Liên hoan kể chuyện cho trẻ em lần 1-2022 chủ đề Những chuyến du hành được khai mạc vào lúc 14g, ngày 17/4 tại The Edu House (SH 4-5-6 Saritown, đường số 5, khu đô thị Sala, quận 2, TPHCM) với nhiều hoạt động giao lưu, kể chuyện sáng tạo dành cho trẻ em và người lớn. Hoạt động do VIRES - Cộng đồng giáo dục Reggio Emilia tại Việt Nam tổ chức.
Người đảm nhận vai trò là người kể cho cho trẻ em là chị Phạm Thị Hoài Anh (chị cũng là tác giả của nhiều cuốn sách viết cho trẻ nhỏ: Mỗi ngày 15 phút yêu con, Trái tim của mẹ...). Nhiều năm qua, chị tích cực tham gia đọc sách/kể chuyện cho trẻ em khắp cả nước, truyền cảm hứng và góp phần xây dựng thói quen đọc cho trẻ nhỏ. Phụ Nữ Online ghi nhận những chia sẻ của chị xung quanh Liên hoan kể chuyện lần này.
|
Tác giả, người kể chuyện Phạm Thị Hoài Anh |
* Phóng viên: Đầu tiên, chị có thể cho biết ý tưởng Liên hoan kể chuyện cho trẻ em- Những chuyến du hành được hình thành như thế nào?
- Tác giả Phạm Thị Hoài Anh: Đây là sáng kiến tiếp nối sau chương trình Kể chuyện trên những đám mây - một chương trình kể chuyện trực tuyến miễn phí nhằm mang lại niềm vui cho trẻ em trong giai đoạn giãn cách xã hội (cũng do VIRES - Cộng đồng giáo dục Reggio Emilia tại Việt Nam tổ chức vào năm 2021).
Chương trình Kể chuyện trên những đám mây diễn ra trong vòng 6 tháng với 163 buổi kể cho hơn 3.000 lượt trẻ em tham gia, được thực hiện bởi 47 tình nguyện viên trên cả nước và cả nước ngoài. Là một người kể chuyện của chương trình, tôi cảm nhận rõ sức hút của những câu chuyện và tình yêu của trẻ em đối với những câu chuyện kể, cũng như cách mà những buổi kể chuyện đã mang lại nhiều tiếng cười, sự tự tin, trí tưởng tượng và cơ hội kết nối cho hàng ngàn trẻ em như thế nào. Tôi nghĩ, những giá trị đó cũng chính là động lực to lớn nhất để VIRES tiếp tục khởi xướng Liên hoan Kể chuyện cho trẻ em lần đầu tiên tại Việt Nam này.
* Cụ thể, Liên hoan sẽ có các hoạt động ra sao?
- Liên hoan sẽ kéo dài từ ngày 17 đến 24/4, với khoảng 100 sự kiện kể chuyện đa dạng hình thức diễn ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước (TPHCM, Hà Nội, Hội An, Đà Lạt, Đồng Tháp, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nghệ An, Thái Nguyên, Lào Cai...). Các sự kiện bao gồm hoạt động kể chuyện cho trẻ em và các workshop về kể chuyện dành cho giáo viên và phụ huynh.
Điểm khác biệt về Liên hoan kể chuyện này chính là tính đa dạng, phong phú trong các hoạt động: kể chuyện dành cho nhiều lứa tuổi (trẻ mầm non, tiểu học, trung học phổ thông), và đối tượng khác nhau (trẻ em, giáo viên, phụ huynh) được thực hiện tại nhiều không gian khác nhau (trường học, thư viện, không gian văn hóa, trực tuyến) và với nhiều hình thức khác nhau (kể chuyện bằng lời, đọc sách, kể chuyện bằng trò chơi, hình vẽ, Kamishibai, âm nhạc, yoga...).
|
Chị Hoài Anh trong một buổi kể chuyện tại Thảo Cầm Viên, chương trình Cây xanh rì rào do Kafka Bookstore tổ chức |
* Với vai trò là người kể chuyện, những câu chuyện nào sẽ được chị lựa chọn kể cho các em nhỏ? Vì sao?
- Chủ đề Những chuyến du hành mang đến cho tôi rất nhiều hứng khởi và tôi muốn chia sẻ niềm háo hức đó với các em nhỏ qua những cuốn sách có thể chắp cánh cho các bạn bay bổng và phiêu lưu vào thế giới thần tiên của riêng mình như cuốn sách Những cuộc phiêu lưu của cô gà mái Louise, hay câu chuyện về những đổi thay lạ kỳ xảy ra trong cuộc sống của các bạn nhỏ suốt thời gian dịch bệnh như cuốn Tim và cuộc sống lạ kỳ.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ và đồng hành của Crabit Kidbooks chúng tôi còn có hai buổi đọc sách đặc biệt ấm áp, đó là buổi đọc cuốn sách Ôm tớ một cái đi mà cùng các bạn học sinh điếc của Trường ký hiệu Hà Nội, và buổi đọc cuốn sách Henny cùng các bạn trẻ khiếm thị của dự án Sách xúc giác, sách để sẻ chia để cùng nhau chia sẻ niềm vui đọc tuyệt vời. Đây là những cuốn sách thiếu nhi tuyệt vời với thông điệp về vẻ đẹp của sự khác biệt và sức mạnh của sự tử tế mà tôi nghĩ bất cứ bạn nhỏ nào cũng say mê.
|
Những trải nghiệm làm mẹ ngọt ngào được chị chia sẻ trong cuốn sách Trái tim của mẹ |
*Gắn bó với hoạt động đọc sách, kể chuyện cho bé trong nhiều năm, chị nhận thấy việc xây dựng thói quen đọc và yêu thích sách của trẻ nhỏ phụ thuộc nhiều nhất vào những yếu tố quan trọng nào?
- Tôi nghĩ không có một rào cản nào giữa trẻ em và những câu chuyện. Các em có thể hào hứng cầm lên bất kì cuốn sách này, yên tĩnh ngồi nghe bất kì người kể chuyện nào hay say mê đọc ở bất kì không gian nào. Điều quan trọng nhất là cha mẹ, giáo viên mà rộng hơn là gia đình, nhà trường và cộng đồng có đủ sự quan tâm với việc nuôi dưỡng và duy trì thói quen, niềm vui đọc sách cho trẻ hay không.
Khi niềm vui đọc của trẻ là trở thành mối quan tâm của chúng ta thì chúng ta sẽ trao cho trẻ nhiều cơ hội tiếp cận với những cuốn sách, mở ra cho trẻ nhiều không gian đọc hấp dẫn để khám phá và tạo ra nhiều sân chơi như Liên hoan kể chuyện trẻ em lần này. Đó chính là nền tảng vững chắc nhất giúp vun đắp thói quen đọc và yêu thích sách của trẻ.
"Tôi nghĩ sự thường xuyên và bền bỉ là vô cùng quan trọng. Nếu coi “đọc sách” là một phong trào thì chúng ta khó có thể thu hút trẻ đọc sách và khơi gợi cho trẻ niềm vui đọc lâu dài. Cha mẹ cần phải kiên trì đọc sách cùng con hàng ngày. Giáo viên cần phải bền bỉ đọc sách cùng học sinh hàng ngày. Khi trẻ có những cảm xúc ấm áp và trải nghiệm đáng nhớ với những người mà mình yêu thương bên những trang sách, thì niềm vui đọc sẽ đến với trẻ" - Phạm Thị Hoài Anh |
* Chị kỳ vọng gì về những hiệu quả tích cực mà Liên hoan có thể mang lại?
- Là điều phối viên của Liên hoan kể chuyện trẻ em tại Hà Nội, tôi thực sự bất ngờ bởi không khí tưng bừng của liên hoan đang nóng dần lên trên khắp cả nước với hàng trăm các hoạt động khác nhau. Tôi tin rằng sự cộng hưởng mạnh mẽ này sẽ không chỉ lan toả niềm vui đọc của các bạn nhỏ mà còn tạo ra những kết nối gắn bó giữa các cộng đồng kể chuyện và đọc sách cho trẻ em, để từ đó, các hoạt động kể chuyện và đọc sách cho trẻ em sẽ được quan tâm, chú ý hơn; được tổ chức thường xuyên, bài bản hơn và chạm tới được nhiều hơn những nhóm trẻ em yếu thế và có nhu cầu đặc biệt.
* Xin cảm ơn chị!
Song Giang thực hiện