để tôi không cần đi làm nữa. Tôi đã có thể thong dong tự tại "ở không" mà không "ăn hại" bằng cách gói ghém nhu cầu cá nhân, kể cả của các thành viên trong nhà. Bớt vung tay quá trán, cắt bỏ tuyệt đối việc mua sắm những thứ xa xỉ, không thực sự cần thiết hoặc chi tiêu theo cảm hứng, kể cả từ bỏ một số thói quen. Chẳng hạnh phúc nào không xót xa, chẳng có thành quả nào không đánh đổi.
Không ai nói được như thế nào mới là tốt hay không tốt, vì hoàn cảnh, lối sống cũng như mục tiêu mỗi người mỗi khác. Nhưng người ta có thể cảm nhận được cái phù hợp với mình sẽ là cái tốt nhất. Tôi nhận ra, những thứ khiến mình bất như ý có khi lại là sự ao ước của người khác hay ngược lại. Vậy nên, thay vì chỉ thấy cái mình không được, không có, chỉ cần soi rọi lại mình, nhận chân giá trị những gì đang sở hữu sẽ thấy, bình yên có khi đã là một món quà, và người ta chỉ hạnh phúc khi ngừng so sánh!
Về hưu không có nghĩa là không làm gì, mà là nghỉ một công việc toàn thời gian, để làm những điều mình ưa thích, trên cơ sở có nền tài chính vững vàng (tiết kiệm, thu nhập thụ động...), để hạnh phúc với chính mình, con cái, cha mẹ già, và chồng - vợ... Đôi khi, sở thích cũng có thể biến thành nguồn thu nhập...