Môi trường thế giới năm 2022: Thêm một dặm nữa trên “xa lộ tới địa ngục khí hậu”

09/01/2023 - 18:10

PNO - Các nhà khoa học nhận ra rằng cuộc khủng hoảng khí hậu đã khiến lũ lụt dữ dội hơn tới 50% so với quá khứ.

Từ tháng 7 đến tháng 8/2022, nước Anh đã trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng bất thường. Đến tháng 9, Pakistan hứng chịu đợt lũ lụt chết người nhấn chìm khoảng 30% diện tích quốc gia này.

Đó mới chỉ là 2 trong nhiều triệu chứng của cuộc khủng hoảng khí hậu trong năm vừa qua, hướng tới kịch bản sụp đổ khí hậu mà nhân loại vẫn đang hy vọng tránh được.

Trẻ em tìm nơi trú ẩn dọc theo một con đường bị lũ lụt tàn phá ở Sehwan, Pakistan, vào đầu tháng 9/2022 - Ảnh: Reuters
Trẻ em tìm nơi trú ẩn dọc theo một con đường bị lũ lụt tàn phá ở Sehwan, Pakistan, vào đầu tháng 9/2022 - Ảnh: Reuters

Trận lụt lịch sử vừa qua ở Pakistan, quốc gia đông dân thứ 5 thế giới, đã ảnh hưởng đến 33 triệu người. 

Đến cuối tháng 10/2022, giới chuyên gia lại phải lo lắng khi ứng viên Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva chiến thắng đối thủ Jair Bolsonaro, với tỷ lệ chênh lệch phiếu bầu sít sao nhất trong lịch sử hiện đại của nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ. Dư luận lo ngại chính phủ mới của Brazil sẽ không thể ngăn cản tình trạng tàn phá tràn lan rừng Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới vốn đã chạm ngưỡng tới hạn, gây ra những hậu quả với môi trường và khí hậu toàn cầu.

Cũng trong tháng 10, một loạt báo cáo, trong đó có một nghiên cứu của Liên hợp quốc, cho thấy bức tranh khí hậu ảm đạm của hành tinh này đã tiến gần đến ranh giới của sự suy giảm khí hậu không thể đảo ngược, “không có con đường đáng tin cậy nào để duy trì ngưỡng tăng nhiệt độ trong giới hạn 1,50C”, mọi nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon đều “không thỏa đáng một cách đáng tiếc”.

Các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu Tác động khí hậu Potsdam (PIK), đã tiết lộ hồi tháng 9/2022 rằng 5 điểm tới hạn “thảm họa” có thể đã vượt qua do nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,10C cho đến nay. Chúng bao gồm sự sụp đổ của chỏm băng ở Greenland, khiến mực nước biển dâng cao và sự sụp đổ của một dòng chảy chính ở bắc Đại Tây Dương, làm gián đoạn mưa và đe dọa nguồn lương thực của hàng tỉ người.

Mục tiêu khí hậu vẫn đơn giản: lượng khí thải carbon phải giảm ít nhất một nửa vào năm 2030, để loài người có cơ hội giữ giới hạn tăng nhiệt toàn cầu dưới ngưỡng 1,50C. Nhưng trong năm vừa qua, lượng khí thải đã tăng kỷ lục. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết: “Chúng ta vẫn đang giữ chân ga trên xa lộ dẫn thẳng tới địa ngục khí hậu.”

Giá năng lượng đã tăng đột biến sau khi phương Tây thực hiện loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ nhắm vào Nga, với lý do là cuộc xung đột ở Ukraine. Năm 2022 là một năm bội thu đối với các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, từ trước đó, ngành dầu khí đã mang lại lợi nhuận ròng 1 ngàn tỉ USD mỗi năm trong 50 năm qua.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu cũng đồng nghĩa với việc tổng lượng than được tiêu thụ lên mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2022. Nhưng trách nhiệm khí thải lại rất không đồng đều. Dữ liệu cho thấy, ngay cả ở các quốc gia giàu có như Anh, những người giàu nhất tạo lượng khí thải 1 năm tương đương với lượng phát thải của người có thu nhập thấp nhất trong 25 năm.

Hậu quả của tình trạng trái đất ấm lên biểu hiện rõ trong các đợt nắng nóng của năm vừa qua, kéo dài từ Trung Quốc sang châu Âu, đến tận Hoa Kỳ. Các nhà khoa học nhận định, một mùa hè ở bán cầu bắc nóng như năm 2022 sẽ “hầu như không thể xảy ra” nếu không có sự nóng lên toàn cầu và dẫn đến hạn hán kỷ lục.

Các nhà khoa học cũng lưu ý, việc loài người làm suy giảm các quần thể động vật hoang dã, cùng với tàn phá môi trường thiên nhiên cũng nghiêm trọng như khủng hoảng khí hậu. Có một số ý kiến thậm chí cho rằng cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 đang diễn ra. Dữ liệu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Hiệp hội Động vật học London (ZSL), được công bố vào năm 2022, cho thấy sự suy giảm vẫn tiếp tục diễn ra, quy mô trung bình của quần thể động vật đã giảm 70% kể từ năm 1970.

Cũng trong năm 2022, vốn đã đầy sự kiện bất thường, nhà khoa học người Anh James Lovelock đã qua đời, hưởng thọ 103 tuổi. Ông được biết đến nhiều nhất với giả thuyết Gaia, ý tưởng cho rằng sự sống trên Trái đất là một cộng đồng tự điều chỉnh của các sinh vật tương tác với nhau và với môi trường xung quanh. Ông đã nói: “Tôi lo ngại sâu sắc về khả năng biến đổi khí hậu có hại nghiêm trọng và cần phải làm gì đó ngay từ bây giờ.”

Trường An (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI