Mối tình mùa thu năm ấy...

24/09/2020 - 07:24

PNO - 44 năm làm vợ chồng, ông bà Huỳnh Tấn Phát - Bùi Thị Nga có đến 30 năm gắn liền cùng cuộc đấu tranh sinh tử cho ngày thống nhất đất nước.

Mùa thu 75 năm trước, chàng kiến trúc sư tài hoa Huỳnh Tấn Phát đã rước được cô giáo dạy Pháp văn Bùi Thị Nga về nhà, để rồi ngay hôm tân hôn, chú rể “quên” mất cô dâu, cặm cụi biên soạn tài liệu nói chuyện với công nhân đề-pô Dĩ An (Xưởng sửa chữa đường sắt Dĩ An, tỉnh Bình Dương) vì khi đó, anh đang phụ trách Phòng Thông tin Sài Gòn.

44 năm làm vợ chồng, họ có đến 30 năm gắn liền cùng cuộc đấu tranh sinh tử cho ngày thống nhất đất nước.

Ông bà Huỳnh Tấn Phát - Bùi Thị Nga trong kháng chiến
Ông bà Huỳnh Tấn Phát - Bùi Thị Nga trong kháng chiến

Tỏ tình ý bằng tờ báo của chính mình

Trong quyển hồi ký hoàn thành năm 2003, bà Bùi Thị Nga - nguyên Hội trưởng Hội LHPN Việt Nam TPHCM (1975-1977) - đã kể lại chuyện tình thật đẹp của bà và ông Huỳnh Tấn Phát - nguyên Phó thủ tướng, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Trong một lần tình cờ, cô gái trẻ gốc Hà Nội Bùi Thị Nga - khi đó là giáo viên Pháp văn ở Sài Gòn - lên Đà Lạt chơi nhà bạn gái, tình cờ gặp vị kiến trúc sư hơn bà 9 tuổi đang khảo sát hai công trình xây dựng mà ông tham gia thiết kế. 

Ít lâu sau lần gặp tình cờ ấy, người em trai của cô bạn trên đã đưa ông Phát đến thăm nhà bà Nga. Khi thân thiết hơn, ông kể hết với bà Nga về mình, về những ngày rời quê hương (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) ra Hà Nội học ngành kiến trúc, về mối tình đầu tan vỡ do đàng gái chê ông nghèo, không “môn đăng, hộ đối”.

Để bà Nga hiểu rõ chí hướng của mình, ông Phát không giấu việc ông yêu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, yêu công bằng xã hội, yêu quê hương đất nước và muốn dấn thân cho Tổ quốc.

Trong hồi ức của bà Nga, ông Huỳnh Tấn Phát là một trong những người thầy đầu tiên giác ngộ bà lòng yêu nước và lý tưởng cộng sản. Bà nhớ như in cảnh ông đạp chiếc xe Alcyon màu xanh chạy đến nhà tìm bà sau rất nhiều ngày vắng bóng “không rõ lý do” (như rất nhiều lần trước đó) để đưa tờ báo Thanh Niên nóng hổi mà không một lời quảng cáo hay nói thêm gì cả.

Bà đọc tờ báo đó và phát hiện ông chính là người khai sinh, là cây bút chính, cũng là người kiếm tiền để nuôi tờ báo -  nơi truyền bá những lý tưởng về độc lập, tự do, bảo vệ nhân quyền và bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước.

Tờ báo của ông khiến bà hiểu ý thức chính trị của mình còn non nớt quá. Ở bên cạnh ông, suy nghĩ về thời cuộc của bà lớn lên từng ngày. 

Dù phụ trách Phòng Thông tin Sài Gòn, chuyên đi diễn thuyết truyền bá lý tưởng cùng lòng yêu nước, là người của cách mạng, nhưng ông chưa hề bắt ép người yêu đi theo mình. Trong những cuộc gặp gỡ, ông thuyết phục, chinh phục bà bằng sự chân thành, giản dị nhất. 

Ban đầu, bà Nga chỉ biết ông có danh tiếng với những bản thiết kế các công trình kiến trúc tên tuổi như Thư viện Sài Gòn (đồng tác giả với kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện), nhà văn hóa dự kiến xây dựng ở Khám lớn Sài Gòn…

Sau hai năm quen nhau, cô giáo Pháp văn ấy hiểu ra rằng, tờ báo của ông, nghề kiến trúc sư của ông cùng những đồng tiền ông làm ra đều dồn hết cho cách mạng, nuôi lý tưởng và khát vọng của ông. Lý tưởng và khát vọng ấy lan tỏa sang bà như mưa dầm thấm đất.

Tờ báo Thanh Niên do ông Huỳnh Tấn Phát làm chủ bút những năm trước 1945
Tờ báo Thanh Niên do ông Huỳnh Tấn Phát làm chủ bút những năm trước 1945

Đám cưới giữa mùa thu

Mùa thu 1945, hai năm sau ngày gặp gỡ, họ nên duyên vợ chồng rồi cùng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ngày tân hôn, đi bên cô dâu mà chú rể mới cứ như người mất hồn vì lòng còn ngổn ngang việc lớn. Đêm ấy, ông phải soạn bài diễn thuyết. Sau đó, ông lại tiếp tục những ngày đi biền biệt, lâu lâu tạt về Quán Tre, Hóc Môn (nay là khu vực Chợ Cầu, quận 12, TPHCM) thăm vợ.

Mùa thu năm ấy, đất nước độc lập. Ngày 2/9/1945, từ ngôi nhà nhỏ ở Quán Tre, bà Nga chứng kiến cảnh người dân nườm nượp trên đường kéo về Sài Gòn. Bà viết trong hồi ký: “Cờ và người, người và biểu ngữ cứ ào ào hướng về Sài Gòn, vừa tiến vừa hô vang “Việt Nam độc lập muôn năm”. Nước mắt tôi trào ra sung sướng khó tả…”.

Bà nói, lúc đó bà nhớ chồng, người luôn lao mình vào công việc chung. Rồi bà tự trách mình sao không tự tìm hiểu, học hỏi và chủ động tham gia để sánh vai cùng ông trong việc lớn.

10 ngày sau lễ Quốc khánh mồng 2/9, ông lấy xe đón bà về Sài Gòn nhìn cảnh, nhìn người, tìm hiểu rõ ràng về lựa chọn của chồng cùng con đường cách mạng của dân tộc. 4g sáng 23/9/1945, bà chính thức cùng chồng dấn thân vào con đường cách mạng. 4g sáng hôm ấy, khi đôi vợ chồng trẻ còn say giấc, tiếng súng vang dội khắp nơi đã đánh thức họ. Thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở một số cơ quan cách mạng tại Sài Gòn, sau đó đánh rộng ra các vùng khác. Vừa được vợ lay dậy, ông Huỳnh Tấn Phát lật đật mặc quần áo, ràng một gói truyền đơn phía sau xe đạp. 

Ông Phát năm lần bảy lượt bị bắt bớ, tù đày, bà Nga cũng vậy. Từ ngày 23/9/1945 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà nhiều lần vào tù ra khám. Bao giờ cũng vậy, mỗi lần ra tù, ông bà lại đảm đương nhiệm vụ mới, công việc nhiều hơn, trách nhiệm cũng nặng nề hơn. Ông từng là Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam giai đoạn 1969-1976, là người thiết kế lá cờ sao vàng nửa đỏ, nửa xanh cho chính quyền cách mạng ở miền Nam… 

Để ông bà yên tâm kháng chiến, bà nội, bà ngoại, các dì của ông bà đã thay nhau chăm lo, nuôi dạy sáu người con của ông bà nên người.

Ông Huỳnh Tấn Phát (giữa) thăm căn cứ tam giác sắt
Ông Huỳnh Tấn Phát (giữa) thăm căn cứ tam giác sắt

Quỹ học bổng mang tên Huỳnh Tấn Phát

Ngày đất nước thống nhất, ông và bà cùng đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng của thành phố và đất nước. Bà Bùi Thị Nga được bầu làm hội trưởng trong Ban Thường trực lâm thời Hội LHPN TPHCM giai đoạn 1975-1977. Sau đó, do ông Huỳnh Tấn Phát giữ nhiều trọng trách ở trung ương, bà Nga theo chồng ra Hà Nội sống.

Mùa thu năm 1989, ông Huỳnh Tấn Phát trút hơi thở cuối cùng tại ngôi nhà trên đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TPHCM sau thời gian lâm bệnh nặng.

Ông ra đi rồi, bà Bùi Thị Nga cứ thắc thỏm không yên bởi cho đến cuối đời, ông vẫn còn nhiều tâm nguyện chưa thỏa. 

Đầu những năm 2000, không đủ tiền mua hóa giá, bà Nga đành phải bán ngôi nhà kỷ niệm của vợ chồng trên đường Ngô Thời Nhiệm, chia tài sản cho các con.

Theo di nguyện của chồng, bà mang 100 cây vàng về quê nhà của ông ở xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre làm từ thiện, xây nhà, làm cầu, gây quỹ học bổng…

Trở về sau chuyến từ thiện, bà bàn với cô con gái áp út Huỳnh Xuân Thảo - cử nhân sinh học, Phó trưởng cơ quan đại diện tại TPHCM của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ - về mơ ước xây dựng quỹ học bổng mang tên Huỳnh Tấn Phát. 

Khi chị Thảo nhận lời, trong cuộc họp gia đình, trước mặt con cháu, bà Nga đưa hết cho chị Thảo 300 triệu đồng (phần của bà khi chia tài sản) để gây quỹ. Theo bà, nếu xưa kia không có học bổng, không được người dân cưu mang, đã không có một kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tài năng. Bà mong các con chung tay gầy dựng quỹ học bổng mang tên ông để tưởng nhớ ông, cũng như thay ông cảm ơn cuộc đời này. 

Sau khi mẹ mất vài năm, tới ngày nghỉ hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi, chị Xuân Thảo đã quyết định hoàn thành di nguyện của cha mẹ. Trước đó, từ số tiền được mẹ chia, chị Thảo mua mảnh đất ở số 11 Lê Ngô Cát, phường 7, quận 3, chùng chồng xây một ngôi biệt thự to, rước mẹ về chung sống, làm phòng thờ tự tổ tiên. Khi quyết định dùng số tiền của mẹ xây dựng quỹ học bổng, chị Nga đã lấy chính căn nhà này làm văn phòng của quỹ. 

Quỹ học bổng ấy ra đời mùa thu năm 2008. Từ đó đến nay, quỹ đã xét chọn, trao học bổng cho hơn 184 lượt sinh viên ngành kiến trúc.

Theo lời chị Xuân Thảo, từ những câu chuyện mà cha mẹ chị từng kể về những khó khăn, vất vả khi đi học bằng học bổng thời Pháp, chị rút ra được nhiều điều cho việc trao học bổng.

Học bổng không chỉ trao tiền mà còn tạo điều kiện cho sinh viên được trang bị cả kỹ năng cứng lẫn mềm. Học bổng xét khó, giữ được học bổng càng khó hơn. Thế nhưng, 164 sinh viên ngành kiến trúc - xây dựng đã đáp ứng được yêu cầu của quỹ, thành những kiến trúc sư, kỹ sư tài năng với nhiều giải thưởng kiến trúc danh giá trong và ngoài nước.

Thế hệ thứ ba cùng rạng rỡ

Ngày đến thăm ngôi nhà 11 Lê Ngô Cát, chúng tôi gặp Nguyễn Ngọc Phương Nhi - sinh viên năm thứ hai Trường đại học Kiến trúc TPHCM - đang loay hoay làm bài tập với ngổn ngang dao, kéo, bìa các-tông. 

Nhi nói, mới một năm trước thôi, em nghĩ đường đến trường của mình mờ mịt. Cha Nhi - lao động chính trong gia đình - bị tai nạn khi đi sửa điện, một mình mẹ Nhi phải lo nuôi chồng bệnh và ba đứa con. Nhi vào đại học là niềm vui nhưng cũng là nỗi âu lo của mẹ.

May mắn, lá đơn xin học bổng của Nhi được hội đồng quản lý Quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát xét duyệt. Một năm qua, cô sinh viên nghèo ấy vừa có tiền (10 triệu đồng/năm học) đóng học phí, vừa có chỗ ăn ngủ, vừa có máy tính, sách vở, trang thiết bị, dụng cụ học tập chuyên ngành do đàn anh, đàn chị san sẻ. 

Nhi bộc bạch, điều vui nhất là em còn được tham gia những buổi sinh hoạt chuyên đề của các anh chị kiến trúc sư mà nếu chỉ học ở trường, em rất ít cơ hội tiếp cận.

Chị Xuân Thảo và nữ sinh viên Phương Nhi - ảnh: phùng huy
Chị Xuân Thảo và nữ sinh viên Phương Nhi - Ảnh: Phùng Huy

Nhắc đến Quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát, kiến trúc sư Vương Thị Việt Hạnh (Công ty TNHH MTV DV Biểu tượng Việt) cho rằng, đây là quỹ được tổ chức bài bản, khoa học và hiệu quả. Dù cơ ngơi, số tiền ban đầu xây dựng quỹ lẫn kinh phí hoạt động phần lớn do gia đình ông bà Huỳnh Tấn Phát - Bùi Thị Nga và vợ chồng chị Xuân Thảo đóng góp, nhưng quỹ học bổng này không vận hành theo cơ chế gia đình. 

Chị Thảo đã mời được những người tên tuổi làm Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ, giai đoạn đầu là kiến trúc sư Khương Văn Mười, còn hiện nay là bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Đại sứ Việt Nam tại châu Âu. Theo chị Thảo, nguồn quỹ ngày càng dồi dào chính là nhờ vào uy tín, tầm nhìn của các chuyên gia được mời hỗ trợ. 

Chị "bật mí", cô con gái lớn của chị cũng là kiến trúc sư, hiện đang điều hành một tổ chức học bổng của các cựu sinh viên tại Mỹ mang tên Viet Hope. Con trai út của chị đang là tình nguyện viên của tổ chức Quốc tế và bảo tồn thiên nhiên (WWF). Chưa hứa hẹn gì với mẹ, nhưng những người trẻ ấy đang cho thấy đủ khả năng để sẵn sàng điều hành quỹ học bổng mang tên ông ngoại mình. 

Nghi Anh

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI