Moi tiền khán giả bằng mọi giá, liệu có dễ?

15/12/2020 - 19:00

PNO - Bỏ tiền mua vé xem thần tượng, đã là chuyện cũ. Nay, muốn nghe thần tượng xin lỗi về ồn ào đời tư, khán giả cũng phải móc hầu bao.

Scandal “bắt cá” của Yên Hủ Gia (nhóm R1SE) trở thành đề tài bàn tán của công chúng Trung Quốc trong thời gian qua. Nam diễn viên sau đó phải lên tiếng xin lỗi. Nếu chỉ như thế, câu chuyện chẳng có gì đáng nói. Nhưng để được nghe lời xin lỗi này, khán giả phải trả phí.        

Lời xin lỗi được đăng tải trên R1SE Fanclub, một nền tảng có trả phí. Đây là câu lạc bộ người hâm mộ chính thức của nhóm. Khi đăng ký tham gia vào đây, khán giả có thể nắm được mọi thông tin về lịch trình hoạt động, buổi diễn, bán vé cũng như các hoạt động liên quan như cổ vũ, tương tác với thần tượng. Giá cho gói thành viên là 60 NDT (khoảng 210 ngàn đồng). 

Yên Hủ Gia, nam thần tượng sinh năm 2001 đang vướng bê bối chuyện tình cảm
Yên Hủ Gia, nam thần tượng sinh năm 2001 đang vướng bê bối chuyện tình cảm

Dư luận Trung Quốc hiện đang phản ứng mạnh mẽ với việc này. Bởi lẽ, lời xin lỗi của nghệ sĩ phải được công bố công khai, một cách chủ động thì nay đã được thực hiện theo một kiểu khác, nhằm tận thu từ khán giả. Nhiều khán giả để lại bình luận: “Tôi không thể hiểu được cơ chế này”, “Làm sao có thể có chuyện lạ lùng như thế xảy ra nhỉ?”...

Thực tế, mô hình xây dựng cộng đồng người hâm mộ thành những ứng dụng như trên đã phổ biến tại Nhật, Hàn nhưng hầu như vẫn chưa có mô hình kinh doanh nào xuất hiện. Việc tập hợp, xây dựng cộng đồng cho người hâm mộ được xem là biểu hiện cho sự chuyên nghiệp hoá. Các ứng dụng có thể do bên thứ ba đảm nhận. 

Ban đầu, tại Trung Quốc, các ứng dụng được tạo ra chủ yếu để thu hút khán giả yêu mến làn sóng Hallyu của Hàn Quốc. Như nhóm EXO, ứng dụng dùng để công bố thông tin về lịch trình của nhóm. Nhưng không có mô hình thu lợi nhuận nào xuất hiện, chúng chỉ hoạt động dựa trên nguồn kinh phí được tài trợ.

Xao Chu, CEO một đơn vị chuyên phát triển ứng dụng trong hơn 10 năm qua cho rằng độ hot của mỗi ngôi sao, nhóm nhạc là điều dễ nhìn thấy, nhưng để có được giá trị sau đó không phải là chuyện dễ. Từ cách đây 7 năm, anh đã phát triển rất nhiều mô hình có thể tượng tượng ra như: tham gia thành viên có trả phí, tích hợp thương mại điện tử, hay tìm doanh thu từ quảng cáo. 

Nhưng anh cho rằng rất khó kiếm lợi nhuận thông qua các hoạt động này. Chẳng hạn, việc tích hợp thương mại điện tử phải có sự thống nhất về mặt hàng, tính chất phù hợp với ngôi sao, nhóm nhạc. Không gian quảng cáo trên ứng dụng không nhiều. Đặc biệt, với sự phát triển của internet, mạng xã hội hiện tại, khán giả có nhiều nguồn để thu thập thông tin hơn. 

Việc tập hợp người hâm mộ thành cộng đồng trên các ứng dụng là xu hướng phát triển hiện đại
Việc tập hợp người hâm mộ thành cộng đồng trên các ứng dụng là xu hướng phát triển hiện đại

Đặc biệt, khi cơ quan quản lý ra quy định siết chặt nội dung trên môi trường mạng để bảo vệ sự an toàn của người trẻ vị thành niên (đối tượng chính sử dụng các ứng dụng) càng gây khó cho các đơn vị nếu muốn phát triển.

Ngoài ra, hiện tại cũng có những nền tảng cơ bản như Wechat, là nơi người hâm mộ có thể tập hợp, trò chuyện và tương tác trực tiếp với thần tượng dễ hơn. Nền tảng này cũng giúp họ dễ dàng liên lạc với người thân, bạn bè, chứ không chỉ tập trung vào thần tượng như các ứng dụng được phát triển riêng biệt. Đặc biệt, nền tảng này không tốn phí. Nó có thể giúp tập hợp nhiều người hâm mộ, giữ chân họ, tạo tâm lý thoải mái hơn cho họ nếu có những hoạt động trả phí nào đó.

Thực tế, tại Trung Quốc, cộng đồng người hâm mộ vẫn tập trung đông đúc nhất trên Weibo, Chaohua, Douban - những nền tảng không tốn phí. 

Ngay tại Hàn Quốc, nơi mà khán giả sẵn sàng chi tiền cho thần tượng, quan điểm của họ cũng khó rõ ràng, chỉ muốn tập trung cho sản phẩm, concert...

Năm 2019, giải AAA đã từng bị tẩy chay vì cố gắng “tận thu” khán giả thông qua việc bỏ tiền để bình chọn. Điều đó ít nhiều cho thấy khán giả cũng không phải "kẻ khờ" với đồng tiền mình bỏ ra.

Trung Sơn (theo QQ, tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI