Mỗi nhà có một vườn rau

06/06/2017 - 20:42

PNO - Sau bốn năm phát động, đến nay, 100% hộ gia đình hội viên thuộc Hội LHPN xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM đã có mảng xanh ở gia đình, trong đó, hơn 50% là vườn rau dinh dưỡng.

Tận dụng mọi khoảng trống

Chúng tôi chạy dọc theo đường 490 vào ấp 2, xã Phạm Văn Cội giữa trưa nắng gắt mà có cảm giác dịu mát bởi những khoảng sân nhà ven đường đều đầy màu xanh của cây cối.

Theo chân chị Đinh Thị Minh Nguyệt - Phó chủ tịch Hội LHPN xã Phạm Văn Cội, chúng tôi ghé nhà chị Đỗ Thị Lụa nằm ven đường, thuộc tổ 24, ấp 3. Đập vào mắt chúng tôi là những luống hành tươi xanh đang vươn mình đón nắng bên cạnh những luống tía tô, cải ngọt, kinh giới thẳng tắp.

Với khoảnh vườn chỉ chừng 300m2, vợ chồng chị Lụa đã tận dụng hết mọi khoảng trống để biến nó thành một vườn rau đủ loại. 

Moi nha co  mot vuon rau
Chị Đỗ Thị Lụa bên những luống hành của gia đình mình

Vừa phụ vợ đỡ bao phân hữu cơ từ trên xe xuống, anh Nguyễn Văn Vinh - chồng chị Lụa - kể: “Chúng tôi vốn là nông dân từ Hải Dương vào đây lập nghiệp hơn 20 năm qua. Ban đầu, vợ tôi đi làm cho nông trường cao su, còn tôi làm nghề điện. Mấy năm nay, vợ tôi nghỉ hưu, tham gia sinh hoạt Hội PN, nghe vận động trồng rau, vợ tôi về huy động cả nhà cùng làm vườn rau dinh dưỡng”.

Sau những đợt tập huấn do Hội PN xã tổ chức, chị Lụa đã biến vườn mình thành vườn rau đẹp nhất nhì trong xã, không chỉ đủ ăn cho gia đình và người thân mà còn có dư để bán. Với những kinh nghiệm làm vườn của mình, hiện chị Lụa là một “chuyên viên” của Hội, hướng dẫn chị em trong ấp cách gieo trồng, chăm bón cho từng loại rau xanh.

Mô hình gắn kết hội viên

Chị Đỗ Thị Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội LHPN xã Phạm Văn Cội - kể, từ năm 2013, Hội PN xã phát động phong trào tạo mảng xanh tại hộ gia đình. Khi đó, nhiều hội viên đã hưởng ứng bằng việc làm vườn rau dinh dưỡng, dù thổ nhưỡng ở đây không hợp với rau xanh lắm. Từ kinh nghiệm thất bại và thành công của mình, vợ chồng chị Lụa đã hướng dẫn cho hội viên cách chống xói mòn đất, cách bón phân, tưới nước, dinh dưỡng hợp lý.

Với khoảng 10 hộ ban đầu, đến năm 2016, đã có trên 100 hộ hội viên tham gia tạo vườn rau cho gia đình. Nhiều chị không những có đủ rau ăn cho cả nhà mà còn có dư rau để bán, như hộ chị Nguyễn Thị Lan ở tổ 21, chị Đỗ Thị Loan ở tổ 20, chị Lương Thị Nâu ở tổ 21. 

Tuy nhiên, trong quá trình trồng rau cũng có hội viên bỏ cuộc, khiến vườn hoang tàn. Trước thực trạng này, cuối năm 2016, Hội PN xã tổ chức hội thảo về vườn rau dinh dưỡng gia đình, và vào dịp 8/3/2017, thay vì tổ chức lễ kỷ niệm như thông lệ, Hội PN xã đã tổ chức lễ phát động trồng rau dinh dưỡng cho gia đình. Được UBND xã cho mượn khoảnh sân, các cán bộ Hội đã đặt hơn 100 thùng xốp để làm điểm “thị phạm” cho hội viên về cách trồng rau.

Hội PN xã cũng giới thiệu cho hội viên một đơn vị nhận thu mua rau sạch để chị em yên tâm về đầu ra sản phẩm. Có vườn rau chung, các cán bộ, hội viên siêng gặp nhau hơn, để cùng chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng. Vào tháng 4/2017, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập xã, mỗi chi hội PN ấp đã chọn 10 hộ nghèo, khó khăn để tặng thùng xốp, đất sạch và hướng dẫn cách trồng rau tại nhà.

Chị Quỳnh Nga nhận xét: “Mô hình tạo mảng xanh tại hộ gia đình, mà cụ thể là làm vườn rau dinh dưỡng là mô hình phù hợp để triển khai đồng đều đến tất cả các nhóm đối tượng hội viên, PN. Vườn rau không chỉ làm cho khuôn viên mỗi nhà thêm tươi mát, giúp tiết kiệm tiền mua rau mỗi ngày, mà còn giúp hội viên quan tâm hơn đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn nữa, việc tạo lập vườn rau tại nhà còn giúp các thành viên trong mỗi gia đình gắn kết nhau hơn qua việc cùng chăm bón, thu hoạch sản phẩm do chính tay mình làm ra. Hội PN xã sẽ tiếp tục đồng hành cùng chị em trong phong trào này, bằng cách hỗ trợ giống, kỹ thuật và phương tiện làm vườn cho chị em”. 

 NGHI ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI