Mọi trẻ em đều được quyền học trường công

04/11/2024 - 06:27

PNO - Mọi trẻ em đều bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, đều được Nhà nước chăm lo như nhau, được vào học trường công như nhau…

Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực để phát triển giáo dục, đào tạo.

Do ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được toàn bộ yêu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục nên việc thu hút các nguồn lực của xã hội, cộng đồng đầu tư vào các hoạt động giáo dục là rất quan trọng và cần thiết.

Những năm gần đây, hệ thống trường ngoài công lập đã phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được nhu cầu của các gia đình có thu nhập cao, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Số học sinh đăng ký vào các trường ngoài công lập tăng đáng kể, đặc biệt là ở bậc THPT.

Tuy nhiên, sự phát triển này cũng tạo ra khoảng cách lớn giữa những học sinh có điều kiện kinh tế và những học sinh ở các gia đình có thu nhập thấp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thu nhập bình quân ở Việt Nam vào năm 2023 ước tính chỉ khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Mức học phí ở các trường ngoài công lập - đặc biệt là trường quốc tế - quá cao đối với đại đa số gia đình. Học phí trung bình ở một số trường quốc tế có thể là 200-500 triệu đồng/năm, trong khi học phí ở trường công lập chỉ vài triệu đồng/năm. Điều này có thể tạo ra sự bất bình đẳng về chất lượng giáo dục.

Trường ngoài công lập cũng phát triển không đồng đều, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Do đó, học sinh ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận các cơ sở giáo dục chất lượng cao. Theo báo cáo năm 2022 của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), khoảng cách về giáo dục giữa trẻ em ở thành thị và nông thôn ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Tỉ lệ hoàn thành bậc THPT ở thành thị là 75%, ở nông thôn chỉ 47%.

Nhiều quốc gia có hệ thống giáo dục phát triển đã kết hợp hài hòa giữa hệ thống giáo dục công lập và ngoài công lập. Ở Phần Lan, toàn bộ trường phổ thông đều thuộc hệ thống công lập và được chính phủ tài trợ hoàn toàn chi phí, đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục công bằng cho mọi học sinh.

Ở Mỹ, Anh, trường tư thục và quốc tế cũng tồn tại song song với hệ thống công lập nhưng chính phủ có chính sách hỗ trợ học bổng, giảm thuế, hỗ trợ tài chính cho gia đình có thu nhập thấp để giảm bớt bất bình đẳng. Ngoài ra, chất lượng giáo dục công lập ở các nước này cũng ở mức cao.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Năm học 2023-2024, cả 63/63 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 và đang nỗ lực hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

Tuy nhiên, với bậc THPT, mục tiêu phổ cập vẫn là thách thức. Nếu tiếp tục phát triển hệ thống trường ngoài công lập mà không có sự điều tiết, việc phổ cập giáo dục phổ thông sẽ khó khăn hơn.

Việc những gia đình có thu nhập thấp gặp khó khăn khi cho con theo học các trường có mức học phí cao hoặc chất lượng cao còn làm gia tăng khoảng cách giữa các nhóm học sinh về kỹ năng và cơ hội phát triển. Theo báo cáo năm 2022 của UNICEF, ở Việt Nam, tỉ lệ hoàn thành bậc THPT ở nhóm học sinh giàu nhất là 92%, ở nhóm nghèo nhất chỉ 31%.

Mọi trẻ em đều bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, đều được Nhà nước chăm lo như nhau, được vào học trường công như nhau… Phụ huynh cho con vào học trường tư chỉ khi thấy trường tư có chất lượng giáo dục và một số định hướng phù hợp nguyện vọng, năng lực của con và khả năng tài chính của gia đình - chứ không thể vì hạn chế trường công mà các con không đủ điểm phải vào trường tư.

Để đảm bảo công bằng trong giáo dục, cần tập trung đầu tư mạnh hơn vào hệ thống giáo dục công lập, nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời kiểm soát sự phát triển của trường ngoài công lập theo hướng không để xảy ra sự chênh lệch quá rõ rệt về chất lượng cũng như học phí giữa các loại hình trường học.

Bên cạnh đó, cũng cần chính sách hỗ trợ tài chính cho học sinh nghèo, như cấp học bổng, hỗ trợ học phí để các em có thể theo học ở các trường ngoài công lập.

Để xã hội hóa giáo dục hiệu quả, đồng thời đảm bảo sự công bằng trong giáo dục nói riêng và công bằng xã hội nói chung, rất cần những chính sách hợp lý, sao cho mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI