TPHCM đang xây dựng bộ tiêu chí Xây dựng gia đình hạnh phúc. Hạnh phúc luôn là chủ đề ý nghĩa. Trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, cùng nói với nhau về hạnh phúc gia đình và “bí quyết” để giữ gìn hạnh phúc gia đình của mỗi người lại càng vun đắp, lan tỏa thêm nhiều giá trị tích cực.
Báo Phụ Nữ TPHCM mở diễn đàn Hạnh phúc gia đình xây bằng gì? để bạn đọc muôn phương cùng bàn luận, chia sẻ. Với bạn, hạnh phúc gia đình được đong đếm, dựng xây, gìn giữ như thế nào?
|
Ai cũng mong muốn có cuộc hôn nhân hạnh phúc, những phải làm gì để gìn giữ được điều đó? |
Ông bà ta vẫn thường nói: "Đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm". Nhưng điều đó có lẽ chỉ áp dụng được trong trường hợp người chồng gánh vác kinh tế gia đình và người phụ nữ ở nhà quán xuyến việc bếp núc, nuôi dạy con cái, chăm sóc chồng và gia đình nhà chồng...
Cuộc sống hiện đại tạo ra rất nhiều hình mẫu, mô hình gia đình khác nhau, và cách nhìn về hạnh phúc, cách gìn giữ hạnh phúc gia đình cũng không còn như các giai đoạn xã hội trước. Thật khó để có định nghĩa đủ đầy về hạnh phúc gia đình, dù rằng đó là điều bất cứ ai khi lập gia đình cũng mong mỏi.
Vậy, chúng ta thử đi từ những viên gạch dễ thấy nhất trong công trình hạnh phúc gia đình và trả lời câu hỏi: "Hạnh phúc gia đình mình được xây dựng bằng gì nhỉ?".
Tiền bạc ư? Nhiều tiền giúp cho cuộc sống thoải mái hơn, vật chất tiện nghi hơn. Nhưng tiền chưa hẳn bảo chứng cho hạnh phúc. Điều này có thể được nhìn thấy qua rất nhiều trường hợp, người giàu có chưa chắc đã hạnh phúc hơn người có thu nhập bình thường, thậm chí người thu nhập thấp.
Tình yêu ư? Những cặp đôi xác định tiến tới hôn nhân phần nhiều đều bắt đầu từ tình yêu. Nhưng cuộc sống chung không tránh khỏi những thất vọng, "vỡ mộng" cho cả đàn ông lẫn phụ nữ. Rồi khi trở nên quen thuộc, con người ta có thể nhàm chán nhau. Bởi thế mà trong bất kỳ cuộc hôn nhân nào, "giữ lửa" cũng là vấn đề quan trọng.
Nhưng trách nhiệm giữ ngọn lửa ấm cho gia đình sẽ dành đặt lên vai ai?
Đàn ông có thể nghĩ rằng, vai trò giữ lửa hạnh phúc gia đình thuộc về người vợ. Được thể hiện qua những hành động thiết thực: sự dịu dàng chăm sóc cho chồng, chăm lo cho gia đình bằng những bữa cơm ngon, quán xuyến việc nhà, biết cách nuôi dạy con cái, ứng xử khôn khéo với gia đình nhà chồng...
Nhưng nếu phụ nữ không nhận được sự quan tâm, yêu thương, san sẻ từ người đầu ắp tay gối, họ có sức mạnh đến mấy cũng không thể chu toàn được công việc "giữ lửa" đầy áp lực kia.
Từng có một người phụ nữ nói rằng, đi làm về chị có thể làm việc đến tận 12 giờ khuya để nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, quần áo đi làm của chồng được ủi sẵn thẳng thớm. Nhưng chỉ một đôi câu nói tổn thương, vô tâm của chồng cũng có thể khiến chị không còn sức lực để làm gì nữa.
Chuyện nghe tưởng chừng vặt vãnh, nhưng rõ ràng, phụ nữ có mạnh mẽ đến đâu cũng vẫn yếu đuối, cần sự quan tâm từ chồng. Họ có thể đối diện và vượt qua được rất nhiều vấn đề khó khăn, chỉ cần được chồng yêu thương, tin tưởng và chia sẻ.
|
Con cái là chiếc cầu nối cho hạnh phúc gia đình? |
Người xưa thường nói "đạo vợ chồng", với chữ "hòa" cho chồng và chữ "thuận" cho vợ. Nhưng để được hòa thuận, cần có sự chung vai, hợp lực vun đắp yêu thương của cả vợ lẫn chồng.
Chung sống với nhau dưới một mái nhà, tình yêu của vợ chồng không chỉ có những chuyện lãng mạn, bay bổng, hẹn hò, mà còn cả trách nhiệm và nghĩa vụ. Nói như thế không có nghĩa là quá lý trí, mà sự thật rõ ràng, ngoài trách nhiệm với nhau còn có trách nhiệm với con cái, gia đình họ hàng hai bên.
Chữ "hòa thuận" khi ấy lại được hiểu theo một phạm vi phổ quát hơn, mang ý nghĩa nền tảng hơn.
Hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng, khó có khuôn mẫu chung, nhưng để xây đắp hạnh phúc, thật ra cũng có những kỹ năng, những bí quyết. Ai nắm được bí quyết này trong tay thì tự khắc biết cách điều chỉnh, ứng xử để gìn giữ ngọn lửa ấm dưới mái nhà mình.
Trong công trình nghiên cứu Hạnh phúc của người Việt, phó giáo sư - tiến sĩ Lê Ngọc Văn đã chỉ ra rằng, yếu tố tác động lớn nhất đến hạnh phúc của người Việt chính là mối quan hệ trong gia đình, họ hàng, cộng đồng và xã hội.
Đó là giá trị nền tảng nhưng trong cuộc sống hiện đại, rất nhiều người đã bỏ qua. Vì bận rộn kiếm tiền mà các thành viên không duy trì được bữa tối cùng nhau. Vì áp lực công việc mà có khi chồng/vợ mang mệt mỏi về nhà rồi ứng xử không tốt với người kia, ảnh hưởng đến cả con cái.
Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, chắc rằng không thể có "công thức" chung cho tất cả về việc gìn giữ hạnh phúc gia đình. Nhưng chúng tôi tin rằng sẽ có những giá trị phổ biến mà nếu khuyết thiếu những điều đó, có thể sẽ là một gia đình không hạnh phúc, hoặc đang bên bờ đổ vỡ.
Chúng ta cùng nhau bàn về các tiêu chí hạnh phúc gia đình, cùng nhau chia sẻ ''bí quyết" gìn giữ hạnh phúc gia đình, những thang đo của hạnh phúc... đây chính là cách để cùng nhau nhận diện và lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Vậy, dưới mái nhà của bạn, hạnh phúc được xây bằng những điều gì?
Hãy chia sẻ quan điểm, ý kiến, câu chuyện của bạn cùng Phụ Nữ Online về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của toà soạn theo quy định.
|
Ảnh minh họa |
Dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc
TP.HCM đang xây dựng các “Tiêu chí gia đình hạnh phúc” nhằm giúp người dân nhìn rõ hơn trách nhiệm của mình đối với gia đình, để cùng nhau xây đắp và tận hưởng định nghĩa: gia đình là một thiên đường.
Dự thảo gồm các nội dung:
1. Tiêu chí về ứng xử trong gia đình
- Các thành viên trong gia đình thực hiện nguyên tắc: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ - Gương mẫu.
- Các mối quan hệ ứng xử trong gia đình được đảm bảo:
+ Ứng xử vợ chồng: Nghĩa tình, yêu thương;
+ Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương;
+ Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép;
+ Ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.
2. Tiêu chí về điều kiện vật chất
- Các thành viên trong gia đình có việc làm.
- Gia đình có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống.
- Có nơi ở/nhà ở đủ đáp ứng nhu cầu; Có các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.
3. Tiêu chí về điều kiện tinh thần
- Các thành viên trong gia đình thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng giữa các thành viên.
- Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng;
- Gia đình được sum vầy, đoàn tụ;
- Các thành viên trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau;
- Có điều kiện để tham gia các không gian công cộng dành cho việc vui chơi giải trí;
- Quan hệ họ hàng, nội ngoại tốt; quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt; quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tốt.
4. Tiêu chí về giáo dục
- Các thành viên trong độ tuổi đi học được đến trường.
- Gia đình luôn đề cao việc học hành, nâng cao hiểu biết bản thân.
5. Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe
- Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe.
- Được khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi bệnh.
- Mỗi cặp vợ chồng có đủ hai con.
- Các thành viên tham gia rèn luyện thể dục, thể thao.
- Trẻ vị thành niên, thanh niên, công nhân, cặp đôi tiền hôn nhân tiếp cận thông tin, trang bị kiến thức về tiền hôn nhân, giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới trong gia đình.
|
Cầm Thi