PNO - Mới đầu năm học, nhiều phụ huynh đã mệt mỏi vì thầy cô của con hù “cháu học yếu, ở nhà nên rèn thêm”. Chưa hết, thầy cô còn nhờ lớp trưởng nhắc nhở học sinh trong lớp đi học thêm…
M.Th. học sinh lớp 11 tại Q.3, TP.HCM gọi thầy giáo dạy toán của mình là “sát thủ”. “Lần nào cũng vậy, đề kiểm tra toán trên lớp đều có 1, 2 câu nâng cao chiếm từ 1-2 điểm. Em là học sinh khá giỏi nhưng thường xuyên mất điểm vì dạng bài này, trong khi một số bạn học trung bình lại giải ngon ơ. Tụi nó chia sẻ bí quyết là đến lớp học thêm của thầy. Vậy là em phải nghỉ ở trung tâm về học thầy để cải thiện điểm”, Th. kể.
Dạy thêm học thêm khiến hình ảnh người thầy không còn trọn vẹn
Theo một số giáo viên, cách ra đề kiểm tra khó, thường xuyên đưa câu hỏi nâng cao vào đề chính là “tuyệt chiêu” kéo học sinh đến lớp dạy thêm hữu hiệu nhất. Các tổ trưởng chuyên môn càng chiếm ưu thế trong chiêu này vì họ còn có vai trò trong việc chọn đề thi học kỳ. Những giáo viên dạy thêm thường trao đổi với nhau, hoặc làm thân với tổ trưởng chuyên môn, hiệu phó chuyên môn để “đón hướng” ra đề thi học kỳ. Ngày xưa, thầy dạy hay thì đông trò học thêm, nhưng nay phải là thầy ôn tập trúng tủ nhiều thì lớp dạy thêm mới đông.
Học thêm để đỡ bị xét nét cũng là một lý do mà nhiều học sinh gặp phải. Chị Hà, phụ huynh một học sinh lớp Chín kể: “Tôi không cho con học thêm gì ngoài tiếng Anh và năng khiếu. Tôi không có nhu cầu con phải học thật giỏi nhưng cô chủ nhiệm thì… rất máu. Họp phụ huynh cô hù rằng, con tôi học không tốt, sợ thi không đỗ. Trong lớp, khi sửa bài kiểm tra cô cũng thường đọc lỗi trong bài mà con bé mắc phải. Nhưng tôi vẫn không cho con đi học thêm. Một lần con bé đi học về khóc nức nở: nếu là bạn đi học thêm, cô sẽ rất nhẹ nhàng hướng dẫn lại, còn con thì cứ nói đi nói lại hoài, cô bất công lắm. Con bé năn nỉ tôi không được đến trách cô mà nên cho đi học thêm để yên thân”.
Một vị hiệu trưởng THCS ở Q.10 thừa nhận, giáo viên giờ tinh vi lắm, có nhiều diệu kế để khiến học trò tự nguyện đến lớp học thêm. Lên lớp thì giảng qua loa đại khái với lý do không đủ thời gian, chỉ có học sinh đi học thêm thì được giải trước đề kiểm tra. Không đi học thêm thường hay bị nói cạnh khóe, chê bai, hù thi rớt này nọ; đánh vào tâm lý của phụ huynh bằng cách ca cẩm về sự yếu kém của học sinh và đề nghị cho con học thêm. “Ban giám hiệu phải tinh ý mới “trị” được. Chẳng hạn như khi nắm thông tin thầy cô nào dạy thêm mình phải hạn chế sử dụng đề kiểm tra của người đó ra; hạn chế bố trí lớp cuối cấp quan trọng; luân chuyển lớp…”, vị hiệu trưởng này cho biết.
Không ra mặt, không thu tiền...
Mới vào học được một tháng, D., học sinh lớp Mười tại Trường THPT Trường Chinh cho biết, đã được lớp trưởng nhắc đến ba lần chuyện đi học thêm toán, lý, hóa… Chị N.A., mẹ của D. bức xúc kể: “Cứ cách một tuần, D. lại về nhà than: mẹ ơi, hôm nay bạn lớp trưởng lại nhắc liên hệ với bạn ấy để đăng ký lớp học thêm của các thầy cô. Cứ mỗi lần bị nhắc, D. lại về nhà lo lắng, băn khoăn hỏi tôi có nên đi học cho êm chuyện? Tôi nghĩ thầy cô không ra mặt mà nhờ lớp trưởng nói hộ thì quá tệ. Nếu học sinh yếu kém, phụ huynh sẽ tìm đến ngay. Đằng này, con tôi xác định sẽ theo học ngành liên quan đến văn hóa ở nước ngoài nên tập trung luyện tiếng Anh và học các môn xã hội thật tốt”.
Chỉ cần tổ chức dạy thêm học thêm cho học sinh chính khóa ở trường là sai quy định, huống hồ là chính giáo viên gợi ý. Vì vậy, giáo viên phải tìm cách “lách” bằng “chiêu” học sinh tự nguyện tìm đến lớp học. Có giáo viên còn tinh tế hơn là thuê địa điểm dạy thêm nhưng không thu phí. Không thu phí thì không bị mang tiếng là tổ chức dạy thêm, học thêm. Thế nhưng, những món quà cảm ơn sau đó hậu hĩnh thế nào thì chỉ có giáo viên và phụ huynh rõ.
Nhắc đến thầy T. dạy văn của một trường chuyên thì ai cũng phải thán phục bởi tài dạy thêm của thầy. Lớp dạy thêm của thầy đông nghẹt học sinh nhưng không ai có thể hoạnh họe thầy. Mở lớp dạy thêm môn văn đã khó nhưng dạy văn mà kéo học sinh đến ngồi chật như nêm mới là “cao thủ”. Thầy dạy chính khóa không nhiều lớp nhưng gần như học trò đến học chỗ thầy có đủ cả ba khối, từ học trò lớp Mười mới vô đến lớp 12 chuẩn bị thi quốc gia.
Một học sinh bật mí: “Em không muốn học thêm đâu vì em xác định theo ban A, nhưng thầy T. giống như trùm ở trường. Muốn đến thầy cô khác học thêm đều phải qua thầy giới thiệu”. Đặc biệt, thầy T. có một tuyệt chiêu là dạy thêm nhưng không thu tiền học trò nên lãnh đạo ngành không thể nhắc nhở gì. Và không phải em nào muốn đến học đều được nhận nên mặc nhiên lớp dạy thêm của thầy T. trở thành lớp được phụ huynh săn đón.
Có những phụ huynh phải bấm bụng cho con học thêm ở lớp của giáo viên chính khóa vừa bổ túc thêm kiến thức ở “lò” bên ngoài. Dạy thêm học thêm một khi còn tồn tại thì hình ảnh người thầy chắc chắn sẽ không thể trọn vẹn khi đồng tiền đã xen vào.
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có yêu cầu các phòng GD-ĐT tăng cường công tác kiểm tra việc dạy thêm, học thêm, thu chi các khoản kinh phí đầu năm học... Các phòng GD-ĐT phải công khai đường dây nóng, cử cán bộ trực tiếp nhận thông tin phản ánh tiêu cực và cử cán bộ kiểm tra đột xuất.
Trước đó, tại đợt khảo sát về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục tại TP.HCM, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, nhiều năm qua, Thành ủy TP.HCM đều chỉ đạo sát sao không được để xảy ra tiêu cực trong dạy thêm, học thêm gây bức xúc dư luận.
Đối với các đơn vị trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ phải đăng ký, được Sở GD-ĐT TP.HCM cấp phép, giáo viên muốn dạy thêm tại các trung tâm này phải được sự cho phép của trường. Ngoài ra, giáo viên cũng không được dạy thêm học sinh chính khóa của mình.
Việc dạy thêm, học thêm trong khuôn viên nhà trường phải được cơ quan quản lý cấp phép và phải thực hiện đúng quy định nội dung giảng dạy tách biệt với nội dung chính khóa trên cơ sở học sinh tự nguyện tham gia và có quyền lựa chọn lớp học.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.