“Mỗi trang bản thảo là tài sản của tòa soạn…”

18/05/2020 - 09:46

PNO - Hồi đó, phóng viên toàn viết tay, duyệt xong rồi bản thảo mới được đánh máy. Chánh văn phòng ôm bài vở đi nhà in với lời dặn dò cân não của vị chỉ huy hành chánh tiền bối Phạm Mười Mai: “Mỗi trang bản thảo là tài sản của tòa soạn, mất trang nào là… đền trang đó”.

Tôi vào làm phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM tháng 11/1975. Hồi đó, đi làm phóng viên là “thoát ly làm cách mạng”, ăn ở tại tòa soạn luôn, cả tháng mới được về nhà một lần. Nhà tôi ở Phú Nhuận, nhưng tôi cũng quyết không về.

Phương tiện di chuyển của hầu hết phóng viên thời ấy mới quen thuộc làm sao: xe đạp. Nói là đạp xe đi cùng trời cuối đất cũng không sai. Chúng tôi có thể đạp xe đi dự một cuộc họp của Hội LHPN huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức, Nhà Bè hoặc viết bài về một phong trào nào đó mà khởi hành từ sáng tờ mờ đến chạng vạng, có khi khuya lơ khuya lắc mới trở về tòa soạn. 

Phóng viên Bạch Mai (bìa trái) trong chuyến công tác ở Mặt trận 479, Campuchia, năm 1980
Phóng viên Bạch Mai (bìa trái) trong chuyến công tác ở Mặt trận 479, Campuchia, năm 1980

Tôi vẫn nhớ một kỷ niệm với phóng viên Thiều Thu Mai (Ban Kinh tế - Chính trị). Đúng đêm tôi trực tòa soạn, gần 1g sáng, sắp đổi ca, thì có tiếng gõ cửa dồn dập. Tôi sợ quéo. Ai mà ghé tòa soạn giờ này, trời? Nhưng vẫn phải ra coi là ai. Hé cái cửa tò vò nhỏ xíu, thấy mặt con nhỏ có hai đồng điếu. Nó cũng nhìn ra tôi. Em nè. Em nè. Thu Mai đây. Thu Mai đây!

Vừa mở cửa, Thu Mai ôm lấy tôi khóc quá là khóc. Cô ấy đi viết phóng sự về bà con lập nghiệp ở vùng kinh tế mới. Đề tài tự đăng ký, tự xung phong làm, tự đạp xe đi và về mất gần cả tuần. Con gái mỏng mảnh đạp xe xuyên đêm, cũng là xuyên qua bao nguy hiểm, về tòa soạn an lành là quá mừng. Khóc cũng phải. Tôi ôm nó, nhìn nó bèo nhèo mà khóc theo. Chờ nó tắm rửa xong, nấu mì gói cho nó ăn rồi hai chị em chui vô mùng nghe nó kể chuyện tác nghiệp tới sáng, không ngủ. 

Không chỉ riêng Thiều Thu Mai, mà ai cũng vậy, đi viết không biết sợ, không biết mệt. Xa cỡ nào cũng đi. Tòa soạn có duy nhất một chiếc xe Honda dành cho người đi công tác xa, muốn sử dụng nó phải đăng ký trước mấy ngày. Rồi làm công tác lệnh, rồi làm phiếu lãnh xăng. Mất công quá nên cũng có phóng viên chê, không thèm “mượn”, xài “xe đạp riêng” cho chủ động.

Bí thư chi đoàn Hồ Nguyệt thời đó là phóng viên phụ trách mảng nông thôn, dòm y chang chị em vùng sâu vùng xa, chuyên đi công tác nông thôn bằng xe đạp, xong, gửi xe đạp lên xe đò và cứ thế mà tới nơi mình muốn. Lúc nào Hồ Nguyệt cũng mặc nguyên bộ bà ba đen, khăn rằn trùm đầu quấn cổ, leo lên chiếc xe đạp là đi tuốt muốt, có khi hai tuần mới về.

Bù lại những vất vả ấy, bài viết của họ luôn là những sản phẩm được bạn đọc nhắc đến (bằng thư viết tay gửi theo đường bưu điện hoặc bằng điện thoại bàn gọi về tòa soạn) và được Ban biên tập khen thưởng xứng đáng mỗi cuối quý. 

Hồi đó đâu có email, internet, điện thoại di động hỗ trợ tìm kiếm thông tin hoặc xác minh điều mình muốn biết mà nhịp sống thực tế vẫn cập nhật được trong bài viết, vẫn có độ rung xã hội nhất định, nhờ vào sự chăm chỉ, nhất là tình yêu nghề nghiệp trong sáng: quan sát tận tình, ghi chép tận tình, suy nghĩ tận tình, tìm hiểu tận tình, rồi viết bài thương từng con chữ. Không yêu nghề và lười đi thực tế thì đừng hòng, dù có phương tiện tác nghiệp hiện đại đến đâu cũng chỉ nặn ra những bài viết đăng cũng được, không đăng… càng tốt.

Hồi đó, phóng viên toàn viết tay, duyệt xong rồi bản thảo mới được đánh máy. Tội nghiệp Chánh văn phòng Thanh Thanh, hàng tuần một mình gõ máy đánh chữ cho biết bao trang bản thảo, hai ngón tay trỏ mổ cò mà rào rào như tằm ăn lên. Rồi cũng chính Chánh văn phòng ôm bài vở đi nhà in với lời dặn dò cân não của vị chỉ huy hành chánh tiền bối Phạm Mười Mai: “Mỗi trang bản thảo là tài sản của tòa soạn, mất trang nào là… đền trang đó”. Lỡ mất, Thanh Thanh làm sao mà đền? Cũng may, chưa bị mất bản thảo bao giờ.

Sau mười năm lăn lộn ở một số lĩnh vực, tôi được giữ vị trí trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ. Thiệt là khó khăn. Từ chỗ chỉ phải nghĩ đề tài cho mình, săn sóc sản phẩm của mình, tôi phải làm điều đó cho từng thành viên trong ban. Mỗi lần đọc báo cáo tuần của phóng viên, mỗi lần họp ban, mỗi lần chờ phóng viên nộp bài, mỗi lần biên tập bài là mỗi đợt giông tố bão bùng khác nhau về kiểu dáng, về cấp độ. Muốn phóng viên tâm phục khẩu phục, trưởng ban hoặc biên tập viên phải thực sự có tay nghề.

Trong phân công bài vở, có lần một nam phóng viên đã tỏ ra thách thức tôi, viện đủ lý do để từ chối thực hiện đề tài tôi giao, cho dù tôi đã đưa ra một số phương án khả thi. Thế là tôi đích thân đi viết chứ không bỏ qua. Bài đăng, có phản hồi tích cực từ phía bạn đọc, tôi đã thay đổi được cái nhìn của phóng viên về năng lực của mình. Công việc điều hành của tôi trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Tôi làm quen với công tác biên tập từ “ghế” trưởng ban. Khi trở thành một biên tập viên, hoàn toàn làm chuyên môn, tôi càng nhận ra biên tập viên phải giỏi hơn phóng viên thì mới không xảy ra sóng gió. 

Trong cuộc họp tòa soạn tại trụ sở cơ quan cũ 188 Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM, năm 1985
Trong cuộc họp tòa soạn tại trụ sở cơ quan cũ 188 Lý Chính Thắng, quận 3, TPHCM, năm 1985

Mối quan hệ giữa phóng viên, biên tập viên ở đơn vị báo chí, truyền thông nào cũng ít nhiều mang màu sắc… chiến tranh và là nỗi khổ “truyền kiếp” của… Ban biên tập. Phần lớn vì tâm lý “văn mình vợ người”. Phần còn lại là do năng lực của biên tập viên. Phóng viên đi thực tế, nắm bắt tình hình viết thành bài. Biên tập viên ngồi ở nhà sửa bài. Đủ thứ tranh cãi, từ câu chữ đến tít tựa, đến cấu trúc nội dung, thậm chí có cả chửi bới, miệt thị và sau đó còn có một thời đoạn khốc liệt là không thèm nhìn mặt nhau. Vì vậy, ngồi ở nhà nhưng biên tập viên không được lơi lỏng việc cập nhật tình hình, siêng đọc, siêng tra cứu thông tin.

Khi tôi làm biên tập, tôi rất mạnh tay… dùng kéo, may mắn là các em phóng viên thường ít phàn nàn, tranh luận. Tôi từng cắt bài 1.000 chữ còn 500 chữ và nhắc phóng viên “em đang làm tin chứ không phải viết văn”. Có trường hợp, tôi trả bài về cho trưởng ban, đề nghị phóng viên viết lại. Tôi từng sửa cái tựa “Những nam ca sĩ thoa son đánh phấn” thành “Những nam ca sĩ… đẹp gái” và hiệu ứng của tựa rất mạnh.

Có một lần, suýt chút nữa thì tòa soạn sẽ lên ruột cả đám, vì bài viết trong trang Văn hóa - Văn nghệ đề cập đến ông Trịnh Diêm Vương bên Cục Điện ảnh. Khi qua biên tập bon 2, tôi mới phát hiện lỗi, các khâu biên tập trước đó đều không biết, vị cán bộ lãnh đạo này tên là Trịnh Mai Diêm! Dù sao tôi cũng từ Ban Văn hóa - Văn nghệ ra làm biên tập mà. Có am hiểu lĩnh vực là một lợi thế.

Nghỉ hưu, tôi trở thành cộng tác viên ruột của Báo Phụ nữ Chủ nhật, mỗi tuần viết một bài bình luận văn nghệ cho mục Mamarazi, với phong cách Facebook, giọng điệu thoải mái, từ ngữ theo “trend” cho hợp bạn đọc trẻ. Lúc bấy giờ đúng là… nghiệp quật! Bài tôi viết cũng đổ ầm ầm, bị kêu “thay bài đi chị”, “viết lại đi chị”, cũng bị biên tập câu này chữ kia loạn hết cả lên. Tất nhiên, tôi không cảm thấy khó chịu, vì đây là công việc mình từng làm nên tôi hiểu.

Có điều, tôi vẫn mong muốn các biên tập viên phải giỏi hơn phóng viên. Có giỏi hơn thì mới trau chuốt, gọt giũa sản phẩm của người khác. Đó là một thực tế nghề nghiệp khó thể phủ nhận. 

Lê Thị Bạch Mai

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI