Theo khảo sát do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM công bố tháng 12/2023, có 9% gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành lao động, thương binh, xã hội ở TPHCM không hạnh phúc. Nguyên nhân chủ yếu do vấn đề kinh tế (49,3%).
Vậy, cán bộ, công chức xây dựng hạnh phúc thế nào khi quỹ thời gian dành cho gia đình của họ khá eo hẹp, môi trường làm việc áp lực, gánh nặng kinh tế…?
Talkshow “Cán bộ, công chức xây dựng gia đình hạnh phúc thế nào?” là diễn đàn để chuyên gia, cơ quan chức năng thảo luận để cùng tìm ra các giải pháp vượt qua những thách thức, áp lực trong cuộc sống của người cán bộ, công chức, từ đó xây dựng mô hình gia đình hạnh phúc, tạo nền tảng xây dựng thành phố phát triển bền vững.
|
Tiến sĩ Bùi Hồng Quân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam, Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường đại học Sư phạm TPHCM - tại buổi toạ đàm |
Tiến sĩ Bùi Hồng Quân cho biết ông đồng cảm và thấu hiểu sự áp lực của cán bộ công chức. Ngày nghỉ người ta ở nhà mà họ phải ra đường, trong khi không phải tất cả người thân đều đồng cảm và thấu hiểu.
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM, nhận định: Với thời đại công nghệ như hiện nay, để vừa làm tốt công việc vừa xây dựng được hạnh phúc gia đình, mỗi người phải nỗ lực vươn lên rất nhiều. "Chính vì điều đó, nghị quyết đại hội phụ nữ nhiệm kỳ này đã đề ra phong trào thi đua xây dựng người phụ nữ thời đại mới có sức khỏe, có tri thức, có đạo đức", bà nói.
|
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN TPHCM - cho biết bà rất thấu hiểu với nỗi niềm của nữ công chức |
Đánh giá về tình hình xây dựng gia đình hạnh phúc, bà Kim Thúy chia sẻ rằng, đó không phải là trách nhiệm của một cá nhân, mà là trách nhiệm của tất cả các thành viên trong gia đình, cần sự đồng cảm của cả xã hội. Nghĩa là, ngay tại cơ quan, đơn vị mỗi người đang công tác, cũng cần có sự quan tâm đó, mới góp phần cho mỗi cá nhân xây dựng gia đình hạnh phúc.
Cá nhân bà Kim Thuý nhận thấy, trước dịch COVID-19, mỗi công nhân viên chức lao động đều mong muốn sẽ có sự nghiệp, kinh tế phát triển, con cái chăm ngoan, học tốt. Nhưng sau dịch, họ mong trước hết là có được sự bình yên trong cuộc sống, sau đó mới mong con ngoan, có sự chia sẻ của những người trong gia đình, và sự cống hiến của mình đối với cơ quan đơn vị ngày càng tốt hơn.
Clip: Tâm tình người giữ lửa tại gia
Trong thời gian vừa qua, nguồn thu nhập tăng thêm của Nghị quyết 98 không chỉ giúp mỗi cán bộ, công chức, người lao động nâng cao cuộc sống, thêm chu toàn trong cuộc sống mà chính bản thân họ cũng nhìn lại, đầu tư hơn cho công việc. Đó cũng chính là động lực, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay.
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa: Sự thấu hiểu, yêu thương, chia sẻ lẫn nhau là sợi dây kết dính mỗi thành viên trong gia đình. Chúng tôi phân công công việc cho nhau, cũng vì điều đó, tôi luôn cảm thấy mình được bảo bọc, hỗ trợ để làm tốt công việc cơ quan, từ đó có thời gian cho gia đình.
Nhiều người cho rằng công nghệ thông tin (CNTT) khiến sự kết nối gia đình ngày càng mờ nhạt. Tuy nhiên, theo bà Ngọc Hoa, vấn đề quan trọng là mỗi người sử dụng CNTT như thế nào thông minh nhất. "Tôi thường xuyên nhờ vào CNTT để nấu những bữa cơm ngon cho gia đình; và gia đình thường xuyên trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề thông qua CNTT. Dù vậy, sự ưu tiên của gia đình là bữa cơm cùng nhau. Do đó, tôi nghĩ CNTT không ảnh hưởng gì đến hạnh phúc gia đình của chúng tôi".
Tiến sĩ Bùi Hồng Quân: Tận dụng được tiện ích của công nghệ là điều tuyệt vời. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều đó. Nhiều người đã để mặc công nghệ làm bạn với con. Nhiều người ngồi với nhau trong bữa cơm nhưng mỗi người lại kết nối với điện thoại, để tình cảm, cảm xúc của mình thả trôi theo điện thoại. Có rất nhiều hệ lụy khi những đứa trẻ gắn chặt với điện thoại.
|
|
Trả lời câu hỏi rằng "Một cán bộ cấp phòng thường xuyên đi công tác xa, làm sao để nuôi dạy con tốt?", bà Lâm Thị Ngọc Hoa cho rằng khi đi công tác xa, cần phải có kế hoạch, dự tính những tình huống sẽ xảy ra với mình. "Nền tảng vững chắc là, chúng tôi luôn xây dựng môi trường làm việc thân thiện, cởi mở. Chúng tôi tạo điều kiện cho chị em có thể làm việc tốt, có những bữa cơm cùng nhau để mọi người có thể cởi mở những vấn đề của mình. Ở nhà, những lúc đi công tác, con dâu sẽ thay tôi những công việc thường ngày. Trong bữa cơm, chúng tôi thảo luận những vấn đề đang tồn tại, thậm chí chỉ thảo luận thực đơn cho bữa cơm sau. Đó là nếp nhà vẫn duy trì mỗi khi tôi đi công tác".
Tiến sĩ Bùi Hồng Quân: Quan trọng là sự sắp xếp. Đi công tác xa hãy kết nối vợ con thông qua công nghệ. Điều quan trọng là người đồng hành phải vô cùng thấu hiểu. Khi đó, sự sắp xếp sẽ ổn thỏa hơn rất nhiều và câu chuyện gia đình hạnh phúc sẽ là câu chuyện quá xa. Gia đình ổn thỏa sẽ tác động tốt đến công việc và ngược lại, 2 vấn đề này không tách rời nhau.
|
Bà Lê Thị Kim Thúy - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM - tại buổi toạ đàm |
Trả lời câu hỏi của bạn đọc Ngọc Diệp: "Bữa cơm gia đình đang dần xa rời với gia đình chị, làm cách nào để giữ gìn bữa cơm này?", bà Lê Kim Thúy cho biết gia đình bà mỗi người một việc, những ngày trong tuần, bữa cơm rất vội, nhưng cuối tuần, bù lại, bà sẽ chăm chút hơn, nấu những món chồng con thích, và kết nối để chồng con tham gia cùng. "Để có bữa cơm đó, không phải là sự nỗi lực của 1 cả nhân mà là sự cố gắng của tất cả các thành viên", bà nói.
Tiếp lời bà Kim Thúy, tiến sĩ Bùi Hồng Quân cho rằng, với bạn trẻ hiện nay, việc có một bữa cơm gia đình truyền thống khó hơn, bởi tâm lý các bạn là thời gian cuối tuần dành để nghỉ ngơi, nên các bạn có thể dẫn nhau ra ngoài ăn. Đó vẫn là bữa cơm gia đình nhưng ở không gian khác, miễn là hãy thật sự dành thời gian đó cho nhau.
|
Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang - Phó trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Cán bộ TPHCM - tại buổi toạ đàm |
Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang: "Tôi nghĩ tiêu chí bữa cơm gia đình ngày nay khác trước là chúng ta có thể “ăn cơm online” với nhau, chứ đừng “ngồi cạnh nhau nhưng không ăn cơm cùng nhau”. Chúng ta cần nghĩ linh hoạt, không quá cứng nhắc, máy móc vai trò của nhau trong gia đình. Hãy tăng năng suất lao động ở cơ quan để có thêm thời gian bên nhau. Chúng ta không nhất thiết phải có bữa cơm ở nhà, có thể sáng chủ nhật ra công viên, cùng nhau đi nhà hát...".
Chia sẻ về những hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bà Lâm Thị Ngọc Hoa khẳng định, hưởng ứng phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ thời đại mới", Hội LHPN TPHCM đã cụ thể hóa phong trào “Xây dựng người phụ nữ TPHCM đoàn kết, nhân văn, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên, xây dựng gia đình hành phúc”. Nhiệm vụ trọng tâm tiên quyết lần này là hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh.
Để làm được điều đó, Hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em, tạo mọi điều kiện để nâng cao quyền năng kinh tế của người phụ nữ trong gia đình.
Tiến sĩ Bùi Hồng Quân nhận định rằng, không chỉ Hội LHPN mà ở cấp độ thành phố cũng có những phong trào, những tiêu chí của gia đình hạnh phúc cần sự lan tỏa, đồng hành, bởi không phải phụ nữ nào cũng tiếp cận những chính sách trên.
Theo ông, Nhà văn hóa Phụ nữ cũng là một kênh để Hội LHPN TPHCM lan tỏa vấn đề này. Ngoài ra, Hội cũng cần mở rộng đường dây lắng nghe tiếng nói của phụ nữ trong những tình huống cấp bách, nơi họ có thể gởi gắm tiếng lòng, được chia sẻ, đồng cảm.
Trước đề xuất của tiến sĩ Bùi Hồng Quân, bà Lâm Thị Ngọc Hoa thông tin thêm, ở địa bàn dân cư, ở những khu trọ, Hội có nhiều chương trình phù hợp. Ở các khu phố ấp đều có các tổ tư vấn cộng đồng, huy động lực lượng trí thức tham gia để hỗ trợ phụ nữ trong việc giải quyết các vấn đề gia đình.
"Ngoài ra, Hội LHPN TPHCM cũng có những chương trình hỗ trợ vốn, chương trình đào tạo, nâng cao kiến thức, giúp nữ công nhân, viên chức có kỹ năng khi đến hội nhập với đô thị. Chúng tôi cũng có những lớp tiền hôn nhân cho các cặp đôi trẻ chuẩn bị kết hôn, hỗ trợ kỹ năng cho các bạn trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình", bà Ngọc Hoa nói thêm.
Bà Lê Kim Thúy: Cốt lõi của một gia đình hạnh phúc gói gọn tron 8 từ “yêu thương – tôn trọng – chia sẻ - gắn kết”. Yêu thương, tôn trọng nhau cả 2 chiều, chia sẻ nhau để mỗi người có thời gian nhiều hơn để vừa lao động, vừa vun đắp gia đình. Còn gắn kết không có nghĩa là chúng ta làm xong việc của mình thì chui vào phòng mình. Làm được điều đó, gia đình sẽ hạnh phúc.
Bà Kim Thuý thông tin thêm: Hiện nay, bên cạnh các phong trào chăm lo, Liên đoàn Lao động TPHCM có chương trình liên tịch với Hội LHPN TPHCM.
"Sau dịch COVID-19, chúng tôi thấy sức khỏe của người lao động rất quan trọng. Do đó, bên cạnh các ký kết để tăng phúc lợi cho người lao động, giúp họ gắn kết gia đình, chúng tôi còn đưa vào chương trình thương lượng lao động tập thể, quy chế chi tiêu nội bộ, để mỗi công đoàn cơ sở nâng cao gói tầm soát khám bệnh vì sức khỏe không chỉ quý giá với người lao động mà còn vốn quý với cơ quan sử dụng lao động. Ngoài ra, chúng tôi còn quan tâm đến con em của người lao động bằng các học bổng", bà Kim Thuý.
Đồng ý với ý kiến của bà Kim Thúy, bà Lâm Thị Ngọc Hoa đề xuất cần có sự nghiên cứu một cách khoa học cho chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với sức khoẻ của phụ nữ, chẳng hạn cần có chế độ tầm soát ung thư cho người phụ nữ.
Còn với tiến sĩ Bùi Hồng Quân, trong gia đình cần có yếu tố của sự đồng hành - đồng hành giữa vợ chồng, cha mẹ với con cái. Ngoài ra, cần có sự quan tâm, đồng hành giữa sức khỏe thể chất và sức khỏa tâm thần của người lao động, cán bộ, công chức bởi 2 yếu tố này không thể tách bạch nhau.
Kết lại chương trình, tiến sĩ Lê Thị Linh Trang khẳng định, sức khỏe thể chất, tâm thần tốt, cán bộ, công chức sẽ mang niềm hạnh phúc và sức khỏe tốt đó vào công việc, và sẽ phục vụ người dân tốt hơn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của TPHCM và mang đến lợi ích lại lợi ích đến từng hộ gia đình.
"Hãy cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc trong một khối chia sẻ, hiểu biết, yêu thương", tiến sĩ Linh Trang nói.
|
Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM (giữa) - tặng hoa cảm ơn các khách mời đã tham gia chương trình |
Chương trình có sự góp mặt của tiến sĩ Lê Thị Linh Trang - Phó trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Cán bộ TPHCM; bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM; bà Lê Thị Kim Thúy - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM; tiến sĩ Bùi Hồng Quân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam, Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường đại học Sư phạm TPHCM. Chương trình được phát trực tiếp (live stream) trên kênh YouTube, trên trang Facebook (fanpage) và phiên bản điện tử Báo Phụ nữ TPHCM (phunuonline.com.vn), trên fanpage của Hội LHPN TPHCM và hội phụ nữ các cấp. |
Thu Lê - Kim Uyên
Ảnh: Phùng Huy