Mời tham gia diễn đàn 'Ai đưa con bạn đi học?'

08/08/2019 - 16:30

PNO - Tôi thót tim khi chị nọ áo, váy chật, giày cao gót chông chênh đèo hai đứa nhỏ bên tiếng rít của xe bus xe taxi. Mẹ nhỏ bé và yếu tay lái chở con đến trường có phải là một giải pháp?

Vụ việc bé trai 6 tuổi bị bỏ quên rồi tử vong trên xe đưa đón trường Gateway khiến nhiều phụ huynh giật mình lo cho đứa con bé bỏng.

Cha mẹ chia nhau chở con, nhờ xe ôm công nghệ, bác xe ôm quen đầu xóm, cô giúp việc, ông bà nội ngoại già yếu, hay tiếp tục giao con cho xe đưa đón của nhà trường trong bất an, lo lắng?

Mời bạn góp ý kiến cho diễn đàn: 'Ai đưa con bạn đi học?'. Bài viết xin gửi về địa chỉ: giadinh@baophunu.org.vn ; bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn.

Cảm ơn bạn đã theo dõi diễn đàn. 

Suốt hơn 20 năm làm thầy, chưa bao giờ tôi dám tự ý dẫn học sinh mình đi đâu chơi. Cách đây hai năm tôi chủ nhiệm một lớp 12 rất dễ thương và đoàn kết. Các em muốn chụp bộ ảnh kỷ yếu với nhau ở Vũng Tàu. Tôi có nghe các em nói qua, nhưng cũng ậm ừ, vì công việc bài vở thi cử lu bu. 

Đùng một cái, đầu tuần của tháng Tư các em báo là cuối tuần đi. Xe cộ, tiền bạc, người chụp ảnh các em đã tính toán xong, “Cô chỉ đi thôi!”. Tôi hốt hoảng hỏi "Ba mẹ có biết đi đâu đi với ai làm gì không?" Có em nói không, có em nói "đi với cô là ba mẹ cho à!". Tôi sững sờ và từ chối không đi, cũng không cho các em đi.

Tôi nhớ mình mất gần hai tiết học giải thích với các em vì sao tôi từ chối. Chuyến xe bus gần 50 chỗ lưu thông trên đường, có gì bất trắc hay không không ai lường trước? Biển sóng mênh mông 17 18 tuổi có phải là đã lớn hẳn chưa để đo lường hết nguy hiểm? Một mình cô làm sao kiểm tra được hết khi qua đường, khi lên xe xuống xe?

Cô không xin hết ý kiến của tất cả phụ huynh, vì lỡ chuyện đau lòng xảy ra giả sử ai cũng hiểu cũng thông cảm, không ai trách cô nhưng bản thân cô làm sao sống được với mình? Cô làm gì nếu sự việc đã rồi? Xin lỗi ư? Liệu có lời xin lỗi nào lấp cho đầy nỗi đau lớn ấy? Có cái gì quý giá hơn một con người?

Moi tham gia dien dan 'Ai dua con ban di hoc?'
Chiếc xe đưa đón học sinh ở Gia Lai bị nạn, làm tử vong hai học sinh

Tôi phút chốc nhớ lời kịch nổi tiếng: “Có những cái sai tuyệt đối không thể sửa!”. Vậy nên, khi nhận về mình một trách nhiệm, nhất là niềm tin hy vọng tình yêu thương của người khác, xin hãy nhận bằng tình yêu thương tận tâm. Không ai trách con người sai sót, chỉ trách con người thiếu trách nhiệm và không nghĩ thấu đáo cảm xúc của người khác mà thôi.

Tôi nghĩ ai cũng muốn đưa con mình mỗi sáng sớm mai đến lớp. Nhất là những em còn nhỏ. Nhìn thấy con mang chiếc ba- lô xinh xắn líu ríu theo chân các bạn khuất đằng sau cánh cổng uy nghiêm đâu đơn giản là một sự an tâm yêu thương dành cho con mà đôi khi để cho chính bản thân mình đôi chút thời gian sống lại một thời ấu thơ. Tôi đã từng đưa con đến trường, chạy xe đi làm mà cứ miên mải ở trong một vùng ký ức xa xưa, nhớ thương quá đỗi trường xưa bạn cũ, ba mẹ quê hương…

Moi tham gia dien dan 'Ai dua con ban di hoc?'
Hình ảnh đầu tiên của một ngày vất vả (Ảnh: Võ Tiến)

Thế nhưng, công việc hoàn cảnh gia đình đâu phải ai giống ai, rồi đường xá đông đúc ken nhau như mắc cưởi, hai đứa con, đứa đeo trước đứa đeo sau, đưa con đến trường hằng ngày có phải là một giải pháp không?

Biết bao nhiêu lần tôi phải cố chạy theo để nhắc một người mẹ trong chiếc áo mưa lùng bùng, bé con ngồi sau ló đầu ra khỏi áo, cái mông bé xíu chực rơi khi chiếc xe máy vẫn đang di chuyển.

Biết bao nhiêu lần tôi thót tim khi thấy chị nọ áo, váy khẩu trang kín mít, giày cao gót chông chênh đèo hai đứa nhỏ, khi sát cạnh bên tiếng rít rợn người của xe bus xe taxi vượt nhau. Biết bao lần tôi ngay ngáy lo khi thấy bạn tôi - người chỉ cần ai lớn tiếng đã hết hồn hết vía - nai lưng chở ba đứa con đến trường mỗi sáng…

Vậy nên, chuyện có một chuyến xe bus đón các con từ nhà đưa đến tận trường là điều hết sức đáng mừng và nên làm sau này. Không thể trách cha mẹ lo kiếm tiền hay không đủ quan tâm để hằng ngay đưa đón con đến lớp. Ngẫm cho tận cùng, nỗi đau mất con của họ là nỗi đau đớn khủng khiếp có thật và dai dẳng bám riết cả một đời chứ không phải là ngày một ngày hai. Khi trái tim không còn, liệu họ sống ra sao? Tôi thật tình xin không dám tưởng tượng…

Triệu Vẽ

(Giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải, Q.11, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI